TNV - Đấu xảo là một từ Hán-Việt, có thể hiểu là ‘hội thi đấu về sự tinh xảo’. Đây là hoạt động hội chợ, triển lãm xưa kia được tổ chức để giới thiệu và quảng bá các tác phẩm, sản phẩm hàng hóa để từ đó tạo cơ hội cho thị trường, thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Các hoạt động này dưới nhiều hình thức đã xuất hiện từ xa xưa trên thế giới.
Ở Việt Nam, đấu xảo trong nước được tổ chức chủ yếu để giới thiệu và trao đổi hàng hoá.Đặc biệt, hoạt động này được tổ chức thường xuyên hơn tại Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành trong cả nước thời kì Pháp thuộc.Hội đấu xảo mang tính quốc tế đặc biệt nở rộ cùng với cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu vào cuối thế kỉ 19. Hội đấu xảo thuộc địa hay đấu xảo quốc tế diễn ra tại các thành phố lớn của Pháp, Bỉ hay Mỹ đều có sự tham gia của Đông Dương, trong đó có Việt Nam.
Sự góp mặt của các hình ảnh mang tính biểu trưng và các loại hàng hoá đặc sắc tại các hội đấu xảo là dịp để thế giới biết đến bản sắc và tinh hoa Việt trong nhiều lĩnh vực.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức cuộc triển lãm “ Đấu xảo - Nơi tinh hoahội tụ ” để giới thiệu hơn 300 tài liệu lưu trữ và hình ảnh quý giá về các hội đấu xảo tiêu biểu có sự tham gia của Việt Nam, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố rộng rãi.
Triển lãm được bố cục thành hai phần:
Phần 1: Hội Đấu xảo Hà Nội giới thiệu tài liệu, hình ảnh về một số hội đấu xảo tiêu biểu được tổ chức tại Hà Nội.
Các hội đấu xảo được tổ chức ở Việt Nam, chủ yếu tại Hà Nội và Sài Gòn ngày càng nhiều kể từ cuối thế kỉ 19.Hội đấu xảo Gia Định tổ chức vào năm Tự Đức 19 (1865) được coi là hội đấu xảo lớn đầu tiên diễn ra tại Nam Kì thời Pháp thuộc.
Ở Hà Nội, năm 1887 dưới thời Tổng trú sứ Paul Bert, hội đấu xảo lớn đầu tiên được tổ chức tại Trường thi đặc biệt để giới thiệu các sản phẩm kĩ nghệ của nước Pháp tại Đông Dương. Tại đây, bên cạnh rất nhiều sản phẩm của Pháp, cũng có các gian hàng dành cho thợ thủ công Việt trưng bày các tác phẩm của họ. Trong dịp này, bức tượng Nữ thần tự do thu nhỏ (1/16) được đưa từ Pháp sang trưng bày tại khu vườn trong khuôn viên trường đấu xảo.
Sau đó, ngày 5 tháng 5 năm 1899, Toàn quyền Doumer đã quyết định mở hội đấu xảo vào ngày 1 tháng 12 năm 1901. Tuy nhiên, ngày khai mạc phải lùi đến ngày 3 tháng 11 năm 1902 vì chưa thể khánh thành công trình xây dựng Cung Đấu xảo cho đến cuối năm 1901.
Ý tưởng ban đầu của Toàn quyền Doumer khi mở đấu xảo là để “phô diễn” sự tiến bộ ở Đông Dương, các công cụ thương mại, công nghiệp cũng như các công trình sẽ xây dựng ở thành phố Hà Nội, đồng thời để cho Chính quốc, các thuộc địa khác và các nước thấy được những nguồn lực của Đông Dương về mặt “xuất khẩu” và tạo lập một quan hệ có lợi giữa nhà sản xuất Pháp và người tiêu thụ ở Viễn Đông.
Bản vẽ mặt tiền và sơ đồ tầng trệt Cung Đấu xảo Hà Nội. Nguồn TTLTQG1.
Năm 1902, cùng với việc khánh thành Cung Đấu xảo, Hội đấu xảo Hà Nội mở cửa, đã khắc hoạ một dấu mốc đặc biệt về sự góp mặt của hàng hoá từ nước Pháp, từ các thuộc địa Pháp và một số quốc gia châu Á, trở thành một trường đấu mang tính quốc tế. Cung Đấu xảo quy mô lớn, từng được coi là công trình Đấu xảo tráng lệ, xứng tầm với các cuộc đấu xảo quan trọng định kì diễn ra tại đây, có sự tham gia của các sản phẩm Việt từ các địa phương trong cả nước bên cạnh các các sản phẩm của Pháp và các nước khác trong suốt thời kì Pháp thuộc. Các sự kiện này đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam giới thiệu và bán sản phẩm, thúc đẩy phát triển thương mại, đồng thời khẳng định tính độc đáo và sự tinh xảo trong các tác phẩm trưng bày mang bản sắc Việt trên thị trường.
Ảnh chụp Cung Đấu xảo Hà Nội. Nguồn: Gallica.bnf.fr
Phần 2: Đem chuông đi đánh xứ người: giới thiệu tài liệu, hình ảnh về các hội đấu xảo thuộc địa và đấu xảo thế giới tiêu biểu có sự tham gia của Đông Dương, đặc biệt tại Pháp.
Các đồ trưng bày của Việt Nam không chỉ góp mặt ở các hội đấu xảo trong nước mà còn được phô diễn tại nhiều cuộc đấu xảo thuộc địa, đấu xảo thế giới ở các thành phố lớn của Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Không chỉ tham dự đấu xảo với các sản phẩm hàng hoá, hình ảnh mang bản sắc Việt cũng đặc biệt được giới thiệu dưới nhiều hình thức.
Năm 1866, triều đình nhà Nguyễn đã cử một phái đoàn sang Pháp để tham quan hội đấu xảo thế giới tổ chức lần thứ 2 tại Paris vào năm 1867. Đây là lần đầu tiên các tác phẩm điêu khắc Chăm được giới thiệu.Tuy nhiên, lần này chưa có hình ảnh hay sản phẩm nào của người Việt tham dự.
Tại đấu xảo thế giới năm 1878 tổ chức lần thứ 3 tại Paris, lần đầu tiên, một số sản phẩm của Nam Kì tham dự hội đấu và mang về khá nhiều huy chương. Các sản phẩm từ Nam Kì thu hút được sự quan tâm của người phương Tây và được Tổng thống Pháp, Bộ trưởng Thuỷ lợi, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thương nghiệp và Khâm phái các nước khen ngợi. Các sản phẩm Việt cũng được đánh giá cao tại các hội đấu xảo tại Paris, Marseille, Lyon, San-Francisco, New York, Bruxelles sau đó.
Toà Bắc Kì tại Đấu xảo Paris năm 1889. Nguồn: Gallica.bnf.fr
Toà Nam Kì tại Đấu xảo Paris năm 1889. Nguồn: Gallica.bnf.fr
Các tác phẩm tham dự đấu xảo của Việt Nam thu hút người phương Tây bởi vẻ tao nhã, độ tinh xảo và sự độc đáo của chúng. Một số sản phẩm, hình ảnh và đồ trưng bày thực sự mới lạ đối với khách tham quan. Trong số các hội đấu xảo có sự tham gia của Việt Nam thời kì đó, hội đấu xảo thuộc địa năm 1931 đã giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và các sản phẩm hàng hóa của Đông Dương một cách phong phú và đa dạng nhất. Hình ảnh Đông Dương đặc biệt thu hút khách bởi các công trình kiến trúc đặc trưng của mỗi xứ. Bên cạnh công trình đặc biệt ấn tượng là khu đền Angkor Wat của xứ Cao Miên, các công trình của người Việt mang bóng dáng của các kiến trúc tiêu biểu của 3 xứ Bắc Kì, Trung Kì và Nam Kì cũng mang lại sự thích thú cho người xem.
Toàn cảnh Cung Đông Dương tại Đấu xảo Paris năm 1931.Nguồn. Sưu tập cá nhân
Không chỉ dự đấu xảo ở Paris, sản phẩm của người Việt còn xuất hiện tại nhiều hội đấu xảo thuộc địa, đấu xảo thế giới hay đấu xảo kĩ nghệ ở các thành phố khác như Marseille, Lyon… (Pháp), San Francisco, New York (Mỹ) hay Bruxelles, Liège (Bỉ)…được khách tham quan quốc tế quan tâm và khen ngợi.
.Đồ trưng bày của Việt Nam tại Đấu xảo Marseille năm 1922. Nguồn: TTLTQG1
Đồ trưng bày của Việt Nam tại Đấu xảo Marseille năm 1922. Nguồn: TTLTQG1
Bên trong Gian Đông Dương tại Đấu xảo Golden Gate tại Mỹ năm 1939. . Nguồn: TTLTQG1
Triển lãm phác hoạ không gian các hội đấu xảo quan trọng trong nước và quốc tế, nơi hội tụ tinh hoa Việt từ cuối thế kỉ 19 đến giữa thế kỉ 20.Không chỉ vang bóng trong quá khứ, ngày nay tinh hoa Việt vẫn luôn được các thế hệ duy trì và phát huy trong thời kì hội nhập.
Thông qua Triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu cho đông đảo công chúng nguồn tài liệu lưu trữ phong phú và có giá trị về Việt Nam xưa qua hoạt động đấu xảo, đồng thời tạo nên một không gian khám phá di sản kí ức cho xã hội.
Triển lãm sẽ khai mạc ngày 26 tháng 01 năm 2024 tại Toà nhà triển lãm, Trung tâm lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thời gian mở cửa: Từ 26/01/2024 đến 30/6/2024, giờ hành chính các ngày trong tuần. Mở cửa miễn phí cho khách tham quan.
PV