Tại hội thảo "Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 30/9, các chuyên gia cho rằng, trong các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, việc phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu có vai trò quan trọng.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030 và Việt Nam sẽ nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.
Theo bà Rita Mokbel, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ericsson Việt Nam, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hạ tầng số. 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Các ngành như sản xuất, logistics và thành phố thông minh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Việt Nam đang từng bước xây dựng hạ tầng số hiện đại với dấu ấn quan trọng, đó là cơ quan quản lý nhà nước đã tổ chức đấu giá và cấp phép các băng tần 5G cho các doanh nghiệp viễn thông. 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, hạ tầng mạng 5G dùng riêng sẽ cho phép các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và giảm chi phí, đồng thời mang lại cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng viễn thông.
"5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025", bà Rita Mokbel nhận định.
Nghiên cứu quy hoạch băng tần cho mạng 5G dùng riêng
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã đấu giá băng tần 2,6 GHz; 3,5 GHz và đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp viễn thông lớn. Các doanh nghiệp đã đầu tư 12.600 tỷ để giành quyền khai thác mạng lưới.
Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào mạng 5G. Ngoài số tiền tiền đầu tư về quyền sử dụng bằng tần số, doanh nghiệp còn phải cam kết triển khai mạng lưới với tối thiểu 3000 trạm phát sóng sau năm 2026 và đầu năm 2024 đã phải triển khai tối thiểu 30% số trạm; tốc độ dịch vụ truy cập internet phải đạt trung bình 100 Mb/s.
Theo ông Nhã, hiện nay các nhà mạng đang khẩn trương lắp đặt thiết bị và triển khai tại một số tỉnh thành phố.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải ưu tiên phát triển mạng 5G tại các khu công nghiệp; khu công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu ứng dụng các đặc tính rất nổi trội của 5G, đó là tốc độ cao và độ trễ thấp.
Với 5G, các nhà máy có thể thay thế hệ thống cáp rườm rà, vốn có thể gây chi phí đầu tư lớn do phải lắp đặt thêm cáp khi mở rộng khu vực sản xuất hoặc khi triển khai thiết bị mới và cần chi phí vận hành liên tục để bảo trì các cáp này.
"Các yếu tố chính của 5G là độ trễ thấp, độ tin cậy cao và tốc độ tăng là cần thiết để hỗ trợ các công nghệ mới nổi và các ứng dụng mới trong không gian sản xuất thông minh, như tự động hóa quy trình, giám sát từ xa, bảo trì và quản lý vòng đời thiết bị…", ông Nguyễn Phong Nhã chia sẻ.
Hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất đều triển khai mạng 5G dùng riêng thay vì sử dụng mạng 5G công cộng với chức năng mặt phẳng người dùng (UPF) được triển khai tại chỗ do yêu cầu nghiêm ngặt về bảo mật dữ liệu mà các nhà sản xuất cần. Các đơn vị của Bộ TT&TT cũng đang nghiên cứu để quy hoạch băng tần cho mạng dùng riêng 5G.
Theo Chinhphu