Nhìn chung có hai cách để quản lý tài sản, đó là thông qua các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp hoặc tự mình quản lý. Việc lựa chọn cách thức nào phụ thuộc đa phần vào số lượng tài sản mà nhà đầu tư cần phải quản lý. Trong khi việc quản lý một tài sản không có nhiều rắc rối, thì việc quản lý nhiều tài sản đầu tư chắc chắn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nếu bạn quyết định tự mình quản lý tài sản của mình thì dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn thực hiện nhiệm vụ này thành công.
1. Lập danh sách công việc rõ ràng
Bạn cần lưu ý rất nhiều điều trong quá trình quản lý tài sản đầu tư của mình, bao gồm thời điểm thu tiền thuê nhà, nộp thuế, tiến hành bảo trì, đóng phí dịch vụ,.... Những vấn đề này có thể gây rắc rối nếu không được thực hiện đúng thời gian và đúng cách, chẳng hạn như bảo trì hệ thống ống nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy,... Bạn cũng cần thu tiền thuê nhà và nộp thuế đúng hạn. Đồng thời, bạn cũng phải dành thời gian để sàng lọc người thuê nhà, tính toán rõ ràng các chi phí và kiểm tra nhà thường xuyên. Để không bỏ quên bất cứ vấn đề nào, bạn cần phải lập danh sách công việc một cách rõ ràng và cẩn thận.
2. Phân tích thị trường và lập kế hoạch tiếp thị
Để biết liệu bạn có thể cho thuê nhà với mức giá bao nhiêu là hợp lý, lợi nhuận mà bạn có thể nhận được là bao nhiêu, nên đầu tư vào khu vực nào,... bạn sẽ cần phân tích thị trường bất động sản. Đây là một trong những bước quan trọng nhất có thể quyết định khoản đầu tư của bạn sẽ thành công hay thất bại.
Bên cạnh đó, việc chạy quảng cáo cho các bất động sản cũng là chìa khóa để thu hút sự chú ý của người thuê tiềm năng và từ đó tạo ra dòng tiền dương. Việc chạy quảng cáo bất động sản có thể thực hiện trên mạng xã hội và trên các website uy tín. Càng nhiều người chú ý đến tài sản của bạn, bạn càng có cơ hội lựa chọn được người thuê phù hợp và tử tế.
3. Sàng lọc khách thuê tiềm năng một cách tỉ mỉ
Việc tìm người thuê nhà thường khá đơn giản nhưng việc tìm được người thuê nhà phù hợp và tử tế mới là điều quan trọng. Những người thuê nhà tử tế sẽ có ý thức giữ gìn bất động sản của bạn, tránh tài sản bị hao mòn quá nặng nề trong quá trình họ cư trú tại đó. Đồng thời, họ cũng sẽ luôn có ý thức thanh toán tiền thuê đúng hạn và tránh gây ra những rắc rối không cần thiết với hàng xóm xung quanh.
Việc sàng lọc người thuê nhà nghe có vẻ quá mức khắt khe nhưng đó là vì lợi ích của chủ nhà. Hãy nhớ rằng, việc tìm được người thuê phù hợp sẽ giảm bớt những vấn đề mà bạn có thể gặp phải về lâu dài. Điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn đang quản lý nhiều tài sản đầu tư.
4. Nhờ sự trợ giúp từ các chuyên gia
Việc bạn tự quản lý các bất động sản có thể tiết kiệm được một khoản chi phí tương đối. Tuy nhiên, việc thuê các chuyên gia chắc chắn sẽ giảm bớt gánh nặng mà bạn phải đối mặt khi quản lý nhiều bất động sản đầu tư cùng lúc. Bên cạnh đó, kể cả khi bạn có thể tự quản lý bất động sản của mình, có một số thách thức mà bạn vẫn sẽ cần phải trao đổi với các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Chẳng hạn, bạn sẽ cần sự trợ giúp của luật sư để gỡ rối và hiểu rõ hơn các vấn đề pháp lý phức tạp.
Việc theo dõi và tính toán các khoản chi phí có thể tốn rất nhiều thời gian. Hãy cân nhắc việc thuê một kế toán viên để quản lý sổ sách nếu bạn không đủ khả năng để tự thực hiện.
5. Luôn sẵn sàng đối mặt với những sự cố bất ngờ
Bạn sẽ phải luôn sẵn sàng để đối mặt với những vấn đề bất ngờ phát sinh khi tự quản lý bất động sản đầu tư, đặc biệt là khi bạn đầu tư nhiều tài sản cùng lúc thì khả năng sự cố có thể xảy ra càng lớn.
Bạn sẽ không bao giờ biết khi nào một trong những tài sản của mình sẽ gặp phải sự cố, vì vậy bạn cần lưu số điện thoại của một số công ty dịch vụ sửa chữa điện, nước,... để có thể liên hệ ngay khi sự cố phát sinh. Ngoài ra, hãy đảm bảo luôn lập ngân sách dự phòng để có thể sử dụng ngay khi có thiệt hại xảy ra.
Việc tự quản lý nhiều bất động sản đầu tư cùng lúc có thể là một thách thức. Tuy nhiên, ưu điểm của việc tự quản lý tất cả bất động sản đó là bạn sẽ tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.
Dương Thảo An (Mashvisor)