1. Ngân hàng số/Mobile Banking
Ứng dụng ngân hàng số/Mobile Banking là ứng dụng được phát triển bởi các ngân hàng. Ứng dụng này có nhiều tính năng ưu việt, hỗ trợ người dùng mở tài khoản ngân hàng online, mở thẻ ngân hàng, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm, đầu tư… Bên cạnh đó, bạn có thể chọn tài khoản số đẹp dễ nhớ, miễn phí
Về chi tiêu, bạn có thể sử dụng các tính năng của Mobile Banking như Chuyển tiền, Quét mã QR, Thanh toán hóa đơn để chi trả tất cả các hóa đơn cố định như điện, nước, Internet, truyền hình, cước điện thoại…; hóa đơn sinh hoạt như ăn uống, di chuyển… và hóa đơn phát sinh như mua sắm, viện phí…
Toàn bộ các giao dịch chi tiêu của bạn sẽ được lưu trong mục Lịch sử thanh toán. Bạn có thể kiểm tra hoặc tính toán tổng chi tiêu để nhanh chóng cân đối tài chính, từ đó có kế hoạch quản lý chi tiêu hiệu quả.
Về tiết kiệm, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều đã có các giải pháp gửi tiết kiệm online giúp khách hàng có thể gửi tiết kiệm ngay tại nhà. Khách hàng cũng có thể linh hoạt rút tiền, gửi thêm tiền hoặc theo dõi lợi nhuận tiền gửi ngay trên Mobile Banking.
Về đầu tư, khách hàng có thể tham gia chứng chỉ quỹ, trái phiếu, cổ phiếu hoặc bảo hiểm kết hợp đầu tư để sinh lời trên số tiền nhàn rỗi. Ngoài ra, trên Mobile Banking, khách hàng còn có thể sử dụng nhiều sản phẩm khác của ngân hàng như bảo hiểm, vay, giao dịch ngoại tệ… vô cùng tiện lợi.
Ứng dụng ngân hàng số giúp người dùng chi tiêu và quản lý tài chính hiệu quả hơn.
2. Ví điện tử
Nhiều người dùng hiện nay chọn dùng ví điện tử vì các ứng dụng này tích hợp nhiều dịch vụ phục vụ chi tiêu như:
- Du lịch - Di chuyển: Thuê xe tự lái, đặt taxi, đặt xe liên tỉnh, đặt vé máy bay, đặt vé tàu, nạp tiền VETC, đặt phòng khách sạn…
- Mua sắm - Giải trí: Thanh toán QR, đặt sân Golf, mua Bảo hiểm, đặt vé xem phim, mua vé xổ số, giao hàng…
- Y tế - Giáo dục: Thanh toán học phí, Dịch vụ Y tế, Mua gói học…
- Viễn thông: Nạp Data 3G/4G, Nạp tiền điện thoại…
- Thanh toán hóa đơn: Điện, Internet, phí chung cư, nước, truyền hình, di động trả sau, bảo hiểm, khoản vay…
- Chuyển, nhận tiền, nạp tiền, rút tiền về tài khoản thanh toán
Không chỉ phục vụ các hoạt động chi tiêu hàng ngày, nhiều ví điện tử còn có các tính năng như đặt mục tiêu tiết kiệm, tạo ngân sách chi tiêu, đầu tư chứng khoán/trái phiếu giúp bạn quản lý tài chính cá nhân một cách chủ động hơn.
Ví điện tử được ưa chuộng bởi nhiều tính năng hữu ích trong chi tiêu và quản lý tài chính.
3. Ứng dụng thanh toán NFC
NFC (Near Field Communication) là công nghệ kết nối không dây tầm ngắn được tích hợp trên điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh. Với công nghệ NFC, bạn chỉ cần đưa điện thoại gần với thiết bị nhận thanh toán như SmartPOS hoặc thiết bị công nghệ tương ứng có NFC để chuyển tiền.
Các ứng dụng ví điện tử như Apple Pay, Google Pay và Samsung Pay đã tận dụng tối đa công nghệ NFC. Chỉ cần liên kết thẻ ngân hàng (bao gồm thẻ thanh toán và thẻ tín dụng phiên bản vật lý/phi vật lý như thẻ Visa ảo) với các ứng dụng trên, bạn có thể thanh toán không chạm/1 chạm tại các cửa hàng chấp nhận thanh toán không tiếp xúc.
Không chỉ tiện lợi, NFC còn được ưa chuộng nhờ tính bảo mật cao. Các ứng dụng NFC sử dụng công nghệ mã hóa tiên tiến và các lớp bảo mật sinh trắc học như vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt để bảo vệ thông tin cá nhân và tài chính của khách hàng.
Với Apple Pay, Samsung Pay và Google Pay, người dùng có thể thanh toán dễ dàng qua máy POS.
Lựa chọn ứng dụng thanh toán và quản lý tài chính phù hợp phụ thuộc vào nhu cầu và sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, cả ngân hàng số, ví điện tử và ứng dụng thanh toán NFC đều mang đến nhiều tiện ích cho người dùng. Bằng cách kết hợp sử dụng các ứng dụng này, bạn sẽ có một trải nghiệm quản lý tài chính hiệu quả và an toàn hơn.
Hải Hà