Sự tàn ác đến kinh hoàng của Phát xít Đức
Với mục tiêu “xây dựng những cỗ máy xâm lược” để phát động chiến tranh, phân chia lại thuộc địa trên toàn cầu, các nước đế quốc mới nổi như Đức - Nhật Bản - Italy đã hình thành liên minh “phe trục” phát động Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Hồng quân Liên Xô cắm cờ Chiến thắng trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức. Ảnh: TASS
Không chỉ gây ra những thiệt hại to lớn về vật chất đối với các quốc gia bị đánh chiếm, “phe trục” Phát xít, đặc biệt là Phát xít Đức còn trở thành “cơn ác mộng lớn nhất trong lịch sử thế giới” khi gây ra tội ác diệt chủng đối với người Do Thái và tàn sát nhiều dân tộc khác.
Chính trùm Phát xít Đức Aldof Hitler hồi năm 1939 từng công khai tuyên bố: “Chủng tộc Do Thái ở châu Âu sẽ bị huỷ diệt” và trước khi xâm lược Ba Lan hắn cũng ra lệnh cho quân đội Đức: “Giết hết bất cứ đàn ông, đàn bà, trẻ con có huyết thống Ba Lan hoặc nói tiếng Ba Lan; chỉ có thế chúng ta mới giành được không gian sinh tồn ta cần”.
Để kích động binh sĩ Đức thực hiện những hành vi giết người man rợ, Phát xít Đức đã tăng cường bộ máy tuyên truyền về cái gọi là “chủng tộc thượng đẳng Aryan” của dân tộc Đức và kêu gọi binh sĩ cần phải “giết sạch mọi dân tộc hạ đẳng” như Do Thái, Gypsy và Slav.
Thế giới không thể nào quên được câu nói nổi tiếng của Joseph Goebbels- Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã- khi hắn rao giảng về cách thức “nhồi sọ” những tư tưởng tàn độc vào đầu binh sĩ Đức: “Mọi kỹ thuật tuyên truyền dù thông minh đến đâu cũng sẽ khó có thể thành công nếu không thể nhồi vào đầu đối tượng được tuyên truyền những nội dung cơ bản nhất mà chúng ta muốn một cách thường xuyên và liên tục”.
Chiến thắng vĩ đại của Liên Xô và phe Đồng minh
Trước sự tàn ác đến cùng cực của Phát xít Đức tại các quốc gia mà chúng xâm chiếm, quân và dân Liên Xô đã dũng cảm đứng lên chống lại các cuộc tấn công của Phát xít Đức, gây thiệt hại nghiêm trọng cho chúng. Trong vòng 2 năm, từ năm 1941 đến năm 1943, hàng chục sư đoàn và lữ đoàn Phát xít Đức bị tiêu diệt. Năm 1943, sau khi chuyển sang chiến lược phản công, Hồng quân Liên Xô giải phóng Tổ quốc, rồi lần lượt giải phóng Nam Tư, Albania, Ba Lan, Romania, Hungary và Tiệp Khắc.
Trong khi Hồng quân Liên Xô tấn công dồn dập quân Đức trên mặt trận phía Đông, quân đội Anh, Mỹ đã mở mặt trận Tây Âu. Với sự giúp đỡ to lớn của các lực lượng kháng chiến, nước Pháp rồi Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Italy lần lượt được giải phóng. Đúng 0h43 phút ngày 9/5/1945 theo giờ Moscow, thay mặt nước Đức quốc xã, Thống soái Wilhelm Keitel ký biên bản xác nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Phát xít Đức.
Chiến thắng Phát xít Đức đã tạo điều kiện cơ bản cho phe Đồng minh dồn dập tấn công phe trục để kết thúc hoàn toàn Thế chiến thứ 2 cũng như mở ra cơ hội cho các nước thuộc địa đấu tranh giành quyền độc lập, tự quyết của các dân tộc.
Cũng chính trong những ngày tháng lịch sử ấy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, tận dụng cơ hội chiến lược để tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Không thể để cái ác trỗi dậy
Nền độc lập, tự do và cuộc sống hòa bình của các dân tộc trên thế giới đạt được ngày hôm nay đã phải trải qua những hy sinh và mất mát to lớn. Tuy nhiên, trong khi nhân loại và nhân dân tiến bộ trên toàn cầu vẫn đang nỗ lực thúc đẩy xã hội tiến lên phía trước thì vẫn có một bộ phận những kẻ cơ hội, xét lại muốn “phủ định sạch trơn” những đóng góp lớn lao của quân và dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống Phát xít.
Nguy hiểm hơn, chúng đang tìm mọi cách để chủ nghĩa Phát xít hồi sinh trở lại theo những hình thức tinh vi hơn và tàn ác hơn dưới danh nghĩa các tổ chức cực đoan với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa vị kỷ và những hành động phân biệt chủng tộc rất đáng lên án.
Tổ chức Dự án Chống Cực đoan (CEP) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ trong báo cáo có tựa đề “Quyền Cực đoan trên Facebook” công bố năm 2018 đã bày tỏ quan ngại khi một loạt các tổ chức có xu hướng cực đoan như Greek Chapter of Combat 18, Traditionalist Workers Party, Scottish Nationalist Society, Angry White Boy và Be Active Front liên tục đăng tải những nội dung kích động bạo lực trên Facebook trong thời gian qua.
Dù Facebook đã đóng cửa một số trang của các tổ chức này, theo CEP, vẫn còn rất nhiều trang Facebook trong số này công khai bán những vật phẩm liên quan đến các tổ chức cực đoan, phát xít và những truyền bá những nội dung cổ động cho Phát xít. CEP cảnh báo, xu hướng này ngày càng gia tăng nhanh chóng và có thể gây tác động hết sức tiêu cực đến xã hội do tầm ảnh hưởng quá lớn của mạng xã hội lớn nhất toàn cầu này.
Trước nguy cơ chủ nghĩa Phát xít có thể trỗi dậy bất kỳ lúc nào, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 1/2015 từng lên tiếng cảnh báo: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm viết lại lịch sử và xem xét lại đóng góp của Liên bang Nga đối với Chiến thắng Vĩ đại trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 đều đồng nghĩa công nhận tội ác của chủ nghĩa Phát xít Đức, đồng thời mở đường cho tư tưởng chết người này tồn tại”.
Chính vì thế, ngày kỷ niệm Chiến thắng Phát xít Đức không chỉ là dịp tri ân sự hy sinh to lớn của quân dân Liên Xô mà còn là dịp nhắc nhớ cho nhân dân trên toàn thế giới rằng, không thể để “cơn ác mộng” Phát xít quay trở lại một lần nữa. Để làm được điểu đó, các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam cần phải luôn đề cao tình thần đoàn kết, bảo vệ hòa bình nhưng cũng luôn sẵn sàng đấu tranh cương quyết để cái ác không thể sinh sôi dù chỉ là những mầm mống nhỏ nhất./.
Trần Khánh/VOV