
7 địa điểm này gây ấn tượng nhờ Công trình kiến trúc độc đáo, phản ánh bản sắc, dấu ấn văn hoá địa phương rõ nét. Hãy cùng xem, đó là những nơi nào?
Chùa Hàng Còng, An Giang
Chùa Krăng Krốch, hay còn gọi là chùa Hàng Còng, tọa lạc tại ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ngôi chùa nổi bật với hàng cây còng cổ thụ trải dài từ cổng vào khuôn viên, cùng chánh điện mang sắc hồng rực rỡ.

Mỗi chi tiết trong chùa đều được chạm khắc tinh xảo, từ hoa văn trên tháp đến họa tiết trên cửa và tường, thể hiện sự tỉ mỉ trong kiến trúc. Dù đã được sơn sửa, chùa vẫn giữ được vẻ đặc trưng, dung hòa giữa nét cổ kính và hiện đại.

Không chỉ là nơi chiêm bái, chùa Krăng Krốch còn hấp dẫn du khách bởi không gian xanh mát, yên bình với hàng trăm cây còng bao phủ.
Bảo tàng Hà Nội (Hà Nội)
Bảo tàng Hà Nội tọa lạc trên đường Phạm Hùng, là công trình trọng điểm khánh thành nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trên khuôn viên rộng hơn 50.000m², bảo tàng gồm bốn tầng nổi, hai tầng hầm, với tổng chiều cao 30,7m.

Ảnh: Bảo Tàng Hà Nội - Hanoi Museum
Công trình gây ấn tượng với kiến trúc kim tự tháp ngược độc đáo, kết hợp cầu thang xoáy ốc dẫn du khách qua các khu trưng bày.

Thiết kế này cũng giúp Bảo tàng Hà Nội được Business Insider vinh danh là một trong những bảo tàng có kiến trúc đẹp nhất thế giới.
'Không gian Huế' tại TTC Imperial Hotel (Huế)
Tọa lạc bên dòng sông Hương, khách sạn không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng mà còn gợi nhớ một phần di sản Huế. TTC Imperial Hotel Huế tái hiện không gian mang đậm dấu ấn các triều đại xưa, tạo nên trải nghiệm lưu trú gắn liền với văn hóa và lịch sử cố đô.

Ảnh: TTC Imperial Hotel Huế
Kiến trúc bên ngoài mang đậm đặc trưng văn hóa địa phương với mái ngói cong, chạm khắc tinh xảo và gam màu nâu đỏ truyền thống. Không gian nội thất được bài trí theo phong cách cung đình với bàn ghế gỗ, họa tiết trang trí tinh tế và những bức tranh tường tái hiện phong cảnh, con người Huế xưa.
Điện Kiến Trung (Huế)
Nằm trong Đại nội Huế, điện Kiến Trung được vua Khải Định cho xây dựng vào giai đoạn 1921-1923. Công trình là sự kết hợp giữa kiến trúc Pháp, Ý và phong cách cung đình Việt Nam.

Ảnh: Xuân Đạt
Bên cạnh giá trị lịch sử, điện Kiến Trung còn mang dấu ấn kiến trúc Đông Dương, đặc biệt là nghệ thuật khảm sành sứ đặc trưng.

Những chi tiết này góp phần tạo nên diện mạo tiêu biểu của kiến trúc cung đình triều Nguyễn.
Cụm kiến trúc tại Ana Mandara Cam Ranh (Khánh Hòa)
Ana Mandara Cam Ranh nằm dọc theo một trong những bãi biển đẹp của Duyên hải Nam Trung Bộ, với 36 biệt thự hướng biển và 140 phòng nghỉ trong hai tòa tháp mới.

Ảnh: Ana Mandara Cam Ranh
Từ màu sắc sảnh lễ tân lấy cảm hứng từ cát vàng duyên hải, đến mái nhà hàng Ana Beach House mô phỏng những đùn cát nhấp nhô trên biển, tất cả đều gợi lên hình ảnh một miền Trung thu nhỏ. Hai tòa tháp "Ana" và "Beach" với những đường cong mềm mại lấy ý tưởng từ sóng biển, cùng 36 căn biệt thự có mái che mô phỏng chiếc nón lá khổng lồ – biểu tượng duyên dáng của Việt Nam. Điều này tạo nên sự giao thoa tinh tế giữa bản sắc địa phương và phong cách hiện đại.


Đặc biệt, 8 căn Sky Pool Villa độc đáo giới thiệu cho du khách khái niệm "biệt thự thẳng đứng trên không", mang đến trải nghiệm nghỉ dưỡng khác biệt tại vịnh Cam Ranh.
Ana Mandara Cam Ranh cũng dành hơn 85% diện tích cho mảng xanh, chú trọng vật liệu thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng 80% vật liệu không nung như lá dừa, mây, tre, gỗ, thể hiện sự cam kết bền vững.
Cầu ngói Chợ Lương (Nam Định)
Cầu ngói Chợ Lương thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, được xây dựng vào thời Lê Sơ, triều vua Lê Tương Dực (cuối thế kỷ 15 – đầu thế kỷ 16), theo kiểu kiến trúc "Thượng gia hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu).

Ảnh: Việt An
Với thiết kế độc đáo và bề dày lịch sử, công trình được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia vào năm 1990. Cầu đã trải qua hai lần trùng tu nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc ban đầu.
Nhà thờ Yali (Gia Lai)
Nhà thờ Yali tọa lạc tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cách trung tâm Pleiku khoảng 30km về phía bắc, ngay cạnh tuyến đường tỉnh 673. Công trình gây ấn tượng với mái nhà rông đặc trưng, phản ánh đời sống văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Ảnh: Bảo Ân
Từ trên cao, nhà thờ nổi bật giữa khung cảnh núi rừng, mang vẻ mộc mạc, hòa hợp với thiên nhiên. Không gian bên trong rộng rãi, thoáng mát, tạo cảm giác thanh bình, gần gũi. Ngoài vai trò là nơi sinh hoạt tôn giáo, nhà thờ Yali còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống địa phương.