5 xu hướng thiết kế nội thất đã lỗi thời và phương án thay thế cho năm 2020

Thứ năm, 17/09/2020 - 08:30

Từng rất phổ biến, được nhiều người ưa chuộng trong thời gian dài nhưng những xu hướng thiết kế nội thất dưới đây đã không còn phù hợp với thẩm mỹ của năm 2020. Hãy xem xét các phương án khác nếu bạn không muốn ngôi nhà của mình bị coi là lỗi thời, không theo kịp xu thế!

1. Hệ thống tủ bếp dạng mở

Tủ bếp dạng mở

Những chiếc tủ, giá, kệ đựng đồ được thiết kế mở trở nên phổ biến trong căn bếp của nhiều gia đình những năm gần đây. Nhiều người đã thay thế hoàn toàn hệ thống tủ bếp đóng kín truyền thống bằng tủ, kệ mở, phô bày toàn bộ bát đĩa, lọ đựng gia vị, đồ dùng nhà bếp và cả đồ trang trí trên đó. Kiểu thiết kế này được ưa chuộng vì cảm giác phóng khoáng, cởi mở mà nó mang lại cho chủ nhân căn bếp. Tuy nhiên, nhược điểm của hệ thống này là bạn sẽ mất nhiều thời gian, công sức hơn để dọn dẹp, sắp đặt đồ dùng luôn ngăn nắp, gọn gàng, vì sự lộn xộn, bừa bãi sẽ dễ dàng bị lộ ra với tủ, kệ dạng mở. Ngoài ra, nguy cơ đồ đạc rơi, đổ dẫn đến vỡ, hỏng hóc cũng cao hơn so với kiểu tủ kín. Chính vì những bất tiện này, tủ bếp dạng mở đang dần trở nên lỗi thời, tính ứng dụng kém trong không gian thuần nhà ở, chỉ phù hợp với những căn bếp trong homestay, quán café,…

Nếu bạn vẫn yêu thích kiểu thiết kế này nhưng không có nhiều thời gian dọn dẹp, sắp xếp, chuyên gia nội thất gợi ý bạn có thể áp dụng nó với quy mô nhỏ hơn thay vì toàn bộ hệ thống tủ bếp. Hãy bố trí một chiếc kệ mở cỡ nhỏ, bày lên đó một vài món đồ dùng có tính trang trí, không sử dụng quá thường xuyên như vài chiếc đĩa hoa văn lạ mắt, bộ tách trà chỉ dành để tiếp khách quý hay những ly rượu chuyên dùng cho những dịp đặc biệt,… để tạo điểm nhấn cho căn bếp. Hoặc bạn cũng có thể đặt kệ mở ở gần vị trí bếp nấu, đựng các loại gia vị, dầu ăn để thuận tiện sử dụng khi nấu nướng. 

2. Sử dụng họa tiết đồng bộ 

Nhiều người có xu hướng chọn ra một loại họa tiết yêu thích rồi áp dụng cho nhiều món đồ nội thất trong nhà để tạo sự đồng bộ về phong cách. Tuy nhiên, kiểu thiết kế này không còn được đánh giá cao, thậm chí bị coi là nhàm chán, nghèo nàn ý tưởng hoặc gia chủ quá “ám ảnh” với một loại họa tiết nhất định. Cùng một họa tiết có thể đẹp khi in trên chất liệu này nhưng không phù hợp với chất liệu kia. 

Phối trộn các họa tiết thay vì chỉ dùng 1 loại cho tất cả

Thay vì cứ lặp đi lặp lại họa tiết giống nhau cho nhiều không gian trong nhà, bạn hãy cố gắng kết hợp, phối trộn các họa tiết có phong cách khác biệt - ví dụ họa tiết hình học với họa tiết hoa – để tạo ra sự mới lạ, sáng tạo, khiến không gian nội thất thú vị hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đa dạng hóa các dạng chất liệu, kết cấu để ngôi nhà hiện đại, hợp thời hơn, không nên chỉ dùng một loại vải cho tất cả chăn gối, thảm, rèm,…

3. Mua nội thất giá rẻ, kém bền để tiết kiệm chi phí

Với ngân sách hạn hẹp, nhiều người tìm cách tiết kiệm chi phí bằng cách tìm mua nội thất làm từ các vật liệu giá rẻ, chất lượng không bền. Xu hướng này dẫn đến sự ra đời của “nội thất dùng một lần” – những món đồ nội thất rẻ tiền, thiết kế đơn giản, chỉ dùng một thời gian rồi trở thành rác sau mỗi lần chủ nhân chuyển nhà. Nếu bạn đủ kĩ năng, có đam mê tự làm mọi thứ theo phong cách độc, lạ thì hãy thử sức với việc tự đóng nội thất. Còn nếu không thể tự làm, lại ưu tiên vấn đề tiết kiệm chi phí thì đừng sử dụng đồ nội thất kiểu “mì ăn liền” như trên. Vì trên thực tế, tổng chi phí sắm nội thất mới nhiều lần cũng không tiết kiệm hơn là bao.

Mua nội thất thanh lý sẽ tiết kiệm hơn mua đồ giá rẻ, chất lượng kém

Chuyên gia nội thất khuyên những người có ngân sách không dư dả nên xem xét tìm mua nội thất ở các cửa hàng thanh lý đồ cũ thay vì mua mới nội thất giá rẻ, chất lượng kém. Có rất nhiều người thanh lý nội thất còn tốt vì nhiều lý do, thậm chí có những món gần như mới nguyên nhưng chủ cũ muốn thay thế vì không phù hợp. “Cũ người mới ta”, nếu may mắn, bạn hoàn toàn có thể sở hữu những món đồ tốt với giá rất hời.

4. Bếp toàn màu trắng

Bếp toàn màu trắng dễ tạo cảm giác trống trải

Căn bếp với tông trắng hoàn toàn từ gạch lát, bàn bếp, backsplash đến hệ thống tủ bếp từng được coi là xu hướng thiết kế hiện đại, thời thượng. Tuy nhiên, sang năm nay, thiết kế này bị coi là quá trống trải do sắc trắng chiếm toàn bộ không gian, gây cảm giác lạnh lẽo, thiếu ấm cúng đối với không gian được coi là nơi giữ lửa yêu thương, gắn kết gia đình như căn bếp. Chuyên gia thiết kế gợi ý bạn có thể vẫn dùng tông trắng làm chủ đạo nhưng lưu ý bổ sung thêm một chút màu sắc khác cho tủ bếp hoặc backsplash để phòng bếp bớt đơn điệu. Nếu có đảo bếp, bạn có thể sử dụng đá tự nhiên với hoa văn, màu sắc lạ mắt làm mặt bếp thay vì chỉ dùng mặt đá cẩm thạch trắng hay đá granit đã quá quen thuộc.

5. Sơn tường màu trung tính

Tạo điểm nhấn cho tường thay vì chỉ dùng hoàn toàn màu trung tính

Các màu sắc trung tính như trắng, xám và hồng nhạt có thể khiến căn phòng trông cũ kỹ, quá an toàn đến nhàm chán. Xu hướng sơn tường với những sắc thái trung tính đạt đỉnh vào khoảng năm 2015 và đang dần thoái trào. Các chuyên gia thiết kế nói rằng để không gian sống thêm mới mẻ, lan truyền sự tích cực, cổ vũ chúng ta mạnh mẽ vượt qua một năm đầy thử thách như năm nay, bổ sung thêm một vài gam màu sống động cho ngôi nhà là một ý tưởng không tồi. Bạn có thể chọn ra một bức tường làm điểm nhấn, sơn lại bằng màu sắc rực rỡ, bắt mắt hơn hoặc trang trí bằng tranh ảnh, giấy dán tường có hoa văn yêu thích để làm mới, thay đổi cảm nhận về căn phòng của mình.

>> 10 quy tắc thiết kế nội thất lỗi thời nên phá bỏ
>> Đưa sắc xanh cổ điển – màu của năm 2020 vào trong ngôi nhà

Hương Liên