Một trong những tư tưởng lớn có tầm chiến lược thể hiện sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là vấn đề Đảng cầm quyền. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người không quên căn dặn: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Đảng cầm quyền thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi đường lối, chủ trương, chính sách đã đề ra.
Nghiên cứu về vấn đề Đảng cầm quyền trong bản Di chúc ra đời cách đây 50 năm, nhiều nhà khoa học cho rằng, soi vào thực tiễn hiện nay, rất nhiều nội dung còn nguyên giá trị thực tiễn.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, những tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài
Đại tá, PGS.TS Đặng Bá Minh – nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Học viện Chính trị - Bộ Quốc Phòng) cho biết, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không còn lợi ích nào khác. Đảng là đầy tớ của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
Quyền mà Đảng ta có được là do dân ủy thác, nhờ nhân dân và của nhân dân. Bác thường nhắc nhở các tổ chức đảng và đảng viên, Đảng cầm quyền chứ không phải đảng trị, mọi đảng viên phải biết tôn trọng Nhà nước, gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đặng Bá Minh, cần hiểu đầy đủ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Là Đảng duy nhất cầm quyền nên đội ngũ cán bộ, đảng viên rất dễ nảy sinh thói cửa quyền, kiêu ngạo dẫn đến những trì trệ trong công tác, mất đoàn kết nội bộ, thậm chí sai lầm, không phát huy, mở rộng được dân chủ, không lắng nghe phản ánh của nhân dân, không tiếp thu ý kiến phản biện của nhân dân.
Người luôn căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Phải thành thực lắng nghe ý kiến của người ngoài Đảng. Cán bộ và đảng viên không được tự cao tự đại, cho mình là tài giỏi hơn mọi người; trái lại phải học hỏi điều hay điều tốt của mọi người”.
“Theo Người, uy tín, sức mạnh và năng lực lãnh đạo của Đảng cầm quyền phụ thuộc vào sự vững mạnh, trong sạch của mỗi đảng viên và mỗi tổ chức Đảng. Trong sạch được thể hiện trước hết và nổi bật ở vấn đề tư cách, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên. Sự vững mạnh của Đảng còn thể hiện ở sức mạnh đoàn kết nhất trí trong Đảng về quan điểm, lập trường chính trị, tư tưởng, về tính tổ chức kỷ luật, thực hành dân chủ trong Đảng, đấu tranh phê bình, tự phê bình và liên hệ mật thiết với quần chúng’- PGS.TS Đặng Bá Minh cho biết.
Từ thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển của Đảng, với tư cách là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta và hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Người đã đúc rút, tổng kết thành những tư tưởng lý luận cơ bản có tính nguyên tắc về một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh.
Người đặc biệt nhấn mạnh, nhân tố quan trọng của một Đảng cầm quyền làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam là sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Người xem đây là nguồn sức mạnh, là yếu tố quyết định đến sự tồn tại, phát triển của một Đảng cầm quyền.
Đảng trong sạch, vững mạnh thì một trong những yếu tố cơ bản là Đảng phải thực hiện dân chủ thực sự rộng rãi, bởi theo Người “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Để thực hiện quyền dân chủ một cách rộng rãi và đi vào thực chất, điều đầu tiên tư tưởng phải được tự do, mọi người phải được bày tỏ ý kiến về quan điểm của mình để tìm ra chân lý, lẽ phải. Kiên quyết đấu tranh với kiểu dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ để phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình; vấn đề đạo đức cách mạng là những vấn đề cốt lõi, cần thiết của một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Người nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong điều kiện nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”.
Quyền lực bị tha hóa nếu không có dân giám sát
Không chỉ giữ vai trò cầm quyền, Đảng còn là đầy tớ của nhân dân. Thạc sĩ Nguyễn Thị Quyên – Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, khi cán bộ, đảng viên thấm nhuần tinh thần là đầy tớ trung thành của nhân dân, sẽ khắc phục được tâm lý tự mãn và xu hướng muốn hưởng thụ của người lãnh đạo.
“Khi trở thành Đảng cầm quyền, nếu cán bộ, đảng viên không thấm nhuần đạo đức cách mạng, không biết tôn trọng dân, không biết lắng nghe dân, không chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, rất dễ bị quyền lực làm cho tha hóa”- Ths Nguyễn Thị Quyên nhấn mạnh điều này và cho rằng, thực hiện tốt vai trò là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Đảng sẽ tránh được hai xu hướng ảnh hưởng không tốt tới vai trò lãnh đạo của mình, đó là xu hướng coi khinh quần chúng và xu hướng theo đuôi quần chúng.
Hiện nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đen xen, tác động lẫn nhau và diễn biến phức tạp.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị suy giảm.
Trước những điều kiện thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền trong Di chúc cần được phát huy hơn bao giờ hết. Đảng phải không ngừng “tự đổi mới”, “tự chỉnh đốn” để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Cán bộ đảng viên không chỉ nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác mà còn phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nếu không sẽ trở thành lạc hậu và bị đào thải.
Bà Nguyễn Thị Quyên nhấn mạnh: “Học tập và làm theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương”./.
PV/VOV.VNLược trích trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực