1. Dấu hỏi Sancho
Cuộc đụng độ Borussia Dortmund là nơi HLV Erik ten Hag tiếp tục có những thử nghiệm khi sử dụng đội hình dự bị, bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của Jadon Sancho với vai trò số 9 ảo. Thế nhưng, khác hoàn toàn màn trình diễn chói sáng ở trận đại chiến Arsenal, số 25 trong ngày tái ngộ đội bóng cũ trở nên mất hút và không để lại quá nhiều dấu ấn.
Suốt quãng thời gian có mặt trên sân, cầu thủ người Anh chỉ thực hiện thành công 1/4 pha qua người sau 40 lần chạm bóng. Thậm chí, Sancho còn có 8 tình huống để mất quyền kiểm soát và thất bại 4 trong tổng số 8 pha tranh chấp tay đôi.
2. Sự chênh lệch rõ rệt
Mặc dù sớm vượt lên dẫn trước nhờ siêu phẩm sút xa đến từ Diogo Dalot, nhưng Man United không thể bảo toàn thế trận. Sở dĩ, hàng thủ "Quỷ đỏ" thiếu đi sự liên kết cũng như thi đấu rời rạc.
Đầu tiên là tình huống lộn xộn trong vòng cấm dẫn đến bàn san bằng tỷ số, để rồi chỉ 1 phút sau đó, đường chuyền hớ hênh của Victor Lindelof tạo điều kiện cho Donyell Malen hoàn tất cú đúp một cách chóng vánh.
Tuy nhiên, Ten Hag tung các nhân tố chủ chốt vào sân, sự yên tâm nơi hàng phòng ngự ngay lập tức được đảm bảo. Điều này chứng minh sự chênh lệch trình độ giữa đội hình chính và dàn kép phụ.
3. Đôi cánh mỏi mệt
Những bài đánh biên của Man United không thực sự hiệu quả với tỉ lệ đáng báo động 27% (4/15). Aaron Wan-Bissaka vẫn cho thấy khả năng phòng thủ đáng gờm, nhưng ở mặt trận tấn công thì không. Ở bên cánh đối diện, Luke Shaw đã không làm tốt nhiệm vụ được giao phó khi để Youssoufa Moukoko làm tung mành lưới của Andre Onana.
Trên hàng công, Marcus Rashford lẫn Antony dường như cũng gặp vấn đề. Chân chạy cánh người Brazil ngoài tình huống chớp thời cơ ghi bàn ở phút thú 52, cũng không thể hiện được quá nhiều. Về phần Rashford, anh có pha đệm bóng "đi vào lòng đất" khiến người hâm mộ có mặt tại SVĐ Allegiant phải lắc đầu ngao ngán.
4. Giá trị của Onana
Khi được tung vào sân, thủ thành người Cameroon nhanh chóng tạo nên sức ảnh hưởng. Trong tình huống Harry Maguire suýt báo hại đội nhà, Onana ngay lập tức "pressing" đồng đội để cảnh báo anh không được phép lặp lại sai lầm.
Chưa kể, cựu sao Inter Milan còn chứng minh tầm quan trọng của mẫu thủ môn biết chơi chân với nhiều cú phất bóng dài chuẩn xác lên tuyến trên. Nếu Rashford hay Bruno Fernandes xử lý tốt hơn, có lẽ kết quả đã khác.
5. Chân sút đắt giá hơn Haaland cần hội quân gấp
Man United đã chiêu mộ thành công Rasmus Hojlund với tổng chi phí 73 triệu bảng, cao hơn cả Erling Haaland (53 triệu bảng). Động thái này nhằm mục đích nâng cấp hàng công cũng như giải quyết vấn đề đầu ra.
Với sự nhanh nhẹn, khả năng chiếm lĩnh không gian, cùng bản năng sát thủ trong vòng cấm địa, Hojlund được cho là mảnh ghép còn thiếu trong sơ đồ chiến thuật của Erik ten Hag. Nhìn vào các tình huống ngon ăn bị bỏ lỡ trước Dortmund, chứng minh vì sao Man United phải tiêu tốn số tiền lớn để mang chân sút người Đan Mạch về Old Trafford.
Nhiều khả năng Hojlund sẽ có trận ra mắt đội bóng mới khi "Quỷ đỏ" vẫn còn đó 2 trận đấu giao hữu lần lượt trước Lens và Athletic Bilbao nếu kịp thời hoàn tất thủ tục pháp lý.