Tính tất yếu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay

Lý luận trẻ | 14:55:00 29/10/2023

TNV - “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời, là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”[2]. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Đảng lãnh đạo toàn xã hội, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc Việt. Nhưng Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo và sẽ không được nhân dân tín nhiệm nữa nếu Đảng yếu kém, không trong sạch, không vững mạnh. Hồ Chí Minh nêu rõ: Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[3]. Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới và tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo… Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với những thành công và ưu điểm, Đảng cũng còn bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém, những biểu hiện chưa ngang tầm với đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng. Do đó thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng và cũng là đòi hỏi tự thân Đảng trong tất cả các thời kỳ. Đây là quan điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự quan tâm hàng ngày của Người nhằm giáo dục cho toàn Đảng một tinh thần rèn luyện, phấn đấu vì sự tin yêu của nhân dân.

Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng là một quá trình liên tục. Thực tiễn cách mạng đặt ra cho mỗi thời kỳ, giai đoạn những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, phù hợp. Trước diễn biến của điều kiện khách quan, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc. Sinh thời, mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn, bắt đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ mới, Người bao giờ cũng chủ trương trước hết phải xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong suy nghĩ và nhận thức của Hồ Chí Minh, Đảng ta lớn lên, trưởng thành gắn liền với sự phát triển của đất nước và dân tộc, Đảng phải thật sự là "một cơ thể sống" luôn biết tự hoàn thiện và vượt lên. Do đó, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng cần nhận thức rõ đặc điểm, tình hình nhiệm vụ cách mạng nước ta hiện nay là một sự nghiệp to lớn nhằm củng cố vững chắc độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội..

Sở dĩ, Đảng ta nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay là do tác động của những yếu tố sau:

Một là, Đảng ta cầm quyền từ tháng 9 năm 1945. Nhưng Đảng cầm quyền lúc đó có nhiệm vụ chủ yếu là lãnh đạo chính quyền tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ 1954 đến 1975, khi miền Bắc được giải phóng, Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân ta bước vào thời kỳ cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng chiến lược bao trùm, mục tiêu chủ yếu vẫn là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Như vậy, từ năm 1954 đến 1975, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc lúc đó là để làm cơ sở, hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng đất nước, nhưng quy luật chiến tranh chi phối là chủ yếu. Vì vậy, vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng lúc đó có những yêu cầu và đặc điểm rất khác với hiện nay.

Mặt khác, trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lại càng phải tiến hành thường xuyên hơn. Bởi lẽ, tính chất hai mặt của quyền lực: một mặt, quyền lực có tác dụng to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới nếu biết sử dụng đúng; mặt khác, quyền lực cũng có sức phá hoại ghê gớm nếu người nắm quyền bị thoái hóa, biến chất, đi vào con đường lạm quyền, lộng quyền, v.v… Vì vậy, Đảng phải đặc biệt quan tâm đến việc chỉnh đốn và đổi mới để hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi và tẩy trừ mọi tệ nạn do thoái hóa, biến chất gây ra trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền Nhà nước.

Hai là, cách mạng nước ta đang ở bước chuyển giai đoạn rất căn bản và quyết định: từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước, mở cửa với bên ngoài, đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện dân chủ hóa chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước diễn ra trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới phát triển nhanh. Thế kỷ XXI, khoa học công nghệ sẽ phát triển như vũ bão. Tính chất, nội dung và điều kiện công nghiệp hóa hiện nay cũng khác với “đẩy mạnh công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm” trong giai đoạn trước đây.

Hơn nữa Đảng lãnh đạo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra nhanh chóng. Việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay cũng khác trước.

 Bên cạnh mặt tích cực, nền kinh tế thị trường có những mặt tiêu cực như: phân hóa giàu nghèo, mất công bằng xã hội, suy thoái đạo đức. Đảng ta đã có những chủ trương và giải pháp khắc phục những tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trong điều kiện kinh tế thị trường rất phức tạp. Điều này khác với thời kỳ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, và trong điều kiện chiến tranh. Do đó, bước chuyển biến này đặt ra cho chúng ta hàng loạt vấn đề mới mẻ, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi toàn Đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên phải nâng cao trình độ về các mặt, có đủ trí tuệ, bản lĩnh, năng lực, phẩm chất, tổ chức, đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo trong giai đoạn mới. Đảng phải được chỉnh đốn và đổi mới cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc.

Ba là, trước đây chúng ta chỉ quan hệ đối ngoại với các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè thân thiết là chủ yếu (Nga, Trung Quốc, Cuba và các nước Đông Âu…). Nay mở rộng quan hệ, hợp tác với tất cả các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau (Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới, là thành viên Liên Hợp Quốc, ASEAN, ASEM, APEC, WTO, ...). Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, của Đảng càng phải có lập trường, quan điểm, tư tưởng vững vàng hơn ,đạo đức, lối sống trong sáng hơn, trình độ năng lực, ý thức tổ chức kỷ luật tốt hơn.

Bốn là, những diễn biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới, đặc biệt là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu, sự tan rã của Đảng và Nhà nước Liên Xô, tác động vào tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ và niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân ta. Trước tình hình đó, rất nhiều vấn đề về Đảng cần được giải quyết để củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo và  sức chiến đấu của Đảng, tăng cường niềm tin vào Đảng.

Mặt khác, các thế lực chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội đang tiến công quyết liệt vào chúng ta, mưu toan xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng. Để đạt được, chúng tìm mọi cách để xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, là chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; chúng đánh vào cương lĩnh, đường lối của Đảng; chúng đánh vào nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, là nguyên tắc tập trung dân chủ. Kích động chia rẽ Đảng với Nhà nước; Đảng, Nhà nước với nhân dân...

Trước những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, nếu chúng ta không cảnh giác, không chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch, đoàn kết thống nhất, thì tổn thất đối với cách mạng không thể lường trước được.

Năm là, chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Vai trò lãnh đào và sức chiến đấu của Đảng khi có Nhà nước pháp quyền đặt ra những yêu cầu mới.

Tám là, bản thân Đảng được tôi luyện trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tính kiên định cách mạng, tinh thần độc lập sáng tạo, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,... Tuy nhiên, trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới, Đảng ta cũng bộc lộ một số khuyết điểm và nhược điểm, trong đó có những khuyết điểm đang trở thành nguy cơ không thể xem thường. Đáng chú ý là trong Đảng có một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động mất lòng tin; một số cán bộ Đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, trở nên thoái hóa hư hỏng; tệ tham nhũng hối lộ, quan liêu kéo dài; tình trạng mất đoàn kết xảy ra không ít nơi, có nơi rất nghiêm trọng. Tổ chức, kỷ luật của Đảng còn lỏng lẻo, phương thức lãnh đạo chậm đổi mới, bênh quan liêu xa rời thực tế, xa quần chúng rất nặng. Bài học đắt giá từ việc mất mát cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước vừa qua càng khẳng định tính đúng đắn của các giáo huấn mà Hồ Chí Minh đã đưa ra. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng nếu không được đặt đúng vị trí, ngang tầm mà lại buông lỏng kiểm soát, quản lý thì rất dễ làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên bị tha hóa biến chất về đạo đức và lối sống, dẫn đến tha hóa cả về chính trị.

Như vậy, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong bất kỳ giai đoạn nào cũng rất quan trọng, và trong giai đoạn hiện nay, đó còn là một nhiệm vụ tất yếu. Muốn vậy, cần phải có những giải pháp hữu hiệu, tích cực để chỉnh đốn, đổi mới Đảng để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

 ThS. Nguyễn Thị Nga[1]


[1] Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II

[2] Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2016, tr.4.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.672.

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam