Nền kinh tế thời chiến của Nga đang bùng nổ. Điều đó nghe có vẻ phi lý khi Nga hiện là nước chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất trên thế giới.
Theo Tổng thống Vladimir Putin, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2023 là 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên toàn cầu là 3% trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển chỉ là 1,5%. Điều quan trọng là động lực tăng trưởng của Nga đạt được dựa trên nội lực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc mừng các binh sỹ Nga được trao Huân chương Sao Vàng tại Điện Kremlin, ngày 8/12/2022. Ảnh: Getty
Mặc dù chưa thể xác thực dữ liệu kinh tế “màu hồng” mà Nga đã công bố, nhưng có vẻ như Moscow sẵn sàng rót tiền vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trong năm thứ ba bất chấp thực tế mọi cuộc chiến đều rất tốn kém.
“Từ quan điểm kinh tế thuần túy, Nga có dư địa đáng kể để tiếp tục tiến hành cuộc xung đột ở Ukraine”, ông Hassan Malik, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu và chuyên gia về Nga tại công ty quản lý đầu tư Loomis Sayles có trụ sở tại Boston, nói với Business Insider.
Suy cho cùng, nền kinh tế Nga vẫn có khả năng chống đỡ tốt trước các lệnh trừng phạt kể từ năm 2014, khi nước này phải hứng chịu một loạt hạn chế thương mại sau khi sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Trên hết, nền kinh tế Nga vẫn được hỗ trợ bởi doanh thu từ việc bán dầu mỏ.
Sức chống đỡ của nền kinh tế Nga sau 2 năm xung đột với Ukraine có được là nhờ 5 yếu tố.
Cuộc xung đột bên ngoài biên giới
Nơi xảy ra xung đột là một trong những yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục phát triển.
“Xung đột diễn ra chủ yếu trên đất Ukraine, phá hủy phần lớn nhà cửa, cơ sở kinh doanh và trang trại của Ukraine. Do đó tác động trực tiếp đến năng lực sản xuất và các hộ gia đình của Nga là tương đối hạn chế”, ông Malik cho biết.
Xét về tác động của xung đột đối với nền kinh tế Nga và Ukraine, có thể thấy rõ sự chênh lệch đáng kể.
Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2022, năm đầu tiên của cuộc xung đột, nền kinh tế Nga suy giảm 1,2%. Trong một cuộc thăm dò do Reuters tiến hành, các nhà phân tích dự đoán GDP của Nga sẽ tăng 3,1% vào năm 2023.
rong khi đó, GDP của Ukraine đã giảm 29,1% vào năm 2022 và Ngân hàng trung ương ở Kiev dự báo tăng trưởng 4,9% trong năm 2023. Ngân hàng này chưa công bố số liệu tăng trưởng chính thức của năm 2023.
Ông Malik giải thích rằng, do xung đột không diễn ra ở Nga, nó có thể trở thành động lực thúc đẩy nhu cầu, đặc biệt là đối với nguồn cung cấp thời chiến và nhân lực.
Tạo ra nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ thời chiến
Đối với Nga, xung đột đã thúc đẩy kinh tế. Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ để duy trì cuộc xung đột đã tăng đáng kể.
Quân đội Nga cần nguồn cung cấp vật chất - những thứ như vũ khí, đạn dược và băng cứu thương. Nhu cầu đã thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất những hàng hóa đó - đặc biệt là ở Nga, vì nhập khẩu vào Nga bị hạn chế do lệnh trừng phạt của phương Tây.
Xung đột cũng đòi hỏi phải có nhân lực. Nga đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học với dân số giảm và tỷ lệ sinh giảm từ trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Điều này khiến nguồn lao động của Nga bị thu hẹp.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin huy động nam giới tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt đã tạo ra tình trạng khủng hoảng lao động kéo dài kể từ năm 2022.
Năm 2023, Nga thiếu 5 triệu lao động. Vào tháng 11, Nga có tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục là 2,9%.
Mặt khác, do thiếu nhân lực, tiền lương đã tăng lên, từ đó thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Tự chủ về vũ khí và sản xuất hàng hóa
Nga là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ 8 vào năm 2022. Điều này một phần nhờ vào vị thế vững chắc của Nga trong vai trò nhà sản xuất các mặt hàng như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, lúa mì và kim loại.
Không giống như nhiều quốc gia, Nga có khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất các mặt hàng quan trọng như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và lúa mì. Điều này đã giúp Moscow vượt qua nhiều năm bị trừng phạt.
