Nhiều nét mới ở lĩnh vực pháp lý trong Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học

Các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học được tổ chức đã thu hút hàng nghìn sinh viên tham gia với nhiều lĩnh vực, bao gồm: công nghệ hóa, dược; công nghệ sinh, y sinh; công nghệ thông tin; công nghệ thực phẩm; giáo dục; kinh tế; kỹ thuật; nông lâm ngư nghiệp; pháp lý; quy hoạch, kiến trúc và xây dựng; tài nguyên và môi trường; xã hội và nhân văn. Trong đó, nhiều đề tài ở lĩnh vực pháp lý có tính ứng dụng cao trong thực tiễn cuộc sống.

 

Lễ Tổng kết và trao giải của Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2017

Tiền kỹ thuật số

Với sự thúc đẩy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiền kỹ thuật số xuất hiện như một xu hướng phát triển tất yếu của thời đại.

Vì mang trong mình những đặc điểm của tiền tệ, tiền kỹ thuật số có khả năng cung cấp phương thức thanh toán thuận lợi, nhanh chóng và an toàn hơn hình thức tiền tệ truyền thống.

Nhằm bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, Việt Nam sẽ sớm tiến tới tiếp cận với tiền kỹ thuật số, đây là điều tất yếu của xu hướng phát triển của xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, song hành với những lợi ích mà tiền kỹ thuật số đem lại đó là những khó khăn và thách thức đang được đặt ra, trong đó có vấn đề pháp lý.

Chính vì thế, Nhóm nghiên cứu gồm Hà Thế Việt, Nguyễn Xuân Hoàng, Bùi Quốc Cường, Nguyễn Hữu Thắng đến từ Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã thực hiện đề tài Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tiền kỹ thuật số trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Đề tài đã khái quát về một số nhận định chung đối với tiền kỹ thuật số, đánh giá những quy định pháp luật liên quan hiện có tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp pháp lý về công nhận tính hợp pháp, phát hành và quản lý loại tiền kỹ thuật số này.        

Đây là bước đột phá khá thú vị trong lĩnh vực pháp chế và liên quan đến xu thế của ngành khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.

Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN                                                                  

Du lịch thông minh tại TP Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế chuyển đổi số, công nghệ thông tin và truyền thông, cho ra đời nhiều công nghệ số hiện đại, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng đa dạng cho ngành du lịch.

Đặc biệt, trong điều kiện bình thường mới, du lịch thông minh là xu thế phát triển tất yếu của ngành du lịch trong tương lai, nhất là tại TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh với những thuận lợi, tiềm năng sẵn có hoàn toàn có đủ các điều kiện để phát triển thành công du lịch thông minh. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, buộc ngành du lịch phải đổi mới và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hơn nữa.

Thí sinh Lý Tuyết Đình đến từ Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại và xu hướng sắp tới.

Công trình nghiên cứu này đã tổng hợp một số cơ sở lý luận về du lịch thông minh và kinh nghiệm thực tiễn, các thành tựu đạt được về phát triển du lịch thông minh ở một số thành phố trong và ngoài nước. Phân tích, đánh giá thực trạng các điều kiện phát triển du lịch thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, đề xuất giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh trên địa bàn Thành phố.

Phát triển du lịch thông minh sẽ giúp ngành du lịch giải quyết được các vấn đề nội tại, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, mang lại tác động tương hỗ cho các bên liên quan bao gồm cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp, du khách và cộng đồng dân cư.

 

 

Tấm pin năng lượng mặt trời đã qua sử dụng phải thu hồi, tái chế

Khung pháp lý về pin mặt trời thải bỏ

Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất điện từ pin mặt trời (PMT) ngày càng gia tăng, do đó, một lượng lớn PMT sẽ được thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định thu hồi, xử lý, tái chế PMT thải bỏ.

Nhóm nghiên cứu Lê Thị Hồng Đào, Huỳnh Thị Mỹ Linh, Nguyễn Thị Hằng, Võ Thị Thu Thảo, Văn Thị Thảo Vy đến từ Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài Hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh quy trình thu hồi, xử lý và tái chế pin mặt trời thải bỏ.

Trong đề tài này, nhóm nghiên cứu tìm hiểu thành phần cấu tạo của PMT; các quy định về quản lý chất thải theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 cùng các văn bản liên quan nhằm đánh giá PMT thải bỏ có khả năng thuộc nhóm chất thải nguy hại hay chất thải rắn thông thường hay sản phẩm thải bỏ.

Khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 ra đời, nhóm phân tích, đánh giá các quy định và nhận thấy khung pháp lý điều chỉnh quy trình thu hồi, xử lý và tái chế PMT thải bỏ chưa đầy đủ và chưa hoàn toàn phù hợp. Vì vậy, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất, cung cấp thông tin tham khảo cho các nhà làm luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý thu hồi, xử lý và tái chế PMT thải bỏ một cách hiệu quả.

Đề tài này đã đón đầu xu hướng của cuộc cách mạng xanh trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, xây dựng, tiêu dùng… nhằm cùng nhau bảo vệ môi trường sống trong lành và hướng đến sự phát triển bền vững.

Lê Thanh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam