Giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay

Lý luận trẻ | 11:45:00 27/10/2023

TNV - Tóm tắt: Chủ nghĩa yêu nước thể hiện tình cảm sâu sắc của mỗi con người đối với Tổ quốc, là sự thống nhất giữa cảm giác thân thuộc, sự thừa nhận, sự tôn sùng và cảm giác tự hào của con người đối với Tổ quốc, dân tộc và văn hóa của đất nước mình. Chủ nghĩa yêu nước là yêu cầu đạo đức, nguyên tắc chính trị và quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa cá nhân với Tổ quốc, đồng thời cũng là cốt lõi của tinh thần dân tộc.

Sinh viên là tương lai của Tổ quốc, là lực lượng tiếp nối sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên liên quan mật thiết đến sự thành bại của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; do đó cần có những giải pháp để tăng cường hiệu quả của việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên.

Từ khóa: giáo dục, chủ nghĩa yêu nước, sinh viên, giai đoạn hiện nay

1. Nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước

Chủ nghĩa yêu nước là một truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, là nhân tố quan trọng tác động đến đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam, là cơ sở vững chắc gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ nghĩa yêu nước đề cập đến thái độ ủng hộ tích cực của một cá nhân hoặc tập thể đối với Tổ quốc. Yêu nước là yêu Tổ quốc. Công dân phải yêu Tổ quốc, Nhà nước phải trung thành với công dân; chủ nghĩa yêu nước thể hiện sự thống nhất giữa cảm giác thân thuộc, sự thừa nhận, sự tôn sùng và cảm giác tự hào của con người đối với Tổ quốc, dân tộc và văn hóa. Mỗi con người cần phải có lòng tự tôn dân tộc và lòng tự tin dân tộc, cống hiến hết sức mình để bảo vệ Tổ quốc, và phấn đấu cho nền độc lập và sự phồn vinh của Tổ quốc. Điều đó không chỉ thể hiện trong các hệ tư tưởng và toàn bộ kiến ​​trúc thượng tầng như chính trị, pháp luật, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo mà còn thâm nhập vào mọi mặt của đời sống xã hội và trở thành yếu tố quan trọng tác động đến vận mệnh của một quốc gia, một dân tộc.

1.1. Nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước

Trước hết, chủ nghĩa yêu nước thể hiện tình cảm sâu nặng của nhân dân đối với Tổ quốc.Lòng yêu nước là cơ sở tình cảm của chủ nghĩa yêu nước. Mấu chốt của chủ nghĩa yêu nước nằm ở chữ “yêu”. Tình yêu là tình cảm đẹp đẽ của con người, là tình cảm trực tiếp, trải nghiệm cảm xúc của con người đối với sự vật hoặc con người. Chủ nghĩa yêu nước là tình cảm trực tiếp và trải nghiệm tình cảm của con người đối với Tổ quốc.

Thứ hai, chủ nghĩa yêu nước phản ánh sự phụ thuộc của một cá nhân đối với Tổ quốc.Vận mệnh của mỗi cá nhân có quan hệ mật thiết với tiền đồ và vận mệnh của Tổ quốc. Một người có thể trở thành và nên trở thành người như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào xã hội, vào Tổ quốc, nơi người đó sinh ra và lớn lên.

Thứ ba, chủ nghĩa yêu nước là một nguyên tắc quy phạm có chức năng điều chỉnh. Chủ nghĩa yêu nước là những yêu cầu đạo đức, nguyên tắc chính trị và quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa cá nhân với Tổ quốc. Chủ nghĩa yêu nước là trách nhiệm, nghĩa vụ mà mỗi người phải có ý thức thực hiện.

1.2. Những yêu cầu cơ bản và cụ thể của chủ nghĩa yêu nước

Yêu non xanh, nước biếc của Tổ quốc mình: Đó là thứ tình cảm thiêng liêng mà như nhà thơ Xuân Diệu đã từng thốt lên: “Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi bờ sông. Đến lúc tột cùng là dòng huyết chảy”. Yêu đồng bào ruột thịt của mình: Yêu đồng bào là yêu nhân dân. Tình cảm sâu nặng đối với quần chúng nhân dân là thước đo lòng trung thành của một con người đối với Tổ quốc. Yêu nền văn hóa của đất nước mình: Văn hóa là linh hồn của một đất nước, một dân tộc. Truyền thống văn hóa thường được ví như hồn cốt để một đất nước, dân tộc trường tồn, là “cái nôi” nuôi dưỡng nhân cách dân tộc, tinh thần dân tộc và là nền tảng quan trọng cho tinh thần đoàn kết dân tộc. Yêu Tổ quốc: Yêu đất nước của mình, ủng hộ chế độ xã hội chủ nghĩa, tuân thủ hiến pháp và pháp luật của quốc gia, bảo vệ an ninh và sự thống nhất của quốc gia, bảo vệ lợi ích của quốc gia, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh và phát triển là yêu cầu cơ bản của chủ nghĩa yêu nước.

Chủ nghĩa yêu nước có tính lịch sử và cụ thể, chủ nghĩa yêu nước hình thành trong những điều kiện lịch sử, bối cảnh văn hóa khác nhau bao giờ cũng có nội hàm và tính chất khác nhau. Sự phong phú và sức sống của chủ nghĩa yêu nước được thể hiện qua tính lịch sử và tính cụ thể của nó. Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa yêu nước không chỉ kế thừa truyền thống yêu nước tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà còn thể hiện những đặc trưng mới mang tính thời đại, với nội hàm phong phú hơn. Chủ nghĩa yêu nước trong thời đại ngày nay có những yêu cầu cơ bản, đó là:

Kiên trì sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội. Vận mệnh của Tổ quốc không thể tách rời vận mệnh của Đảng và vận mệnh của chủ nghĩa xã hội. Chỉ khi kiên trì sự thống nhất giữa yêu nước, yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội thì chủ nghĩa yêu nước mới có thể thực chất và sinh động; đây là biểu hiện quan trọng nhất của tinh thần yêu nước ở Việt Nam trong thời đại ngày nay. Như vậy, chủ nghĩa yêu nước trước hết được thể hiện ở tình yêu đối với đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tôn trọng và kế thừa lịch sử và văn hóa của dân tộc: Hiểu và tiếp nhận lịch sử lâu đời, nền văn hóa sâu sắc của dân tộc là điều kiện quan trọng để vun đắp và phát triển tình cảm yêu nước của mọi người. Chúng ta phải tôn trọng và kế thừa lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam, ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới.

Kiên trì chủ nghĩa dân tộc và hội nhập quốc tế: Chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay đòi hỏi phải xử lý đúng đắn mối quan hệ biện chứng và thống nhất giữa chủ nghĩa dân tộc và hội nhạp quốc tế. Để phát huy chủ nghĩa yêu nước, chúng ta phải lấy chủ nghĩa dân tộc làm nền tảng, đồng thời phải tích cực hội nhập quốc tế để Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển.

2. Bối cảnh hiện nay yêu cầu phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên

2.1. Thách thức của môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp

Hiện nay, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu là những bạn trẻ sinh ra sau năm 2000. Họ đang ở trong giai đoạn quan trọng của quá trình trưởng thành và dần hoàn thiện thế giới quan, nhân sinh quan và các giá trị sống. Với sự phát triển nhanh chóng của quá trình toàn cầu hóa, sự hợp tác giữa các quốc gia đang dần trở nên sâu sắc hơn, nhưng do sự khác biệt về chế độ xã hội, phong tục văn hóa… có thể xảy ra sự xung đột và cạnh tranh trong quá trình giao lưu và trao đổi. Trong bối cảnh đó, làm thế nào để giáo dục, hướng dẫn thanh niên sinh viên nhận thức đúng đắn sự thống nhất hữu cơ của yêu nước, yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội; làm thế nào để thiết lập một phòng tuyến an ninh quốc gia và phòng tuyến nhân dân để chống lại sự can thiệp và xâm nhập của hệ tư tưởng phương Tây và các thế lực nước ngoài; làm thế nào để hướng dẫn sinh viên đại học phân biệt đúng sai, loại bỏ những điều giả dối và giữ gìn sự thật, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã trở thành những vấn đề cần giải quyết trong giáo dục lòng yêu nước cho sinh viên đại học.

2.2. Mâu thuẫn và xung đột xã hội đang có chiều hướng gia tăng trên nhiều lĩnh vực

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, mâu thuẫn và xung đột xã hội đang có chiều hướng gia tăng trên nhiều lĩnh vực, tính chất của các xung đột xã hội cũng ngày càng phức tạp. Ngoài ra, cuộc sống nhiều áp lực, căng thẳng khiến con người dễ bị tổn thương về mặt tâm lý, bị ức chế, dễ dẫn đến xung đột xã hội. Hơn nữa, trình độ nhận thức của người dân được nâng cao, thông tin được minh bạch hơn, Nhà nước tăng cường và đẩy mạnh dân chủ, người dân ngày càng phát huy vai trò làm chủ của mình, tham gia nhiều hơn vào quá trình giám sát xã hội, phản biện xã hội cũng làm lộ ra nhiều mâu thuẫn và xung đột xã hội. Những mâu thuẫn về cấu trúc như khác biệt vùng miền, an toàn thực phẩm, chất lượng cuộc sống, ô nhiễm môi trường, an ninh y tế, nhà ở và chăm sóc người già,… là những mâu thuẫn hiển hiện trước mắt các bạn trẻ, dẫn đến sinh viên đại học với thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan còn đang ở giai đoạn hình thành dễ bị nhìn nhận sai lệch. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải giúp sinh viên hiểu đúng quy luật biện chứng của sự phát triển, hiểu đúng bản chất của những mâu thuẫn trong quá trình phát triển và mâu thuẫn là động lực cơ bản của sự phát triển xã hội, hiểu đúng khát vọng và hành động yêu nước trong quá trình phát triển.

