Bác Hồ và tuyên ngôn độc lập

Lý luận trẻ | 16:00:00 12/08/2020

TNV - Cả dân tộc Việt Nam đang bước vào thời khắc kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong thời khác lịch sử, ý nghĩa này mỗi chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ với Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt gần 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. 


Theo cuốn “Tuyên ngôn Độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (NXB Sự thật, Hà Nội, 1975), ngày 26-8-1945, Bác về đến Hà Nội. Trong phiên họp đầu tiên ở Hà Nội do Bác chủ tọa, Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định phải sớm công bố danh sách Chính phủ lâm thời. Ngày ra mắt của Chính phủ cũng là ngày chính thức tuyên bố độc lập. Bác đảm nhiệm viết “Tuyên ngôn độc lập”.

Ngày 4//5/1945, Bác Hồ rời Pác Bó về Tân Trào. Giữa tháng 5, Người yêu cầu trung úy Giôn, báo vụ của OSS (cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ), điện về Côn Minh, đề nghị thả dù cho Người cuốn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Ngày 22/8/1945, Bác rời Tân Trào về Hà Nội. Tối 25/8, Người vào nội thành, ở tầng 2 nhà 48 Hàng Ngang (gia đình ông Trịnh Văn Bô).

Sáng 26/8/1945, Bác triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, bàn các vấn đề như chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời; chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức mít-tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân. Ngày ra mắt Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 27/8/1945, Người triệu tập cuộc họp Ủy ban Dân tộc giải phóng, đề nghị thi hành chính sách đoàn kết dân tộc rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm đại biểu các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái có danh vọng. Nhiều ủy viên Việt Minh xin rút. Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng ngày 27/8, Người tiếp các bộ trưởng mới tham gia Chính phủ và đề nghị đầu tháng 9, Chính phủ ra mắt quốc dân và đọc Tuyên ngôn Độc lập mà Người đã chuẩn bị. Người đưa bản thảo để các thành viên Chính phủ xét duyệt, đề nghị duyệt kỹ, vì ta sẽ đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe.

Ngày 28 và 29/8/1945, ban ngày, Bác đến làm việc tại 12 Ngô Quyền, trụ sở của Chính phủ lâm thời. Người dành phần lớn thì giờ soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Buổi tối, tại 48 Hàng Ngang, một căn buồng vừa là phòng ăn, vừa là phòng tiếp khách, Bác tự đánh máy Tuyên ngôn Độc lập ở một cái bàn tròn.

Ngày 30/8/1945, Bác mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý cho bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Người đọc cho mọi người nghe và hỏi ý kiến. Ngày 31/8, Bác bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn Độc lập.

14 giờ ngày 2/9/1945, trong cuộc mít-tinh tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 5/9/1945, báo Cứu quốc số 36, đăng toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập. Dưới bản Tuyên ngôn Độc lập ký tên 15 thành viên của Chính phủ lâm thời: Hồ Chí Minh, Chủ tịch; Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Dương Đức Hiền, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Cù Huy Cận, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Trọng Khánh, Phạm Văn Đồng, Đào Trọng Kim, Vũ Đình Hòe, Lê Văn Hiến.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng từng được nghe, từng tìm hiểu, từng đọc nội dung của Tuyên ngôn Độc lập, với tôi trong lúc này vẫn luôn nhớ và ghi tâm Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

75 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ” đối chiếu với những gì mà thế giới đang đối mặt (chiến tranh, khủng bố, nội chiến…) và trong cuộc chiến trước đại dịch covid-19 của nhân loại càng thấm sâu tư tưởng của Bác Hồ trong Tuyên ngôn Độc lập, không phải ở đâu “…mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng là dịp để mỗi chúng ta tự hào về Bản Tuyên ngôn Độc lập, tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Cuộc chiến chống lại đại dịch covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều mối nguy, với tư tưởng “chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân” để thấy rằng tư tưởng Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập là xuyên suốt trong lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong điều hành của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyễn Ngọc    

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam