TNV- Theo giới thiệu của Tỉnh đoàn Yên Bái, tôi tìm về thăm mô hình trang trại kinh tế tổng hợp của đoàn viên Nguyễn Thành Luân ở thôn Khe Tho, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn. Nhờ có những con đường nông thôn mới thảm bê tông nên dù trang trại của gia đình anh nằm heo hút vào sâu khu vực khe núi, nhưng đường đi lối lại cũng khá thuận lợi, không đến nỗi khó khăn vất vả như 03 năm trở về trước.
Phát triển đa cây, đa con dựa vào điều kiện tự nhiên
Với mô hình đa cây, đa con nhằm khai thác tối đa lợi thế tự nhiên do địa hình trang trại mang lại, anh Luân chủ trương ở vùng đất xa, địa hình dốc thì trồng cây lâm nghiệp (xoan, bồ đề); vùng đất đồi màu mỡ, thuận tiện thì trồng cam, thanh long; vùng thấp trũng thì đào ao xây bể nuôi ba ba; mộ số khu đất vườn khô cằn được anh tận dụng làm trại nuôi gà và thỏ.
Hiện trang trại anh đang có 1.100 con gà ri lai và gà thả đồi được chăn thả theo phương thức bán công nghiệp. Được biết, 6 tháng đầu năm 2016 anh đã xuất bán 02 đàn bằng 5 tấn thu trên 400 triệu đồng, trừ tất thảy chi phí anh thu lãi 80 triệu đồng; tính trung bình mỗi năm gia đình anh thu lãi từ chăn nuôi gà chừng 170 triệu đồng.
Đưa khách thăm trại nuôi gà
Bốn ao nuôi ba ba gai sinh sản có diện tích hơn 1.000 m2, năm nào cũng cho xuất bán hơn 1.000 con giống, thu lãi bình quân 150 triệu đồng. Luân cho biết, giống ba ba gai này sinh sản tốt nhất chỉ có ở vùng miền núi thuộc xã Cát Thịnh, Nông trường Trần Phú và xã Nghĩa Tâm thuộc huyện Văn Chấn.
Giống ba ba gai có ưu điểm dễ nuôi, trọng lượng khi trưởng thành từ 15 – 16 kg (cao gấp 4 – 5 lần so với nuôi ba ba trơn), chất lượng thịt đặc biệt thơm ngon, giá bán cũng cao gấp hơn 02 lần so với ba ba trơn, nên được đông đảo bà con nông dân ở nhiều địa phương phía Bắc tìm về đặt mua – vừa kiểm tra những chú ba ba gai con, Luân vừa thong thả nói.
Đầu năm nay anh mới đưa vào thử nghiệm nuôi thỏ, nhằm tận dụng nguồn thức ăn phong phú là cỏ cây, hoa lá sẵn có ở vùng núi đồi trang trại. Từ 14 con mẹ ban đầu, đến nay (tháng 7/2016) trong khu chuồng rộng chừng 100 m2 cả 40 lồng đều kín với gần 200 chú thỏ lông trắng. Bạn trẻ Luân tâm sự: đang làm thêm 300 lồng đôi để cuối năm nay phát triển lên thành 150 con mẹ, rồi tiến hành xuất bán con giống và con thịt ra thị trường. Nhìn lại những tấm lưới thép và chiếc lồng được xếp choán căn lán phía đầu hồi nhà, tôi đã có lời giải thỏa đáng cho thắc mắc ban đầu khi vừa bước vào sân.
Anh Nguyễn Thành Luân (đứng giữa) giới thiệu cho khách thăm chuồng nuôi thỏ.
Cách ngôi nhà chừng 800m là vườn cam được trồng trên khu đất đồi màu mỡ rộng 1ha. Ở đây, 100 gốc cam đã trồng từ 06 năm nay mới cho thu đại trà được 02 vụ, riêng vụ năm ngoái (2015) thu được 24 triệu sau khi trừ chí phí; 100 gốc trồng cách đây 03 năm cũng bắt đầu cho quả bói cùng 200 gốc cam mới được trồng đầu năm nay đang lên xanh tốt.
Kiểm tra những chú ba ba giống bên ao nuôi ba ba sinh sản.
Ngay mé đồi đối diện với sườn bên trái ngôi nhà, chỉ cách một con đường thôn là 200 gốc thanh long được chàng trai trẻ mạnh dạn bạt đất, san đồi trồng từ năm 2013. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh đã thu bán được 5- 6 tạ, dự kiến cả năm bán được khoảng 1 tấn quả thu về 30 – 35 triệu đồng. Nhìn những hàng thanh long ra hoa kết trái xum xuê trên vạt đồi đất đỏ khô cằn, được bón gốc bằng phân gà tận dụng được từ chăn nuôi và nước khe núi tự chảy dẫn về tưới, càng khẳng định được cách tính toán khoa học và hiệu quả của chàng thanh niên giàu nghị lực vươn lên.
Nguyễn Thành Luân hướng dẫn anh Nguyễn Thành Hưng (bên trái là Bí thư Đoàn xã Nghĩa Tâm)
thăm vạt đồi trồng thanh long của gia đình.
Chọn quê hương làm nơi lập nghiệp
Để có được cơ ngơi bạc tỷ như hôm nay, ngay khi còn học phổ thông, Luân đã chăm chỉ phụ giúp bố mẹ trong các công việc lao động sản xuất, cải tạo đất đồi rừng, đặt nền móng cho việc hình thành mô hình trang trại sau này. Nhìn thấy cảnh rất nhiều thanh niên xoay sở hết học nghề nọ, nghề kia nhưng vẫn…thất nghiệp. Học xong phổ thông, Luân không lao vào đi học ngay một trường nào đó cho bằng bạn bằng bè, hoặc bay nhảy đi làm ăn xa như rất nhiều thanh niên cùng trang lứa, mà quyết chí vững tâm cần mẫn sớm hôm làm bạn với mảnh đất vườn đồi của gia đình, với mục tiêu lập nghiệp và làm giàu ngay chính từ mảnh đất quê hương.
Mời khách cùng chung vui thành quả lao động.
Sau mỗi năm miệt mài lao động, hình hài về một trang trại kinh tế tổng hợp đa cây, đa con của chàng trai mảnh dẻ thư sinh cứ từng ngày thay da đổi thịt và hiện hữu rõ rệt trước sự khâm phục của bà con trong vùng.
Đến nay, sau 07 năm rời ghế nhà trường, ở tuổi 25 Nguyễn Thanh Luân đã có trang trại đa cây, đa con trị giá bạc tỷ, là niềm mơ ước và là nơi được nhiều bạn trẻ trong tỉnh tìm về học hỏi./.
Bài, ảnh: Phạm quỳnh