Trong đó, Agribank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 26.960 tỷ đồng. Con số này sẽ được điều chỉnh theo ý kiến của NHNN sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.
Trước đó, năm 2023, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.859 tỷ đồng, tăng 14,7% so với thực hiện năm 2022.
Kết thúc năm 2023, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Agribank đạt 76.139 tỷ đồng, giảm 2,2% nhưng vẫn đứng đầu toàn ngành. Chi phí hoạt động tăng 9,9%, lên gần 31.000 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) tăng từ 36,1% lên 40,6%. Tuy nhiên, điểm sáng là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Agribank giảm mạnh từ 27.538 tỷ đồng trong năm 2022 xuống còn 19.347 tỷ đồng. Điều này giúp cho Agribank báo lãi sau thuế 20.696 tỷ đồng, tăng 14,7%.
Tính đến thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2022. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,4%, đạt hơn 1,55 triệu tỷ đồng và đứng thứ hai toàn ngành. Tiền gửi khách hàng tại Agribank tăng 11,9% lên hơn 1,8 triệu tỷ đồng, cũng là ngân hàng có nhiều tiền gửi nhất tại Việt Nam.
Bên cạnh kế hoạch lợi nhuận, tổng tài sản Agribank trong năm nay dự kiến tăng 5-8%, phù hợp với tăng trưởng vốn huy động; Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư dự kiến tăng từ 5-8%, điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng; Dư nợ tín dụng sẽ tăng tối đa 12,5% và thực hiện theo thông báo của NHNN (nếu có); Tỷ lệ nợ xấu dự kiến được kiểm soát dưới 2%; Tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn sẽ nhỏ hơn 1,85%.
Agribank cho biết năm 2024 sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; các biện pháp nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh, tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động. Ngân hàng tập trung nghiên cứu xu thế hoạt động ngân hàng trong tương lai để có chiến lược, giải pháp phù hợp về mạng lưới, hoạt động và nhân sự của các chi nhánh; rà soát, xây dựng lộ trình cơ cấu lại mạng lưới và hoạt động các chi nhánh, đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Mai