“Mặc dù các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại của phương Tây chắc chắn đã có những tác động nhất định đến nền kinh tế Nga, nhưng những tác động này rất hạn chế đối với ngành công nghiệp quốc phòng có khả năng tự cung tự cấp của Moscow”, ông Malik đánh giá.
Là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, Nga cũng có thể tự cung cấp cho quân đội hầu hết các nhu cầu, kể cả đối với các loại vũ khí phức tạp.
Theo ông Malik, điều này cùng với các biện pháp mà Nga đã áp đặt để thúc đẩy nền kinh tế bao gồm nhập khẩu song song, chuyển hướng sang các thị trường xuất khẩu thay thế như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các chuỗi cung ứng mới càng làm giảm tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành công nghiệp quốc phòng và nền kinh tế thời chiến của Moscow.
Kích thích và ổn định kinh tế bằng các khoản trợ cấp và chính sách
Chính phủ Nga đã triển khai các loại khoản vay trợ cấp khác nhau cho các doanh nghiệp, nhằm kích thích hơn nữa nhu cầu trong nền kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách Nga cũng nhanh chóng vào cuộc để ổn định thị trường và nền kinh tế sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Họ đã thực hiện các bước bao gồm đóng cửa Sở giao dịch Moscow trong nhiều tuần, áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn và quản lý chính sách tiền tệ.
Ông Sergei Guriev, người từng là nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, cho biết trong một cuộc nói chuyện vào tháng trước: “Việc đó được thực hiện khá nhanh chóng. Rất nhiều công cụ tài chính của Nga đã bị vô hiệu hóa”.
Nợ nước ngoài thấp, xuất khẩu mạnh
Khi bước vào cuộc xung đột với Ukraine, nợ nước ngoài của Nga ở mức thấp và tài khoản vãng lai của nước này thặng dư một phần nhờ tác động của xung đột lên giá cả hàng hóa.
“Những yếu tố này đã bù đắp rất nhiều cho các động thái của phương Tây như đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương Nga”, ông Malik nói.
Nga vẫn có thể phân bổ gần 1/3 ngân sách năm 2024 cho chi tiêu quốc phòng, bất chấp mọi lệnh trừng phạt mà nước này phải gánh chịu.
Chiến lược gia Malik không phải là người duy nhất cho rằng Nga vẫn có thể tiến hành cuộc xung đột ở Ukraine lâu hơn.
Trong năm qua, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định Nga vẫn có đủ tiền cho cuộc xung đột ở Ukraine trong vài năm.
Trong một báo cáo ngày 17/1, ông Alex Iskov, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics, cho biết tài sản lưu động của quỹ tài sản quốc gia Nga sẽ vẫn tồn tại thêm 1-2 năm nữa nếu giá xuất khẩu dầu của nước này giảm xuống dưới 50 USD/thùng.
Giá trung bình của dầu Urals Nga là khoảng 63 USD/thùng vào năm 2023.
Không phải mọi chuyện đều suôn sẻ
Mặc dù Nga đã tránh được thảm họa kinh tế sau khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022 và hứng chịu các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi chuyện đều suôn sẻ.
Bất chấp sự bùng nổ của nền kinh tế, Tổng thống Nga Putin đang phải cố gắng giải quyết “bộ ba bất khả thi” về kinh tế, một cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga cho biết gần đây.
“Thách thức đối với ông Putin đã tăng gấp ba lần: ông phải chi tiền cho cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, duy trì mức sống của người dân và bảo vệ sự ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Alexandra Prokopenko nêu quan điểm trong một bài viết trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 1/2024.
“Việc đạt được mục tiêu thứ nhất và thứ hai đòi hỏi chi tiêu cao hơn, điều này sẽ thúc đẩy lạm phát và do đó cản trở việc đạt được mục tiêu thứ ba”, bà Prokopenko nói thêm.
Chỉ riêng số liệu GDP màu hồng không phải là thước đo tốt về hiệu quả kinh tế trong thời chiến.
“Họ lấy tiền từ ngân sách để sản xuất vũ khí và đạn dược, nhưng những vũ khí và đạn dược này không góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, không góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Chúng được chuyển đến Ukraine và bị phá hủy ở đó”, ông Guriev nói.
Theo báo cáo công bố tháng 1/2024 của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna, xung đột càng kéo dài, nền kinh tế Nga sẽ càng “nghiện” chi tiêu quân sự.
Xu hướng này sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng và ảnh hưởng có thể trở nên rõ rệt hơn theo thời gian, dấy lên mối lo ngại về nguy cơ trì trệ thậm chí khủng hoảng sau khi xung đột kết thúc.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)Business Insider