3 cuộc khủng hoảng trong 1 nhiệm kỳ và những quyết định “sai thời điểm” của ông Trump

Thứ ba, 10/11/2020 - 09:04

Kiên định với mục tiêu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” nhưng những quyết định “sai thời điểm” của ông Trump dường như khiến phần lớn người dân Mỹ cho rằng ông không phải là nhà lãnh đạo phù hợp vào thời điểm này.

3 cuộc khủng hoảng trong 1 nhiệm kỳ

Tổng thống Trump đã dựa vào sự trung thành của một số lượng lớn cử tri Mỹ để đi tới chiến thắng đầy bất ngờ năm 2016. Tuy nhiên, năm 2020, ông cần thuyết phục nhiều người hơn tin vào cam kết "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" để giành thêm một nhiệm kỳ nữa tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại Nhà Trắng sau khi truyền thông tuyên bố ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử Tổng thống. Ảnh: Reuters

Đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng gồm đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế và các cuộc biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc, với vai trò là một Tổng thống, ông Trump từng có cơ hội đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên.

Tuy nhiên, thay vào đó, ở những thời điểm mang tính quyết định, Tổng thống Trump đã không thể truyền tải được thông điệp về sự đoàn kết. Trái lại, những động thái của ông khiến nước Mỹ dường như ngày một chia rẽ hơn. Bất chấp đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người Mỹ mắc bệnh và hàng trăm nghìn người tử vong, Tổng thống không ít lần khiến công chúng hoang mang khi bác bỏ những lời khuyên của các cố vấn và các nhà khoa học.

Lập trường này của ông khiến cho phần lớn cử tri Mỹ cho rằng ông không phải là nhà lãnh đạo đất nước phù hợp vào thời điểm này.

"Nếu ông ấy có một chiến lược thuyết phục và nhất quán trong việc đối phó với virus SARS-CoV-2, ông ấy hoàn toàn có thể bù đắp lại những cách biệt nhỏ mà ông ấy đã mất đi ở một vài bang", chiến lược gia đảng Cộng hòa Ryan Williamss, cố vấn chiến dịch tổng thống của ông Mitt Romney năm 2012 cho hay.

"Thay vì đối phó với đại dịch bằng cách lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia tốt nhất, ông ấy tiếp tục tin vào bản năng của mình, đó là điều mà Donald Trump đã làm trong suốt cuộc đời ông ấy", nhà quan sát Williams cho hay.

Dù vậy, nhiều thành viên đảng Cộng hòa tin rằng Tổng thống Trump đã làm tốt hơn mong đợi. Các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy đảng Dân chủ dẫn trước cách biệt nhưng Tổng thống Trump vẫn theo sát ông Biden về số phiếu phổ thống. Tổng thống nhận được hơn 70 triệu phiếu, nhiều hơn số phiếu ông giành được năm 2016 là 7 triệu phiếu. Nếu như ông Biden là người giành được số phiều phổ thông nhiều nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ thì ông Trump là người giành được số phiếu nhiều thứ nhì.

"Tổng thống Trump vẫn sẽ có ảnh hưởng lớn trong đảng", chiến lược gia đảng Cộng hòa Scott Reed cho hay.

Tổng thống Trump đã bắt đầu năm 2020 với triển vọng tái đắc cử cao. Nền kinh tế phát triển mạnh. Cuộc điều tra luận tội ông đã kết thúc sau khi Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số bác bỏ cả 2 cáo buộc mà đảng Dân chủ đưa ra.

Trong khi đó, đảng Dân chủ bị chia rẽ trong hành trình tìm kiếm ứng viên tranh cử tổng thống tiềm năng. Trên chiếc Không lực Một hồi tháng 2/2020, ông Trump đã cười thầm và chỉ trích phần thể hiện của các đối thủ tiềm năng của ông khi ông xem họ tranh luận trên truyền hình.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2020, dịch Covid-19 lan rộng khắp nước Mỹ. Mặc dù các cuộc họp báo hàng ngày của lực lượng tác chiến chống Covid-19 nhận được tỷ lệ người xem cao, nhưng sự kiện này đã đột ngột chấm dứt sau khi Tổng thống Trump vấp phải chỉ trích từ dư luận về việc gợi ý tiêm chất tẩy rửa để tiêu diệt virus SARS-CoV-2, mặc dù sau đó Tổng thống nói rằng đây chỉ là một câu nói đùa.

Lo ngại việc phong tỏa vì dịch Covid-19 có thể phá hủy nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Trump đã hối thúc các bang mở cửa trở lại. Tổng thống đã từ chối đề xuất của các chuyên gia y tế về chương trình xét nghiệm toàn quốc cũng như việc bắt buộc đeo khẩu trang để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.

Những động thái trên của Tổng thống Trump đã ảnh hưởng trực tiếp đến ông. Mặc dù các cử tri coi Tổng thống Trump là một nhà lãnh đạo có khả năng điều hành nền kinh tế nhưng họ ngày càng hoài nghi về khả năng đối phó với đại dịch Covid-19 của ông.

Cuộc khủng hoảng y tế chưa qua thì cuộc khủng hoảng xã hội mới lại ập đến sau vụ một người đàn ông gốc Phi tên là George Floyd bị cảnh sát thành phố Minneapolis ghì cổ chết. Để thể hiện sự giận dữ và bất bình, nhiều cuộc biểu tình trên quy mô lớn đã diễn ra trên khắp nước Mỹ đòi hỏi sự bình đẳng về sắc tộc.

Những quyết định “sai thời điểm”

Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy người Mỹ phần lớn ủng hộ các cuộc biểu tình nhưng Tổng thống Trump lại không thể đoàn kết mọi người hoặc thể hiện sự quan tâm trong tình hình đó. Ông đã huy động các lực lượng đối phó với những người biểu tình ở một công viên khu vực Nhà Trắng, cho rằng thông điệp “luật pháp và trật tự” cũng như hình ảnh ông đang cầm một quyển Kinh thánh sẽ xoa dịu dư luận. Tuy nhiên, điều đó chỉ châm ngòi cho sự bất mãn trong xã hội Mỹ ngày một gia tăng.

Chiến lược gia đảng Cộng hòa Ron Bonjean cho rằng ông Trump đã bỏ lỡ cơ hội để giành được sự ủng hộ bên ngoài nhóm cử tri nền tảng của mình khi không thể có một giải pháp thấu cảm hơn với những người biểu tình.

"Một mặt, duy trì được nền tảng cử tri nòng cốt sẽ đảm bảo ông ấy giành được khoảng 50% toàn bộ sự ủng hộ nhưng ông ấy cần thu hút được nhiều người hơn để giành chiến thắng. Nếu ông ấy có thể tìm cách vượt ra ngoài nhóm cử tri nền tảng, điều đó vô cùng hữu ích với ông ấy và có thể giúp ông ấy vượt ngưỡng cần thiết để chiến thắng", chiến lược gia Bonjean nhận định.

Vào mùa thu năm 2020, Tổng thống Trump bị ông Biden dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc. Ông Trump đã đặt ra nghi ngờ song không đưa ra được bằng chứng về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tháng 11.

Đầu tháng 10, chính ông Trump đã mắc Covid-19. Ông dành 3 đêm trong bệnh viện quân đội và được điều trị bằng những phương thuốc tốt nhất, hiện vẫn chưa có sẵn cho tất cả mọi người.

Thay vì thay đổi thái độ về dịch Covid-19 khiến hàng trăm nghìn người Mỹ thiệt mạng, ông Trump đã quay lại các cuộc mít tinh vận động tranh cử trên quy mô lớn, đồng thời tuyên bố rằng, truyền thông và đảng Dân chủ đang phóng đại mối đe dọa của dịch bệnh này nhằm hủy hoại nỗ lực tái đắc cử của ông.

"Lại là Covid, Covid, Covid, các bạn không thể xem bất kỳ điều gì khác. Ngày 4/11, các bạn sẽ không còn nghe nhiều về nó nữa", ông Trump nhận định.

Bất chấp số ca mắc Covid-19 gia tăng, Tổng thống Trump cho biết chính quyền ông "đã làm rất tốt" để đối phó với dịch bệnh này.

Ông Trump cũng khẳng định rằng nền kinh tế Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông trong năm tới sẽ là "năm tốt nhất về kinh tế mà chúng ta từng có" trong khi cho rằng ông Biden sẽ khởi đầu một kỷ nguyên suy thoái kinh tế và gây ra nỗi thất vọng.

Chiến lược gia đảng Cộng hòa Charlie Black, cố vấn chiến dịch của ông John McCain năm 2008 cho rằng ông Trump đã để mối quan tâm về kinh tế của ông vượt qua mọi vấn đề khác và không thể giải quyết được những thách thức to lớn mà nước Mỹ phải đối mặt năm 2020./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: Reuters