2.3. Thách thức do bùng nổ thông tin mạng

Trong thời đại Internet hiện nay, các sinh viên đại học trẻ tuổi phải đối mặt với một lượng lớn thông tin trực tuyến khó phân biệt đúng sai, thậm chí cả những thông tin xấu độc và ác ý hay tin giả, rất dễ dẫn đến tình trạng nhận thức phiến diện và các tình huống quá khích trong sinh viên. Quá trình truyền phát thông tin này đã làm ảnh hưởng đến nội dung và biện pháp truyền thông giáo dục chủ nghĩa yêu nước ở một mức độ nhất định. Trên thực tế, mặc dù xã hội Internet có các đặc điểm tự do, bình đẳng, cởi mở và chia sẻ, nhưng các đặc điểm ảo tưởng, ẩn danh, mù quáng và thiếu kiểm duyệt của nó cũng sẽ khiến sinh viên khó phân biệt và đánh giá đúng - sai thông tin trên Internet một cách hiệu quả, khiến cho thanh niên sinh viên dễ đi chệch hướng khi bày tỏ quan điểm, có những hành vi cực đoan làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, thể hiện chủ nghĩa yêu nước theo cách không đúng. Vì vậy, làm thế nào để chỉnh sửa nội dung và làm phong phú thêm phương tiện truyền thông trong thời đại Internet, làm thế nào để kích thích tinh thần của chủ nghĩa yêu nước trong mỗi sinh viên thông qua sự kết hợp giữa các hình thức trực tuyến và trực tiếp cũng là một thách thức lớn đối với công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước.

3. Một số giải pháp tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên

3.1. Nguyên tắc trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên

Một là, tăng cường dẫn dắt. Hướng tới môi trường bên ngoài với những xung đột và cạnh tranh ngày càng sâu sắc, đồng thời đối mặt với những vấn đề thực tế phức tạp và khó lường hơn, trong quá trình giáo dục chủ nghĩa yêu nước, sinh viên đại học không nên là người tiếp nhận thụ động mà phải là thành viên chủ động tham gia và có những hành động tích cực. Sinh viên đại học có thể trực tiếp trở thành một lực lượng trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, chuyển đổi từ vai trò được giáo dục sang vai trò tự giáo dục và chủ động giáo dục; không chỉ được giáo dục mà còn có thể giáo dục người khác. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, phần lớn nhân viên y tế xung phong ra tuyến đầu chống dịch là thế hệ trẻ. Những tấm gương bác sỹ trẻ xung phong ra tuyến đầu chống dịch bệnh đã truyền cảm hứng cho các sinh viên đại học, giúp họ từng bước nhận thức rõ vị trí, vai trò và mục tiêu sống cũng như mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân và đất nước, giữa cái riêng và cái chung, giữa cái tôi và cái chúng ta.

Hai là, tăng cường giáo dục nhận thức. Tình yêu nước của các bạn trẻ chân thành, giản dị nhưng cũng có những điểm mơ hồ. Do đó, cần tăng cường giáo dục nhận thức cho sinh viên đại học, đặt họ vào dòng chảy của lịch sử và thực tiễn xã hội. Vừa phải chú trọng giáo dục lịch sử, nhất là tăng cường giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đất nước Việt Nam, lịch sử của công cuộc đổi mới, lịch sử phát triển của chủ nghĩa xã hội để sinh viên hiểu và nắm vững tinh thần dân tộc, nguyên nhân cơ bản của những thành tựu to lớn của đất nước; vừa phải tăng cường giáo dục thực tiễn, để sinh viên được trải nghiệm, cảm nhận thực tế, để hiểu rõ những khó khăn phải đối mặt trong quá trình phát triển và hiểu rằng mâu thuẫn là động lực cơ bản của sự phát triển xã hội. Sinh viên phải chủ động tìm về cội nguồn của chủ nghĩa yêu nước, không thờ ơ với những biến động của thế giới bên ngoài, phải nhận thức đúng về nguồn gốc của những mâu thuẫn trong xã hội hiện nay cũng như tính tất yếu của nó. Các nhà giáo dục nên đặt mình vào vị trí của sinh viên đại học để thấu hiểu suy nghĩ và hành động cũng như quy luật trưởng thành của sinh viên, thực sự đưa giáo dục chủ nghĩa yêu nước vào cuộc sống hàng ngày của sinh viên và khuyến khích sinh viên thực hành trong thực tế, làm tăng thêm kinh nghiệm và tài năng, loại bỏ những nhận thức sai lầm và tâm lý hoài nghi của sinh viên về chủ nghĩa yêu nước, và giúp họ hoàn thành tốt đẹp bước đi đầu tiên trong cuộc đời.

Ba là, tăng cường cung cấp nội dung. Trong thời đại bùng nổ thông tin mạng, cần phải khai thác triệt để những thông tin trên mạng, sau đó tích hợp và tổng hợp, loại bỏ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật, giữ lại những thông tin chính thống, đáng tin cậy, biến Internet trở thành “công cụ” và trận địa quan trọng trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, làm phong phú nội dung và phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước. Chúng ta phải hết sức coi trọng việc xây dựng một môi trường đại học thông minh và mạng lưới môi trường đại học, tận dụng tối đa sức mạnh của các phương tiện truyền thông mới, như tài khoản mạng xã hội Zalo để truyền bá tư tưởng và văn hóa tiên tiến, đồng thời tạo nền tảng tương tác thông tin có độ tin cậy, tính dẫn dắt và khả năng truyền bá. Khi gặp tình huống bất ngờ, có thể lên tiếng kịp thời, hướng dẫn trực tiếp, nâng cao khả năng phân biệt đúng sai của sinh viên. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý mạng Internet trong trường đại học, cảnh giác với những thông tin xấu độc trên mạng, ngăn chặn những thông tin sai lệch, những nhận xét không phù hợp, gây tác động xấu cho  sinh viên đại học. Cần quan tâm đến tính hấp dẫn của nội dung giáo dục để những tư tưởng mới, quan niệm mới, yêu cầu mới thâm nhập vào quá trình học tập và đời sống của sinh viên một cách dễ chịu, sinh động, thân thiện và giản dị; giáo dục sinh viên củng cố lý tưởng và niềm tin, đồng thời có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

3.2. Giải pháp tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên

Thứ nhất, phát huy vai trò lãnh đạo của nhà trường. Nhà trường là nơi quan trọng để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên. Để thực hiện sứ mệnh giáo dục con người của nhà trường, cần tuân theo đặc điểm của thanh niên và thấm nhuần tinh thần yêu nước trong toàn bộ quá trình giáo dục của nhà trường. Cần phát huy đầy đủ vai trò của giảng dạy trên lớp như một kênh chính, đổi mới nội dung và hình thức các khóa học tư tưởng chính trị, áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, tăng cường sự tương tác, chú trọng đặc điểm nhận thức của sinh viên; tăng cường giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đất nước, lịch sử công cuộc đổi mới, lịch sử phát triển của chủ nghĩa xã hội, đồng thời lồng ghép vào bài giảng các tài liệu mới như câu chuyện yêu nước, câu chuyện người tốt việc tốt trong quá trình chống dịch bệnh, tình hình và chính sách hiện tại của Đảng và Nhà nước, đồng thời hướng dẫn sinh viên hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa yêu nước, nhận thức sâu sắc chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất để thực hiện dân giàu, nước mạnh, từ đó nâng cao tinh thần yêu nước, tạo nên ý chí cống hiến và tinh thần phấn đấu không mệt mỏi cho sự phát triển của Tổ quốc. Phát huy đầy đủ vai trò của văn hóa học đường, khai thác chức năng giáo dục chủ nghĩa yêu nước từ lịch sử phát triển của nhà trường, tinh thần học đường, khẩu hiệu của nhà trường và bài hát ca ngợi nhà trường, đồng thời lồng ghép giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong các hoạt động nhân ngày thành lập Đảng, thành lập Đoàn, lễ khai giảng, sinh hoạt lớp theo chủ đề… để nâng cao tinh thần đại diện, tinh thần tham gia, đồng thời cho phép sinh viên được giáo dục lòng yêu nước thông qua các hoạt động đầy màu sắc tại môi trường đại học.

Thứ hai, phát huy vai trò của không gian mạng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các kênh thông tin và cách thức giao tiếp của sinh viên đã có những thay đổi sâu sắc. Để tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên, cần kết hợp những thay đổi mới, đặc điểm mới của sinh viên ngày nay với đổi mới phương pháp giáo dục, kết hợp các hình thức giáo dục online và offline. Chủ nghĩa yêu nước luôn mang tính thời đại mới mẻ. Cần bám sát chủ đề thời đại, chú trọng việc đổi mới cách thức tuyên truyền, lựa chọn những nội dung phù hợp, kết hợp sở thích và thói quen tiếp nhận của giới trẻ để sản xuất và đưa ra các tác phẩm văn học, hoạt hình, sách nói, video ngắn trực tuyến trên không gian mạng, làm cho nội dung trở nên gần gũi và thực tế, vừa dễ nhận biết vừa dễ tiếp cận, tận dụng tốt tư duy Internet và ngôn ngữ truyền thông mới để kể những câu chuyện yêu nước, truyền bá các giá trị chủ đạo và để chủ nghĩa yêu nước tràn ngập không gian mạng. Tích cực đổi mới phương thức truyền thông, nêu bật chủ đề, truyền thông linh hoạt. Dựa vào các nền tảng mạng xã hội, thông qua các sản phẩm truyền thông phong phú, chất lượng cao, truyền tải một cách tinh tế tinh thần của chủ nghĩa yêu nước, tạo ra không gian giáo dục về chủ nghĩa yêu nước mới, thúc đẩy giáo dục chủ nghĩa yêu nước đi vào khối óc, đi vào trái tim của sinh viên và biến thành hành động thực tế.

Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Giáo dục chủ nghĩa yêu nước là một công trình có hệ thống, đòi hỏi tất cả các cơ quan liên quan phải phối hợp với nhau một cách chặt chẽ và thực hiện các chính sách toàn diện. Cần tập trung vào yêu cầu, mục tiêu tổng quát của việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên trong thời kỳ mới, phối hợp đồng bộ, liên kết có hiệu quả các nguồn lực giáo dục của toàn xã hội; tìm tòi, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để triển khai hiệu quả công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên trong các trường đại học. Áp dụng các  biện pháp khác nhau để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên, xây dựng và sử dụng tốt cơ sở giáo dục chủ nghĩa yêu nước và cơ sở giáo dục quốc phòng; phát triển các sản phẩm du lịch đỏ tích hợp giáo dục, tri thức, văn hóa, trải nghiệm và giải trí, hướng dẫn giới trẻ tìm đến các địa chỉ đỏ, các di tích cách mạng để hiểu hơn về lịch sử đất nước và những tấm gương xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc; củng cố lý tưởng, niềm tin và nuôi dưỡng chủ nghĩa yêu nước trong mỗi thanh niên, sinh viên Việt Nam. Khai thác các nguồn tài nguyên giáo dục chủ nghĩa yêu nước như các ngày kỷ niệm lớn và các sự kiện quan trọng của đất nước, phát huy đầy đủ chức năng, ý nghĩa của các lễ hội truyền thống và hiện đại, đồng thời lấy các thời điểm quan trọng làm cơ hội để tổ chức các hoạt động có ý nghĩa khơi dậy tinh thần yêu nước. Phát huy vai trò dẫn dắt của các điển hình tiên tiến, quảng bá rộng rãi những tấm gương đạo đức, những người tốt xung quanh chúng ta, lấy sức mạnh của các tấm gương để truyền cảm hứng cho sinh viên, thúc đẩy sinh viên nỗ lực học tập, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, phấn đấu trở thành những con người mới của thời đại đảm đương nhiệm vụ trọng đại là xây dựng và phát triển đất nước.

Tóm lại, chủ nghĩa yêu nước là một truyền thống tốt đẹp và là giá trị đầu tiên chi phối các giá trị khác trong quá trình hình thành nhân cách của con người Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng Internet, cũng như trước tác dộng của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, việc áp dụng các giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

TS. Nguyễn Thị Thu Hường[1]

ThS. Dương Thị Kim Tuyến[2]


[1] Trưởng phòng Công tác chính trị và Hỗ trợ sinh viên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

[2] Giám đốc Công ty Cổ phần đào tạo tư vấn và phát triển ABA

Tài liệu tham khảo:

1. Lương Gia Ban (2000), Chủ nghĩa yêu nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Trịnh Quang Dũng- Nguyễn Thị Phương Anh, Giáo dục truyền thống cho sinh viên trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí giáo dục số đặc biệt, kỳ 2, tháng 10/2017.

3. Trần Văn Giàu (1993), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Hướng dẫn số 40-HDBTGTW ngày 01/9/2017 về hướng dẫn chi tiết chuyên đề “Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam”.

5. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (2000), Tài liệu giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam