9 thanh niên nhận giải thưởng Quả cầu vàng

Thứ tư, 27/12/2017 - 15:08

TNV - Sáng 27/12, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trao Giải thưởng KHCN Thanh niên Quả Cầu Vàng 2017  cho 9 tài năng trẻ khoa học công nghệ xuất sắc thuộc 5 lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ y – dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.

Sau gần 4 tháng phát động, Cơ quan thường trực Giải thưởng đã nhận được 58 hồ sơ (01 ứng cử viên sinh năm 1979, vi phạm quy chế Giải thưởng) của 21 đơn vị gồm 15 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Đảng ủy ngoài nước tại Nhật Bản, Đảng ủy ngoài nước tại Hàn Quốc, Đại sứ quán tại Anh. Theo đó, số lượng hồ sơ tham dự trên các lĩnh vực: Công nghệ sinh học: 14 hồ sơ, Công nghệ môi trường: 13 hồ sơ, Công nghệ y - dược: 11 hồ sơ, Công nghệ thông tin và truyền thông: 10 hồ sơ và Công nghệ vật liệu mới: 09 hồ sơ. Các cá nhân tham dự Giải thưởng năm nay có 44 nam, 13 nữ; 02 cá nhân là người dân tộc thiểu số (Dân tộc Tu dí, Hoa) ; 01 phó Giáo sư tiến sĩ, 25 tiến sĩ, 16 thạc sĩ; 43 công chức, viên chức; 04 doanh nghiệp; 08 học sinh, sinh viên; người nhỏ tuổi nhất sinh năm 2003 (14 tuổi), lớn tuổi nhất sinh năm 1982 (35 tuổi tính đến ngày 31/12/2017).

DSC_0145

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ  Trần Văn Tùng trao giải thưởng Qủa cầu vàng tới các tài năng trẻ KHCH

Hội đồng bình chọn Giải thưởng KHCN Thanh niên Quả Cầu Vàng gồm các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành, các cơ quan báo chí liên quan đến các lĩnh vực xét giải đã bình chọn 09 tài năng trẻ có thành tích xuất sắc đề xuất trao Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2017, trong đó: Lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông (02 giải thưởng); Công nghệ môi trường (02 giải thưởng); Công nghệ y - dược (02 giải thưởng); Công nghệ vật liệu mới (01 giải thưởng); Công nghệ sinh học (02 giải thưởng); có 08 người là Tiến sĩ và 01 sinh viên xuất sắc về CNTT thuộc Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đây cũng là cá nhân trẻ tuổi nhất (SN 1997).

Tiến sĩ Hà Minh Hoàng, Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2013-2016: Thành viên nghiên cứu chính 02 đề tài đã nghiệm thu: “Áp dụng cơ chế tìm cận tổng quát trong lập trình ràng buộc, 2013-2014” của Đại học Bách khoa Montreal, Google và đề tài: “Phân bổ nguồn lực và lập kế hoạch tối ưu trong quản lý hoạt động tuần tra hàng ngày trên tuyến đường quốc lộ, 2013-2016” của Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc.

DSC_0139

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trao phần thưởng  Nữ sinh viên tiêu biểu cho 20 sinh viên trong lĩnh vực Kỹ thuật

Sinh viên Phạm Văn Hạnh , Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đạt Huy chương Vàng Olympic tin học quốc tế và Huy chương Bạc Olympic tin học Châu Á năm 2015. Trong năm 2015-2016: Top ba tại các kỳ thi lập trình sinh viên khu vực châu Á ACM – ICPC Asia Regional tại Jakarta, Nha Trang, Phuket, Hà Nội ở giải đồng đội. Đoạt CUP vàng khối Siêu Cup tại Olympic Tin học sinh viên Việt Nam. Trong năm 2016-2017: Xếp hạng 28/128 và 34/128 tại các kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM – ICPC World Finals ở giải đồng đội. Giải nhất bảng A môn Đại số tại Olympic Toán học sinh viên Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Dương , Nghiên cứu viên Phòng Tuyến trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong năm 2006-2008: Thành viên 01 đề tài cấp Bộ đã nghiệm thu: Nghiên cứu khả năng sử dụng nấm nội sinh không gây bệnh Fusarium oxysporum trong việc sản xuất cà chua sạch ở vùng ngoài thành Hà Nội” của Chương trình Khoa học Cơ bản, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy, Giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Năm 2010: Giải thưởng president’s choice on AIT video research competition (2010) “Human powered drinking water treatment”.

PGS. TS. Trần Xuân Bách , Giảng viên cao cấp, Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội. Từ năm 2010-2015 : Giải thưởng INSIGHT dành cho báo cáo nghiên cứu Tiến sĩ xuất sắc tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng năm 2010 của Đại học Alberta, Canada. Giải thưởng của Alberta Innovates- Health Solutions năm 2012 của Canada. Lãnh đạo trẻ về Y tế thế giới năm 2014 của Liên Viện Hàn lâm Quốc tế.

Tiến sĩ Hoàng Văn Tổng, Nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Sinh Y dược học, Giảng viên Bộ môn Sinh lý bệnh, Học viện Quân y. Từ năm 2012-2017: Thành viên nghiên cứu chính 02 đề tài Nafosted: " Nghiên cứu vai trò chức năng của các adipokine huyết thanh và các microRNA tự do ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, 2014-2017" , đang triển khai. Và đề tài: "Nghiên cứu đột biến gene major histocompatibility complex class I chain-related (MIC) ở bệnh nhân ung thư gan liên quan nhiễm virus viêm gan B (HBV), 2012-2014", đã nghiệm thu .

DSC_0148

Đại diện Cơ quan thường trực Giải thưởng tặng hoa cảm ơn đơn vị đồng hành

Tiến sĩ Võ Thanh Sang, Trưởng phòng Công nghệ Sinh học Dược, Viện Kỹ thuật Công nghệ Cao, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Từ năm 2015-2020: Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước đang triển khai: "Cơ chế bảo vệ của hợp chất phenolic từ trái Sim (Rhodomyrtus tomentosa) chống lại phản ứng dị ứng và xơ vữa động mạch thông qua con đường tín hiệu thụ thể IgE và histamine, định hướng ứng dụng trong dược phẩm, 4/2017-4/2020"; Thành viên nghiên cứu chính đề tài cấp Nhà nước đang triển khai: "Nghiên cứu khả năng ức chế matrix metalloproteinase và thu dọn các gốc tự do của một số dẫn xuất chitooligosaccharides trên hệ thống tế bào, 5/2015-5/2018".

Tiến sĩ  Vũ Bích Ngọc, Nghiên cứu viên Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2011-2016: Thư ký tham gia 04 đề tài cấp Nhà nước: "Nghiên cứu phân lập và sử dụng tế bào miễn dịch (tế bào tua) để tiêu diệt tế bào ung thư vú, 2011-2015", đã nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Tiến sĩ Phạm Thị Năm, Nghiên cứu viên chính Phòng Ăn mòn và bảo vệ kim loại, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ năm 2013-2015: Thành viên chính 03 đề tài cấp Nhà nước đã nghiệm thu loại khá: " Nghiên cứu tính chất và hình thái cấu trúc của vật liệu tổ hợp polyaxit lactic/ nanohydroxyapatit  (PLA/HAp) có và không có chất tương hợp định hướng ứng dụng trong y sinh, 4/2012- 3/2015", đề tài NĐT Việt – Hàn.

Ngoài trao giải thưởng Qủa cầu vàng, Ban tổ chức cũng trao Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu cho 20 nữ sinh trong lĩnh vực Kỹ thuật lần thứ 19 tiếp tục được triển khai trong 04 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện, điện tử và cơ khí, đây là những ngành học mà sinh viên nữ còn hạn chế và cần được khuyến khích.

Chia sẻ tại chương trình, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết: "chúng tôi đã đồng hành cùng chương trình được 5 năm  vì nhận thấy đây chương trình thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả trao thưởng tới những nhà khoa học trẻ đã tạo ra những giá trị ứng dụng thiết thực trong cuộc sống. Chúng tôi mong muốn đồng hành với chương trình trong những năm tới".

Từ năm 2003 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên Quả Cầu Vàng hàng năm cho 10 tài năng trẻ xuất sắct về khoa học kỹ thuật. Từ năm 2003 đến năm 2010, Giải thưởng triển khai duy nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Năm 2011, Giải thưởng được mở rộng xét trao cho 4 lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ y - dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường. Để đáp ứng thực tiễn yêu cầu phát triển khoa học công nghệ của đất nước, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, từ năm 2016 tên gọi của Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên Quả Cầu vàng được đổi thành Giải thưởng Khoa học công nghệ (KHCN) Thanh niên Quả Cầu Vàng và mở rộng thêm lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới.

Hà Nhì