5 bước tiến làm nên diện mạo mới ở xã Quy Mông

Thứ năm, 24/02/2022 - 11:55

TNV - Nhiều năm trước, nói đến xây dựng nông thôn mới ở xã Quy Mông (Trấn Yên – Yên Bái) ngay cả những cán bộ chủ chốt ở xã cũng chẳng có gì nhiều để kể ngoài đặc trưng một số hộ làm nghề chế biến bột đao riềng. Nhưng kể từ khi Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nguyễn Tiến Chiển được Huyện ủy chỉ định về làm Bí thư Đảng ủy vào tháng 6/2020, xã đã có bước tiến mới là nâng cấp xưởng sản xuất miến duy nhất hoạt động èo uột mấy năm nay lên thành Hợp tác xã (HTX) và cho ra mắt sản phẩm OCOP miến Quy Mông vào tháng 9/2020. Và chỉ hơn 01 năm sau vào những ngày áp Tết Nhâm Dần 2022 tôi có dịp quay trở lại, diện mạo nông thôn xã Quy Mông đã có nhiều đổi thay rõ rệt, đến những người dân chất phác lao động cần cù quanh năm cũng có nhiều chuyện để “khoe” với người thân và khách từ địa phương khác đến chơi.

Ra mắt Câu lạc bộ khuyến học “Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường”xã Quy Mông; kịp thời cụ thể hóa theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương tại Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức vào ngày 24/11/2021

Ước mơ biến Quy Mông thành làng nghề chế biến đao riềng đang trở thành hiện thực

Ấn tượng đầu tiên tôi cảm nhận được sự thay đổi mạnh mẽ ở Quy Mông là: trong năm 2021 xã có thêm 03 cơ sở sản xuất miến đao mới thành lập, đưa tổng số cơ sở sản xuất miến của xã lên 04 cơ sở và công suất tăng lên gấp 7 - 8 lần, sản lượng bột tiêu thụ tại chỗ tăng từ 5% lên 35% tổng sản lượng sản xuất ra hàng năm của xã. Đây là mong muốn mà hơn 01 năm trước Bí thư Nguyễn Tiến Chiển luôn nung nấu, với mục tiêu mở rộng thêm các cơ sở chế biến miến, tận dụng thế mạnh nguồn nguyên liệu bột đao tại chỗ, làm gia tăng giá trị cho cây đao riềng - nay đang trở thành hiện thực.

Theo chân các cán bộ xã đến thăm cơ sở chế biến miến Thắng Ái ở thôn (Thịnh Hưng). Chị Đinh Thị Thắng - chủ cơ sở hồ hởi cho biết: “Được chú Chiển (Bí thư xã – pv) đến nhà cả chục lần vận động làm miến, tôi thấy quá hợp lý. Đúng như chú Chiển phân tích, tại sao người làng miến Giới Phiên cách xa mấy chục cây số đến đây mua bột về làm miến mà mình có các điều kiện thuận lợi lại không làm?. Tôi bèn về Giới Phiên tìm hiểu cách làm miến, thấy cũng đơn giản, lại được Nhà nước hộ trợ 84 triệu , nên gia đình tôi quyết tâm đăng ký mở xưởng làm miến bằng công nghệ máy nén”.

Chị Thắng hối hả lọc bột làm miếnphục vụ khách hàng.

“Năm nay giá bột giảm, may nhờ thức thời làm miến, làm đến đâu khách vào lấy hết đến đó, có nhiều người còn tự vào cắt để kịp gửi làm quà cho người thân ở các tỉnh khác như cô Hiên hàng xóm kia đang cắt miến để gửi đi Sa Pa và Hà Nội. Nên thu nhập cũng khá hơn, lãi gần gấp đôi so với bán bột sau khi trừ chi ph í” – chị Thắng vừa chỉ tay vào người phụ nữ trung niên đang cắt miến cùng con dâu chị vừa thật thà kể.

Đầu lối vào cơ sở sản xuất miến của gia đình ông Toàn (thôn Thịnh An), tôi thấy một xưởng chế biến bột đao riềng rất to đang hối hả hoạt động. Ông Đỗ Danh Toàn – chủ cơ sở chậm rãi nói: Gia đình làm nghề sản xuất bột đao từ năm 2009, năm 2016 đầu tư dây chuyền sản xuất liên hoàn mới có công suất khoảng 200 tấn bột mỗi năm, nhưng mỗi năm chỉ sản xuất được vài tháng là hết vụ, thời gian còn lại chẳng có mấy việc để làm. Tháng 10/2021, được anh Chiển đến tận nhà tư vấn Nhà nước hỗ trợ tròn 100 triệunên tôi như được tiếp thêm động lực để mở xưởng làm miến , khép kín chu trình sản xuất từ củ đến bột và sản phẩm miến cuối cùng; vừa có lợi chủ động tiêu thụ bột tại chỗ, tránh phụ thuộc vào thương lái thu mua, vừa có thêm việc làm và thu nhập quanh năm.

