AFP: Nỗi sợ bao trùm khi Taliban “gõ cửa từng nhà” tìm người từng cộng tác với Mỹ và NATO

Thứ bảy, 21/08/2021 - 09:56

AFP dẫn báo cáo tình báo của Liên Hợp Quốc ngày 20/8, Taliban đang “gõ cửa từng nhà” để tìm kiếm những người đối lập và gia đình họ. Điều này làm gia tăng nỗi sợ lực lượng nắm giữ quyền lực mới ở Afghanistan đang nuốt lời hứa về sự “khoan dung”.

Sau khi tiếp quản thủ đô Kabul ngày 15/8, chấm dứt 2 thập kỷ chiến tranh, các lãnh đạo hàng đầu của Taliban đã tuyên bố thực hiện “ân xá” như một cách quảng bá hình ảnh của lực lượng này.

Phụ nữ cũng được trấn an rằng, quyền của họ sẽ được tôn trọng và rằng Taliban ngày nay “khác biệt tích cực” với lực lượng cai trị hà khắc giai đoạn 1996-2001.

Theo bản báo cáo mật của Liên Hợp Quốc, Taliban đã tiến hành các “chuyến thăm có mục đích tới từng nhà” những người từng làm việc với các lực lượng Mỹ và NATO. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, hàng nghìn người vẫn đang tìm cách chạy khỏi thủ đô Kabul trên những chuyến bay sơ tán. Bản báo cáo tình báo của Liên Hợp Quốc cũng xác nhận nỗi sợ đang bao trùm cuộc sống của nhiều người dân Afghanistan.

Theo AFP, bản báo cáo mật của Liên Hợp Quốc do Trung tâm phân tích toàn cầu Na Uy thực hiện, Taliban đã tiến hành các “chuyến thăm có mục đích tới từng nhà” những người từng làm việc với các lực lượng Mỹ và NATO.

Các thành viên Taliban cũng chặn những người đang trên đường tới sân bay ở thủ đô Kabul.

“Họ đang nhắm mục tiêu vào gia đình những người từ chối đầu hàng, đồng thời truy tìm và trừng phạt các thành viên gia đình những người này theo luật sharia. Chúng tôi dự đoán những cá nhân từng làm việc với lực lượng NATO/Mỹ và các đồng minh, cùng với các thành viên gia đình của họ có thể bị tra tấn và hành quyết”, Christian Nellemann, Giám đốc điều hành nhóm thực hiện báo cáo cho Liên Hợp Quốc tiết lộ với AFP.

Tuy nhiên, Taliban bác bỏ các cáo buộc như vậy và tuyên bố các tay súng của lực lượng này không được phép vào nhà riêng.

Taliban cũng khẳng định phụ nữ và phóng viên không có gì phải sợ hãi dưới luật lệ mới. Dù vậy, một số nhân viên truyền thông kể lại rằng họ bị đánh bằng gậy hoặc roi khi tìm cách ghi hình các cuộc hỗn loạn tại Kabul trong những ngày qua.

Khi Taliban cai trị ở Afghanistan giai đoạn 1996-2001, phụ nữ không được ra ngoài nếu không có người thân là nam giới đi cùng, các trẻ em gái bị cấm đến trường. Nhiều người bị ném đá tới chết vì ngoại tình, trong khi âm nhạc và truyền hình cũng bị cấm. Sau các cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, Mỹ đưa quân tới Afghanistan và lật đổ chế độ Taliban.

Đoạn video do một nữ phóng viên đài truyền hình do nhà nước quản lý đăng tải trong tuần này cho thấy một thực tế khác biệt với hình ảnh về sự khoan dung mới của Taliban.

“Cuộc sống của chúng tôi bị đe dọa”, Shabnam Dawran, người dẫn chương trình truyền hình đài RTA cho biết khi cô kể lại chi tiết việc bị chặn vào văn phòng làm việc.

“Các nhân viên nam, những người có thẻ văn phòng vẫn được phép vào văn phòng nhưng tôi lại được thông báo rằng, tôi không thể tiếp tục công việc của mình vì hệ thống đã thay đổi”, Dawran nói.

Làn sóng phản đối Taliban lan rộng

Làn sóng phản đối Taliban đang lan rộng ở các vùng của Afghanistan trong tuần này.

Nhiều nhóm người Afghanistan ở Kabul và một số vùng ngoại ô giương lá cờ màu đen, đỏ và xanh lá cây của đất nước trong ngày 19/8 để kỷ niệm ngày Afghanistan độc lập khỏi Anh và thể hiện sự phản đối đối với lực lượng Taliban.

“Lời kêu gọi của tôi với cộng đồng quốc tế là họ hãy chuyển hướng sự quan tâm tới Afghanistan và không để những thành tựu của 20 năm qua bị bỏ phí”, một người biểu tình nói.

Trước đó, hôm 18/8, các tay súng Taliban đã nổ súng giải tán hàng chục người Afghanistan biểu tình ở Jalalabad.

Trong khi đó, Nga cho biết, một phong trào phản kháng đang hình thành ở Thung lũng Panjshir, do Phó Tổng thống Amrullah Saleh và Ahmad Massoud - con trai của một cựu chiến binh chống Taliban, lãnh đạo.

“Taliban không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.

Tại Thung lũng Panjshir, phía Đông Bắc Kabul, Ahmad Massoud, con trai của chiến binh chống Taliban nổi tiếng nhất Afghanistan Ahmed Shah Massoud, cho biết “sẵn sàng tiếp bước cha mình”.

“Nhưng chúng tôi cần nhiều vũ khí hơn, nhiều đạn dược hơn và nhiều nguồn cung cấp hơn”, Massoud cho biết trong một bài viết trên Washington Post.

Trong khi đó, hàng chục nghìn người đã cố gắng chạy khỏi Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản thủ đô. Hỗn loạn nổ ra tại sân bay, khi những người Afghanistan tìm mọi cách, thậm chí là bám vào những chiếc máy bay sơ tán để rời khỏi đất nước.

Liên đoàn thể thao Afghanistan thông báo một cầu thủ của đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia đã thiệt mạng sau khi rơi từ một chiếc máy bay của Mỹ mà anh này cố bám vào khi máy bay cất cánh./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)Theo AFP