TNV - Mặc dù các nông sản của HTX đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm - thủy sản tỉnh Sơn La chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn, nhưng với nguyên tắc 5 không (không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, không dùng các chất kích thích tăng trưởng, không dùng phân bón hóa học, không dùng giống đột biến gen), HTX hướng tới việc sản xuất ra các nông sản đạt tiêu chí an toàn cao hơn các tiêu chuẩn đã cấp phép, xây dựng thương hiệu nông sản “5 KHÔNG” mang đậm phong cách của tuổi trẻ.
Chị Diệu Vân và những nông sản vườn nhà. Ảnh: Phạm Quỳnh
Nông sản “5 không” mang đậm phong cách của tuổi trẻ
Sau 03 năm bán hàng thuê cho nhà thuốc ở Hà Nội, năm 2011, Phạm Diệu Vân quyết định về quê hương Sơn La của mình mở một hiệu thuốc nho nhỏ. 05 năm cần mẫn, chăm chỉ và chắt chiu làm việc, được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân chị Vân nhận thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân sinh ra nhiều bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe của bà con nông dân. Do vậy nhu cầu về rau, củ, quả an toàn cho đời sống của nhân dân là rất lớn và cấp thiết đã thôi thúc chị tìm một ngành nghề mới vừa để góp phần phát triển kinh tế, vừa thực hiện niềm đam mê kinh doanh và giúp ích cho đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân địa phương.
Sau một thời gian tự mầy mò nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi, tháng 4/2016, chị quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh 26/3 tại tổ 8, phường Chiềng Sinh (thành phố Sơn La) với 07 thành viên và số vốn điều lệ là 650 triệu đồng. Điều đặc biệt là tất cả 7 thành viên trong Hợp tác xã nông nghiệp xanh 26/3 đều là các bạn trẻ với tuổi đời bình quân 27 tuổi.
Khu nhà lưới trồng các loại rau, củ, quả. Ảnh: Phạm Quỳnh
HTX được tổ chức hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện và quyết tâm rất cao của các thành viên trong ban quản trị, đứng đầu là nữ giám đốc năng động, tháo vát, dám nghĩ, dám làm Phạm Diệu Vân. Ngoài chị Vân, còn lại 06 thành viên trong HTX và 07 người làm công (đều là đoàn viên thanh niên ở địa phương) được phân công ở 2 bộ phận: Bộ phận sản xuất với sự tham gia của 10 người có nhiệm vụ sản xuất, nghiên cứu thử nghiệm các loại giống rau, củ, quả phù hợp với điều kiện thời tiết thổ nhưỡng địa phương; tổ chức quá trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến để đem lại các sản phẩm sạch, có chất lượng nhất cho người tiêu dùng. Bộ phận kinh doanh gồm 03 người có nhiệm vụ chính là tìm kiếm thị trường, quản lý trang web của HTX, bán hàng trực tiếp tại điểm chợ Noong Đúc (phường Chiềng Sinh), điểm chợ mùng 7/11 (phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La) và bán hàng thông qua các đơn hàng được đặt trên trang web của HTX.
Từ tín hiệu khả quan trồng rau củ quả sạch ở khu đất rộng 4.500m2 thuộc tổ 8, phường Chiềng Sinh (thành phố Sơn La) và khu đất 5.000m2 tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, sự ủng hộ tích cực của Đoàn phường Chiềng Sinh và đặc biệt là Tỉnh đoàn Sơn La, tháng 10/2016, HTX đã mạnh dạn mở rộng đầu tư thuê dài hạn khu đất rộng 3 ha ở xã Chiềng Mung (Mai Sơn) triển khai trồng rau, củ, quả sạch các loại.
Đậu lùn Nhật. Ảnh: Phạm Quỳnh
Rau ngót Pháp. Ảnh: Phạm Quỳnh
Mặc dù các nông sản của HTX đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm - thủy sản tỉnh Sơn La chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn, nhưng với nguyên tắc 5 không (không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, không dùng các chất kích thích tăng trưởng, không dùng phân bón hóa học, không dùng giống đột biến gen), HTX hướng tới việc sản xuất ra các nông sản đạt tiêu chí an toàn cao hơn các tiêu chuẩn đã cấp phép, xây dựng thương hiệu nông sản “5 KHÔNG” mang đậm phong cách của tuổi trẻ.
Tính đến hết năm 2016, sản lượng từ ngót 1 ha đất trồng ban đầu đã cho thu hoạch trên 40 tấn rau, củ, quả sạch, tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 – 10 lao động trong độ tuổi thanh niên với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Rau ngót Nhật. Ảnh: Phạm Quỳnh
Tìm kiếm thị trường có sức tiêu dùng lớn và yều cầu chất lượng cao
Tiếng lành đồn xa, sản phẩm rau, củ, quả các loại của HTX nhanh chóng được người tiêu dùng thành phố Sơn La tin dùng và 6 tháng sau sản phẩm của HTX tiếp tục được thị trường tiêu dùng ở thị trấn huyện Mường La đặt hàng. Chị Vân vui vẻ bật mí, trong tháng 3 này các sản phẩm của HTX sẽ có mặt ở thị trấn Quỳnh Nhai, từng bước đáp ứng nhu cầu sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong tỉnh.
Với qui mô sản xuất gần 04 ha, Diệu Vân cho biết sẽ qui hoạch lại sản xuất theo hướng chuyên canh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng khu đất, đồng thời áp dụng công nghệ tưới ẩm Isarel, hệ thống tưới nhỏ giọt và màng phủ nilon... Theo đó, ở khu đất rộng 4.500m2 thuộc tổ 8, phường Chiềng Sinh (thành phố Sơn La) chuyên trồng các loại rau gia vị như xà nách hoàng đế, xà nách tím, rau mùi, hung, hành, tỏi…; khu đất 5.000m2 tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn được qui hoạch làm nhà lưới trồng các loại rau xứ lạnh, dưa lê, dưa lưới vàng; 3 ha đất ở xã Chiềng Mung (Mai Sơn) chuyên trồng các giống rau cao cấp cho dinh dưỡng cao như cà chua Hà Lan, dưa chuột Nhật, bắp cải và xúp lơ Isarel…
Điểm bán nông sản “5 không” tại chợ mùng 7/11, phường Quyết Thắng (thành phố Sơn La). Ảnh: Phạm Quỳnh
Mục tiêu trong năm 2017 của HTX đặt ra rất rõ ràng là: duy trì chất lượng sản phẩm sạch và an toàn; đạt sản lượng 125 tấn rau, củ, quả các loại; tìm kiếm đơn hàng mở rộng thị trường tiêu thụ về Hà Nội cũng như các tỉnh, thành có sức tiêu dùng lớn và yều cầu chất lượng cao. Do vậy, chị Vân bày tỏ mong muốn nhận được sự liên kết tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm “5 KHÔNG” từ các cơ quan, đơn vị và tổ chức Đoàn các cấp để Hợp tác xã rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương, cung ứng nông sản sạch và an toàn cho thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng .
Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, Phạm Diệu Vân còn là Bí thư chi đoàn Tổ 8, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Với lòng nhiệt tình, tâm huyết của tuổi trẻ được rèn luyện, thử thách trong môi trường công tác Đoàn, chị luôn gương mẫu trong các hoạt động của Đoàn và địa phương, quan tâm tới đời sống của đoàn viên thanh niên trong chi đoàn, giúp đỡ các đoàn viên thanh niên gặp khó khăn, chia sẻ những kinh nghiệm làm kinh tế của mình giúp đỡ các đoàn viên khác cùng làm, tuyên truyền và huy động các đoàn viên trong chi đoàn cùng học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo anh Vàng A Lả (Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La), mô hình HTX nông nghiệp xanh 26/3 đã có sức lan tỏa, cổ vũ cho đông đảo các bạn trẻ trong tỉnh vững tin khởi nghiệp ngay chính trên quê hương của mình; tới đây Tỉnh đoàn sẽ xây dựng kế hoạch để bạn Diệu Vân có cơ hội giới thiệu mô hình của chi đoàn mình cho tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Sơn La cùng được thăm quan, học hỏi.
Được biết trong tháng 3 này, HTX nông nghiệp xanh 26/3 sẽ kết nạp thêm bạn trẻ Nguyễn Khánh Ly (SN 1991, đoàn viên phường Chiềng Lề) và bạn trẻ Đinh Xuân Kiên (SN 1988, đoàn viên phường Chiềng Sinh) vào HTX. Đây là tín hiệu vui khẳng định sức lan tỏa của mô hình, khẳng định vai trò thủ lĩnh của Phạm Diệu Vân trong thu hút, tập hợp đoàn viên thanh niên dám dấn thân vào khởi nghiệp, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho chính mình và cho quê hương.
Bài, ảnh: Phạm Quỳnh