Được biết, cả 3 cơ sở sản xuất miến của xã ra đời năm 2021 đều được Nhà nước đầu tư toàn bộ dây chuyền sản xuất miến từ máy cắt, máy mén, máy đánh bột, phuy và xoong nồi để gạn lắng bột... Các hộ chỉ phải đầu tư khung sắt, mái tôn làm nhà xưởng; giàn phơi, phên phơi, nhân công và nguyên liệu bột là sản xuất ra miến. Riêng gia đình ông Toàn phải chi thêm vào dây chuyền, do đầu tư công nghệ sản xuất miến bằng máy tráng đắt hơn, có công suất cao gấp 5 lần so với công nghệ máy nén.

Bí thư Nguyễn Tiến Chiển bên máy nén miến được Nhà nước đầu tư tại Cơ sở Thắng Ái

Chủ tịch xã Trần Văn Chung phấn khởi nói: “Nhờ vùng nguyên liệu đao riềng đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap tháng 11/2021, nên giá bột đao của xã cao hơn so với thị trường từ 1.000 đồng – 1.500 đồng/kg bột; đặc biệt, nhờ có thêm các cơ sở chế biến miến đi vào hoạt động đã tiêu thụ tại chỗ số lượng lớn bột cho các hộ trồng đao riềng, kết hợp với sản phẩm miến Quy Mông được tiêu thụ tốt, nhiều khách hàng đặt mua số lượng lớn để làm quà, nên đã giúp các hộ trồng và chế biến đao riềng trên địa bàn xã tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác và yên tâm sản xuất”.

Tôi thầm nghĩ, cứ đà này chỉ vài năm tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều hộ tự bỏ kinh phí ra đầu tư sản xuất miến đạt tiêu chuẩn OCOP miến Quy Mông, và ước mơ biến Quy Mông thành làng nghề chế biến đao riềng sầm uất của Bí thư Chiển đang dần trở thành hiện thực.

Có thêm sản phẩm OCOP; mở rộng vùng trồng dâu, nuôi tằm và đột phá về làm đường nông thôn mới

Để xã tiến tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, không dừng lại ở việc xây dựng sản phẩm OCOP miến Quy Mông, cuối năm 2021 xã đã xây dựng thương hiệu Bưởi Quy Mông được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao . Hiện xã đang triển khai dự án phát triển cây ăn quả có múi liên kết theo chuỗi giá trị, với diện tích vùng trồng bưởi đạt tiêu chuẩn VietGap 32 ha và thành lập được HTX cây ăn quả Quy Mông vào tháng 5/2021. Vì vậy, các hộ tham gia HTX đều được tập huấn và áp dụng quy trình chăm sóc, thâm canh cây ăn quả đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap, nên chất lượng sản phẩm Bưởi và quả có múi của xã đều nâng lên, được khách hàng tin tưởng và tiêu thụ ổn định.

Dây chuyền sản xuất miến bằng công nghệ máy tráng của Cơ sở Toàn Nga.

Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng mở rộng phát triển sản xuất trồng dâu, nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị. Theo đó, năm 2021 xã đã thực hiện trồng mới 25 ha dâu, nâng tổng diện tích dâu toàn xã đạt 75 ha; hỗ trợ xây dựng mới 02 nhà nuôi tằm con tập trung, 7 nhà nuôi tằm lớn; hỗ trợ cải tạo 11 nhà nuôi tằm lớn và 06 bộ né gỗ ô vuông. Từ đây, chất lượng tằm con được nâng lên, sản phẩm kén tằm được HTX dâu tằm Quy Mông thu mua toàn bộ,giá cả ổn định, nên nhiều hộ phấn khởi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất vườn sang trồng dâu nuôi tằm.

Đặc biệt, cũng trong năm 2021, xã Quy Mông đã có bước đột phá trong vận động nhân dân làm đường nông thôn mới. Cụ thể, toàn xã bê tông hóa được 10,38 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí đầu tư 6,19 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 3,72 tỷ đồng; nâng tỷ lệ kiên cố hóa đường GTNT trong xã từ 62% lên trên 90%.

Bưởi Quy Mông được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao tháng 12/2021

Như vậy chỉ trong năm 2021, nhân dân toàn xã đã bê tông hóa được quãng đường bằng gần 50% số km đường nông thôn mới thực hiện được trong hơn 10 năm trước gộp lại . Ngoài ra, còn có 07 hộ hiến đất xây dựng trường Mầm non với diện tích 0,5 ha, trị giá gần 400 triệu đồng. Hiện nay trường Mầm non đã xây dựng xong với quy mô xây dựng 6 phòng học, dãy nhà hiệu bộ, bếp ăn, sân chơi đạt tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Dự kiến công trình bàn giao và đưa vào sử dụng trong tháng 3 năm 2022.

Người cán bộ, đảng viên luôn biết học hỏi, lắng nghe, nói đi đôi với làm

Hơn 1 năm trước, trong lần đầu tiên về xã Quy Mông, tôi được Bí thư Chiển đưa đi thăm Di tích lịch sử văn hóa Đình và Đền Quy Mông được xếp hạng Di tích văn hoá cấp tỉnh năm 2010. Hiện nay, Đình và Đền Quy Mông còn lưu giữ 11 sắc phong và Di tích văn hóa này gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mường; xuân thu nhị kỳ Đình và Đền Quy Mông đều tổ chức Lễ hội. Tuy nhiên, anh Chiển cũng bày tỏ trăn trở trước thực trạng cả Đình và Đền đều xuống cấp nghiêm trọng, chưa được đầu tư tu bổ và các hoạt động văn hóa, lễ hội dân tộc Mường cũng bị mai một đáng kể.

N hiều hộ phấn khởi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất vườn sang trồng dâu nuôi tằm

Đồng cảm với những suy tư của Bí thư Chiển, ngày ấy tôi đã mạnh dạn góp ý: “Trong khi đợi các nguồn lực để tu bổ, bảo tồn Di tích lịch sử này, việc trong tầm của xã cần làm ngay là thành lập Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường làm hạt nhân để thu hút các nguồn lực đầu tư tôn tạo Di tích; sau này đưa Di tích Đình, Đền kết hợp với các hoạt động văn hóa, lễ hội dân tộc Mường mở ra hướng phát triển du lịch cho địa phương” .

Những tưởng ngày đó, Bí thư Chiển gật gù tán thành để lấy lòng khách, chứ ít có cấp xã quan tâm sâu đến văn hóa, mà thường chỉ chú ý đến phát triển kinh tế và đầu tư hạ tầng. Nhưng thật bất ngờ, hôm nay trở lại, xã Quy Mông đã thành lập được Câu lạc bộ khuyến học “Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường”. Thêm một lần nữa Bí thư Chiển để lại dấu ấn tốt trong tôi về tư cách người cán bộ, đảng viên luôn biết học hỏi, lắng nghe, nói đi đôi với làm . Đáng chú ý, sự ra đời Câu lạc bộ là minh chứng rõ nhất về tư duy hành động rất kịp thời của Đảng ủy, Chính quyền xã theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức vào ngày 24/11/2021.

Chị Hoàng Thị Ngọc (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã kiêm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ) cho biết, Câu lạc bộ thành lập vào ngày 20/1/2022 với 83 thành viên, có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển tiếng nói, các làn điệu múa mỡi, hát giang, hát giao duyên và văn hóa cồng chiêng mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Tuy nhiên, xã đang rất cần được các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ để tôn tạo lại Đình và Đền Quy Mông; hỗ trợ bộ cồng chiêng và các nghệ nhân hỗ trợ truyền dạy tiếng nói, các làn điệu múa mỡi, hát giao duyên và hát giang để làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa vào mỗi dịp tổ chức Lễ hội.

Tuyến đường đất Khe Bon dẫn vào khu trồng rừng và trồng cây ăn quả lầy lội, khó đi vào ngày mưa mới được bê tông hóa năm 2021

Chủ tịch xã Trần Văn Chung mừng rỡ thông tin thêm: Câu lạc bộ do Ủy ban xã thành lập, Chủ nhiệm Câu lạc bộ giao cho một Phó Chủ tịch xã phụ trách; đồng thời, xã đang thuê đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát lập phương án tôn tạo Di tích Đình và Đền Quy Mông, nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa và dự kiến khởi công xây dựng trong quý III năm 2022. Đây là tín hiệu vui, thể hiện sự quyết tâm của Đảng ủy, Chính quyền xã trong việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân cũng như chuẩn bị tiền đề cho phát triển du lịch địa phương sau này.

Bởi làn sóng dịch bệnh bùng phát, nên năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn của cả nước, nhưng đối với xã Quy Mông lại có rất nhiều bước tiến đột phá trong xây dựng nông thôn mới . Với những kết quả ban đầu về mở rộng sản xuất chế biến miến đao riềng; xây dựng sản phẩm OCOP Bưởi Quy Mông; phát triển vùng trồng dâu, nuôi tằm; làm đường nông thôn mới và khôi phục, bảo tồn văn hóa dân tộc Mường – đã giúp xã tìm được lời giải cho những khó khăn đeo bám lâu nay, mở ra hướng sản xuất hàng hóa, tạo nhiều cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương.

Điệu múa mỡi truyền thống của dân tộc Mường

Vậy đâu là nhân tố cốt lõi làm nên những thành công ban đầu ấy? Nhớ tới lời dạy của Bác: “Cán bộ là gốc của mọi công việc công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu”. Đem những suy nghĩ này trao đổi với Bí thư Chiển, anh cười lảng khi nói về mình và cho rằng đây là kết quả ban đầu còn rất khiêm tốn, là công sức chung của toàn thể cán bộ, đảng viên trong xã cũng như sự đồng thuận hăng hái ủng hộ của nhân dân. Nhưng được tận mắt thấy những lời nói biết ơn, cử chỉ, ánh mắt thiện cảm của người dân dành cho anh và những việc anh đã nỗ lực làm được cho nhân dân trong xã trong thời gian qua, tôi hiểu được: anh chính là mẫu cán bộ mà Đảng ta đang xây dựng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương khóa XIII và nhân dân đang rất cần ./.

Phóng sự đầu xuân:Phạm Quỳnh