55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Thứ ba, 18/06/2024 - 14:30

TNV - Sáng ngày 18/6 tại Hà Nội, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tổ chức Hội thảo khoa học “55 năm ngày Bác đi xa – 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” (1969 – 2024).

Đây là họt động thiết thực kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc của Người, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969- 2024), 70 năm Bác về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954 – 2024), 15 năm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt (2009 – 2024).

Phát biểu tại Hội thảo TS. Hoàng ĐạoCương -  Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Với tấm lòng kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đã giao phó, 55 năm qua, các thế hệ cán bộ Khu di tích đã không quản ngại khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, bảo quản giữ gìn một cách tốt nhất nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Khu Di tích mở cửa đón khách tham quan 365 ngày trong năm. Trong 55 năm qua đã phục vụ tận tình, chu đáo gần 90 triệu lượt khách tham quan, đây chính là trường học lớn cho mọi thế hệ người Việt Nam đến nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là nơi hội tụ tình cảm của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, là “điểm đến” trong quan hệ ngoại giao của Đảng và Nhà nước.

Ghi nhận những kết quả và thành tích mà Khu di tích đã đạt được trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, cùng với nhiều Cờ thưởng, Bằng khen của Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng cho tập thể cơ quan và cá nhân xuất sắc những danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập, Huân chương lao động. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi vào thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch vào ngày 28/1/2014 nhân dịp Xuân mới Giáp Ngọ và kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2014) đã phát biểu: “Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch,đây là một địa chỉ hết sức thiêng liêng, là nơi mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế đến để tưởng nhớ Bác, hiểu biết về công lao to lớn của Bác và đặc biệt là nơi học tập, làm theo tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đây, mỗi người đều lắng đọng, suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng, rèn luyện và làm việc xứng đáng với Bác”. Tổng Bí thư động viên khen ngợi cán bộ, nhân viên Khu Di tích “đã giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn các kỷ niệm và hiện vật gắn liền với cuộc đời của Bác”.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 02/9/1969, với tấm lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 206/NQ-TW,ngày 25/11/1970, tại Điều 2 ghi rõ: “Bảo quản tốt nhất khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. Và theo đó, Văn phòng Chủ tịch nước được gọi bằng mật danh từ hồi ở chiến khu Việt Bắc “Văn phòng 41” hay còn gọilà “CQ41” gồm những cán bộ sống thân ái, đoàn kết, hết lòng, hết sức tận tuỵ phục vụ Bác Hồđã tình nguyện ở lại cần mẫn, tận tuỵ bảo quản di sản Hồ Chí Minh như lúc Bác sinh thời.Nhờ vậy,di sản của Người được bảo quản cẩn thận,giữ được tính nguyên trạng di tích cùng cảnh quan môi trường. Với giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 15/5/1975, Bộ Văn hóa ra quyết định 38b/VH-QĐ,công nhận Di tích lịch sử- Văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịchvà ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272 QĐ/TTg xếp hạng đợt đầu tiênKhu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích quốc gia đặc biệt.

Trải qua bao biến động lịch sử, di sản nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ an toàn chu đáo, hạn chế đến mức thấp nhất mọi tác động ảnh hưởng từ thiên nhiên, môi trường và con người. Kết quả thực tế cho thấy, Khu Di tích đang được bảo tồn thích nghi một cách tốt nhất và phát huy hiệu quảgiá trịdi sản Hồ Chí Minh.

Công tác nghiên cứu khoa học và phát huy giá trị của Khu Di tích rất đa dạng, phong phú, hiệu quả, thiết thực với 35 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và cấp cơ sở; tổ chức thành công 84 Hội thảo và Tọa đàm khoa học, trong đó có nhiều cuộc có quy mô và ý nghĩa lớn. Xây dựng được 11 bộ hồ sơ Di tích, 1.098 bộ hồ sơ hiện vật và đã chuyển đổi số được: 641bộ hồ sơ với đầy đủ các yếu tố: Lý lịch, bản ghi chép hiện vật, phiếu kiểm kê hiện vật (với 26 tiêu chí). Xuất bản hơn145 đầu sách nghiên cứu, sách ảnh, tạp chí khoa học và viết hàng ngàn bài báo tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Khu Di tích  tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Bác Hồ cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, tổ chức hàng nghìn buổi lễ báo công, kết nạp đảng viên mới, sinh hoạt chính trị, nói chuyện chuyên đề, trại sáng tác và triển lãm tranh nghệ thuật về Bác Hồ, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các nghi thức lễ hội truyền thống cho đồng bào các dân tộc và kiều bào ta ở nước ngoài vào những dịp Tết cổ truyền dân tộc…

Trước sự thay đổi của công nghệ 4.0, kịp thời chuyển mình theo xu thế mới của ngành di sản, Khu Di tích tích cực nghiên cứu thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm dành cho đối tượng học sinh tiểu học.Trang thông tin điện tử của Khu Di tích được nâng cấp với nội dung phong phú, giao diện hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và tăng khả năng tương tác với bạn đọc...[1] Con số hơn20 triệu lượt truy cập là minh chứng sống động nhất cho vai trò kênh thông tin hữu ích đối với bạn đọc của Trang tin điện tử Khu Di tích.

Đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị khoa học cho các phòng chuyên môn, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thông tin KH&CN luôn được Lãnh đạo Khu Di tích đặc biệt quan tâm. Khu Di tích được trang bị phòng chiếu phim tư liệu khang trang dành cho khách quốc tế, kios kỹ thuật số với màn hình cảm ứng đa điểm dành cho khách tham quan tra cứu thông tin tư liệuvề Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoạt động của Khu Di tích; hội trường lớn phục vụ các hoạt động sinh hoạt chính trị của các đoàn khách trong nước, có thư viện phục vụ bạn đọc với nhiều đầu sách quý

Đi qua hơn nửa thế kỷ, Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã, đang và sẽ mãi mãi là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam vì nơi đây, người anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất đã sống và làm việc trong những năm cuối cùng, là nơi Người vĩnh biệt chúng ta và cũng là điểm hành hương thường xuyên của triệu triệu đồng bào ta cùng bạn bè quốc tế.Vượt qua những khó khăn, thử thách, toàn thể cán bộ, nhân viên Khu di tích đã, đang và sẽ luôn cố gắng nỗ lực, cùng chung sức xây dựng cơ quan thực sự trở thành “trường học lớn” - nơi nghiên cứu, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng với những danh hiệu và phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước ta trao tặng cũng như niềm tin yêu, tình cảm của đồng bào và bạn bè quốc tế.

[1] Số liệu lưu trữ tại Khu Di tích

PV