76 Sinh Viên ASEAN tham gia trại hè AUN – VNUHCM Summer Program 2025: Khởi động hành trình kết nối vì môi trường bền vững

Thứ tư, 09/07/2025 - 09:03

Sáng ngày 7/7/2025, Lễ khai mạc Trại hè AUN – VNUHCM Summer Program 2025 đã chính thức diễn ra tại Hội trường Trần Chí Đáo, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh(ĐHQG-HCM). Chương trình năm nay đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác học thuật khu vực Đông Nam Á, quy tụ 76 sinh viên đến từ 24 trường đại học thuộc 8 quốc gia ASEAN, cùng hơn 20 giảng viên, chuyên gia quốc tế và các tình nguyện viên đến từ các đơn vị thành viên của ĐHQG-HCM.

Chương trình do ĐHQG-HCM phối hợp với Mạng lưới các trường đại học ASEAN (ASEAN University Network – AUN) tổ chức. Với chủ đề "Giải pháp phát triển bền vững và sáng kiến giới trẻ về biến đổi khí hậu", trại hè hướng đến việc nâng cao nhận thức về các thách thức toàn cầu, đồng thời khuyến khích sinh viên đóng vai trò chủ động trong việc đề xuất các giải pháp sáng tạo và khả thi để ứng phó với biến đổi khí hậu.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi lễ.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc ĐHQG-HCM – khẳng định: "ĐHQG-HCM tự hào là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đăng cai tổ chức chương trình đầy ý nghĩa này. Chúng tôi mong muốn tạo ra một không gian học thuật mở, nơi sinh viên ASEAN có thể học hỏi lẫn nhau, cùng nhau tìm ra các giải pháp bền vững cho tương lai của khu vực và thế giới."

Ngay sau lễ khai mạc, sinh viên đã bắt đầu tham gia vào các hoạt động học tập đầu tiên của chương trình. Trong suốt hai tuần diễn ra (từ ngày 7 đến ngày 19/7/2025), các bạn trẻ sẽ cùng nhau học tập và trao đổi qua nhiều chuyên đề liên quan đến các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong học tập, sản xuất và quản lý. Các lớp học được thiết kế mang tính liên ngành, kết hợp giữa lý thuyết hiện đại và thực tiễn địa phương, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của 22 giảng viên và chuyên gia đến từ 7 trường đại học và các viện nghiên cứu trực thuộc ĐHQG-HCM.

Giảng viên ĐHQG-HCM trao đổi với sinh viên về kế hoạch học tập, làm việc trong hai tuần tới.

Giảng viên ĐHQG-HCM trao đổi với sinh viên về kế hoạch học tập, làm việc trong hai tuần tới.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức chuyên môn, trại hè còn tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, làm việc nhóm đa văn hóa, thuyết trình và xây dựng dự án cộng đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức chuyên môn, trại hè còn tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, làm việc nhóm đa văn hóa, thuyết trình và xây dựng dự án cộng đồng. Sinh viên được chia thành các nhóm quốc tế để cùng nhau nghiên cứu, phân tích tình huống và đề xuất các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu tại các quốc gia ASEAN, từ đó hình thành những góc nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về các vấn đề phát triển bền vững.

Song song với các hoạt động học thuật, chương trình còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và khám phá bản sắc Việt Nam. Các bạn sinh viên quốc tế sẽ được tham quan nhiều địa danh đặc sắc tại TP.HCM như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành, trải nghiệm ẩm thực đường phố và nhịp sống đô thị sôi động về đêm. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) và tỉnh An Giang sẽ giúp sinh viên tìm hiểu hệ sinh thái đặc trưng của vùng ngập mặn, các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như khám phá đời sống văn hóa của người dân miền Tây Nam Bộ.

76 Sinh Viên ASEAN tham gia trại hè AUN – VNUHCM Summer Program 2025: Khởi động hành trình kết nối vì môi trường bền vững- Ảnh 3.

