A lô, 115 xin nghe!

Chủ nhật, 26/02/2017 - 21:58

14h, chuông báo động réo dồn dập ngoài hành lang Trung tâm Cấp cứu 115 (số 11 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm). Bác sĩ Trần Anh Thắng, Đội trưởng Đội cấp cứu số 2, đặt vội hộp cơm dang dở xuống bàn, lao lên chiếc xe cứu thương lúc nào cũng trong tình trạng trực chiến. Đây là lần thứ 2, bữa trưa của anh được nâng lên rồi lại đặt xuống vì nhiệm vụ thúc giục trong khi ca trực chỉ vừa mới bắt đầu…
636235403248170417-anh-2
Xe cứu thương của Trung tâm Cấp cứu 115 (số 11 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm) luôn sẵn sàng lên đường.
“Chuông reo là... chạy” “Nhanh và chính xác” là một trong những điều kiện tiên quyết để dấn thân vào nghề cấp cứu ngoại viện. Rất nhiều “người trong cuộc” đã tự nghiệm như thế sau một thời gian vào nghề, đối mặt với "nghìn lẻ một" tình huống không thể lường trước. Tình huống nào cũng có mức độ nguy kịch “chạm trần”, cần có những quyết định nhanh nhạy, sáng suốt để cứu người. Như câu chuyện lực lượng y, bác sĩ 115 tham gia ứng cứu người bị nạn trong vụ sập nhà 43 phố Cửa Bắc (quận Ba Đình) tháng 8-2016, là một ví dụ. Tai nạn xảy đến bất ngờ với số nạn nhân lớn khiến Trung tâm Cấp cứu 115 phải huy động tới 5 đội cấp cứu đến hiện trường. Bác sĩ Trần Anh Thắng nhớ lại: “Thời điểm đó, mỗi phút, mỗi giây đều quý giá. Ngay khi lực lượng cứu hộ mở được lối đi xuyên qua đống đổ nát bằng các thanh chống, tôi và đồng nghiệp lập tức chui vào, tìm nạn nhân đang bị mắc kẹt, xác định thương tật, tình trạng sức khỏe, trợ giúp giảm đau, hỗ trợ đưa họ ra khỏi nơi nguy hiểm. Mọi thao tác phải được thực hiện nhanh gọn và chuẩn xác, bởi đường hầm tạm mở ấy có thể sập xuống bất cứ lúc nào”. Sau 8 tiếng túc trực tại hiện trường, kinh nghiệm cùng tác phong làm việc chuyên nghiệp của đội ngũ y, bác sĩ 115 đã góp phần giành lại mạng sống cho nhiều người; trong đó có một nạn nhân nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời, đã tránh được nguy cơ phải cắt bỏ đôi chân bị dập nát. Bước chân vào nghề cấp cứu ngoại viện, các y, bác sĩ còn cần có kiến thức đa khoa cùng bản lĩnh ứng phó với những bất ngờ bởi không giống như nhiều đồng nghiệp làm việc trong các bệnh viện có đầy đủ máy móc, trang thiết bị hỗ trợ bao quanh, nhân viên y tế 115 thường tác nghiệp trong điều kiện “tay không", địa bàn hoạt động mỗi nơi, mỗi kiểu. Bác sĩ cấp cứu ngoại viện còn cần trang bị một số kỹ năng “rất không liên quan” khác, như: Khiêng vác, đu dây, leo trèo, giữ thăng bằng… vì như bác sĩ Thắng quả quyết thì “kiểu gì cũng có ngày dùng đến”. Chính bác sĩ Thắng đã có ca cấp cứu tại cầu Long Biên với người bị nạn nằm vắt ngang thanh chắn, cách mặt cầu 3-4m, trong tình trạng vô thức do va đập mạnh: “Xác định cách duy nhất để tiếp cận nạn nhân là trèo xuống nên tôi tìm cách lách qua khe hở giữa hai làn đường, dò từng bước trên các thanh dầm để tới đích. Khi giữ được nạn nhân, tôi buộc cố định anh ta vào cáng do đồng nghiệp và nhiều người dân hỗ trợ thả xuống bằng dây chão. Bằng cách này, chúng tôi đưa nạn nhân lên trên an toàn, khẩn trương vào viện cấp cứu”. Kỹ năng leo trèo, đu bám còn giúp bác sĩ Thắng kịp thời cứu một bà cụ ở tập thể 23 Hàng Vôi, Hoàn Kiếm, bị ngất xỉu do hạ đường huyết sau dùng thuốc tiểu đường. Lần đó, do nạn nhân nằm trong phòng bị khóa trái, bác sĩ Thắng phải liều mình đu qua lan can để tiếp cận nạn nhân qua hướng ban công. Người bệnh sau đó được tiêm đường trợ sức nên nhanh chóng hồi tỉnh. Rất cần... kỹ năng “mềm” Ngoài việc trang bị kiến thức y khoa hay các kỹ năng như một nhân viên cứu hộ, cứu nạn, các y, bác sĩ còn phải có khả năng bình tĩnh, tỉnh táo nhưng lại phải mềm mỏng, khéo léo trước những tình huống “dở khóc dở cười” mà mọi người thường gọi là những “kỹ năng mềm". Phải “mềm” từ khâu đầu tiên, ấy là trực tiếp nhận thông tin từ tổng đài 115. Mỗi kíp trực tổng đài là 3 người, gồm bác sĩ, y sĩ và điều dưỡng, trung bình mỗi ngày các anh chị nhận được khoảng 400 cuộc gọi, nhưng trong đó chỉ có khoảng 100 cuộc gọi cấp cứu, còn lại là các nội dung đề nghị tư vấn y tế, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cách chăm sóc người già, trẻ em, người bị bệnh phải điều trị tại nhà... Nhiều người gọi đến tổng đài 115 coi các y, bác sĩ như “giáo sư biết tuốt”, hỏi đủ chuyện trên giời dưới bể. Thậm chí đêm hôm khuya khoắt có nữ bác sĩ còn nhận được những cuộc gọi yêu cầu tư vấn tình cảm của nam thanh niên vừa… thất tình. Rồi có cả những cuộc gọi chỉ nhằm mục đích trêu chọc, quấy rối… Theo bác sĩ Trần Anh Thắng, bức xúc nhất là gặp những trường hợp yêu cầu 115 cấp cứu khẩn cấp, đọc rõ tên người cần cấp cứu, số nhà, tên đường phố với lời hối thúc giục giã hơn cả “cháy nhà”. Thế nhưng khi kíp trực hộc tốc đến nơi, hỏi đúng tên người, địa chỉ thì chỉ nhận được thái độ ngơ ngác của chủ nhà, thậm chí có lần còn bị mắng oan vì “người ta đang khỏe mạnh bình thường, cấp cứu cái gì”. Những người cố tình trêu đùa 115 kiểu này không phải hiếm nhưng vì không có chế tài xử phạt nên đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào. Cũng có trường hợp xác nhận có người nhà cần cấp cứu, khi bác sĩ hỏi thêm để tiên lượng bệnh tình và hướng dẫn các biện pháp sơ cứu trong khi chờ xe cứu thương đến thì nhận được thái độ bất hợp tác của người nhà, cho rằng bác sĩ “nhiều chuyện, câu giờ, trong khi với một số bệnh, thời khắc “vàng” chỉ tính bằng phút, đợi được bác sĩ đến thì dẫu có nhanh thế nào cũng đã là quá muộn. Với các y, bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115, việc phải hứng chịu những hành vi đe dọa, chửi bới, gây áp lực… của người nhà bệnh nhân “xảy ra như cơm bữa”, nhất là những người theo xe cấp cứu lưu động. Nhiều trường hợp khác, các y, bác sĩ lại trở thành những “chuyên gia tâm lý” bất đắc dĩ, vừa thực hiện các thao tác sơ cứu, cấp cứu vừa trấn an, khuyên nhủ cả bệnh nhân lẫn người nhà… Còn chuyện cõng bệnh nhân từ các khu nhà tập thể cao tầng không có thang máy xuống xe cứu thương, làm vệ sinh cho những người nằm liệt giường trong thời gian dài, vết thương lở loét trước khi thăm khám, cùng người nhà chuyển bệnh nhân đã tử vong đến nhà xác bệnh viện… cũng là những công việc mà ngay cả với những nữ bác sĩ, y tá cũng đã thành chuyện thường ngày. “Nguyên nhân ư? Nhiều lắm!” - bác sĩ Hoàng Văn Hải, người có 16 năm trong nghề cấp cứu ngoại viện cho hay: “Phổ biến nhất là những cơn thịnh nộ do gọi mà không đến ngay, bất biết đường xa hay gần, có ùn tắc hay không; hay những lần gào thét, lăng mạ bác sĩ vì dùng máy sốc tim, “nhìn… dã man quá”; thái độ cự cãi, nổi nóng khi nhân viên y tế nhờ hỗ trợ với lý do “chúng tôi gọi ông đến, ông phải tự làm hết”… Gặp những tình cảnh này, kíp trực không còn cách nào khác là nín lặng, tập trung vào công việc. Áp lực từ những tiếng chuông điện thoại liên tục đổ tới tổng đài, từ những nguyên nhân bất khả kháng như tắc đường, ngõ ngách quanh co, đánh số nhà tréo ngoe... lâu dần, rèn luyện thêm những "kỹ năng mềm" chính là cách giúp các y, bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 hóa giải những tâm lý không tốt để kiên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình - một nhiệm vụ nhiều lúc đòi hỏi phải tập trung cao độ để giành lại mạng sống cho người bệnh.

Theo Báo Hànộimới