Giá trị cốt lõi của chương trình nằm ở việc tạo ra một không gian đa quốc gia, nơi sinh viên không chỉ học hỏi kiến thức chuyên ngành mà còn được kết nối với bạn bè trong khu vực, trao đổi văn hóa và mở rộng hiểu biết về các quốc gia ASEAN. Bằng cách sống và làm việc cùng nhau trong suốt hai tuần, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội hình thành những tình bạn bền chặt, vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa để cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển bền vững.

Các giảng viên của ĐHQG-HCM cũng dành thời gian trực tiếp trao đổi với sinh viên về kế hoạch học tập, các tiêu chí đánh giá và định hướng thực hiện dự án trong suốt thời gian trại hè diễn ra. Điều này giúp sinh viên hiểu rõ hơn về lộ trình của chương trình, cũng như cách xây dựng các sản phẩm học thuật mang tính ứng dụng cao. Một số nhóm đã bắt đầu định hình các ý tưởng ban đầu cho các đề tài nghiên cứu như phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực nông thôn, bảo tồn đa dạng sinh học đô thị, hay ứng dụng dữ liệu lớn trong quản lý thiên tai.

Không khí sôi nổi, hào hứng đã lan tỏa ngay từ những ngày đầu của chương trình. Sinh viên từ các quốc gia khác nhau thể hiện sự thân thiện, cởi mở và sẵn sàng hợp tác. Nhiều bạn chia sẻ cảm nhận tích cực về sự đón tiếp nồng hậu và môi trường học tập năng động tại ĐHQG-HCM. Một sinh viên đến từ Đại học Malaya (Malaysia) chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với sự chuyên nghiệp và thân thiện của ban tổ chức. Tôi mong muốn sẽ học được nhiều điều trong hai tuần tới, không chỉ về biến đổi khí hậu mà còn về con người và văn hóa Việt Nam.".

Các sinh viên hào hứng tham gia Trại hè AUN-VNUHCM Summer Program 2025.

Các sinh viên hào hứng tham gia Trại hè AUN-VNUHCM Summer Program 2025.

AUN Summer Program là hoạt động thường niên của Mạng lưới các trường đại học ASEAN nhằm thúc đẩy tinh thần đoàn kết, tăng cường năng lực học thuật và kỹ năng giải quyết vấn đề của sinh viên khu vực. Bên cạnh đó, chương trình còn là một phần trong chiến lược phát triển hợp tác quốc tế của ĐHQG-HCM, nhằm nâng cao vị thế và vai trò của đại học Việt Nam trong cộng đồng giáo dục khu vực và toàn cầu.

Với sự chuẩn bị chu đáo từ phía đơn vị đăng cai, sự hưởng ứng nhiệt tình từ sinh viên và sự đồng hành của đội ngũ giảng viên, chuyên gia, AUN – VNUHCM Summer Program 2025 hứa hẹn sẽ mang đến một hành trình trải nghiệm đầy ý nghĩa. Không chỉ là diễn đàn học thuật, trại hè còn là nhịp cầu nối giữa tri thức và hành động, giữa cộng đồng sinh viên ASEAN và những mục tiêu phát triển bền vững mà khu vực đang hướng đến.

Chương trình quy tụ 76 sinh viên đến từ 24 trường đại học của 8 quốc gia ASEAN.

Chương trình quy tụ 76 sinh viên đến từ 24 trường đại học của 8 quốc gia ASEAN.

Chương trình vẫn đang tiếp tục diễn ra và sẽ khép lại vào ngày 19/7/2025 với lễ tổng kết, trình bày sản phẩm học thuật của các nhóm sinh viên. Trong suốt thời gian còn lại, những nội dung học tập, chuyến đi thực tế và giao lưu văn hóa sẽ tiếp tục mở ra thêm nhiều cơ hội cho sinh viên phát triển toàn diện và cùng nhau hành động vì một tương lai xanh của ASEAN.

Tấn Tài