Kho tàng dân ca quan họ ở làng Diềm thật quý hiếm với hàng trăm làn điệu cổ, không cần nhạc đệm. Mỗi khi vào hội hát, dân làng Diềm quan niệm là đi “chơi quan họ”, cũng là dịp khoe tài, khoe sắc với chúng bạn.
Đến với làng Diềm (xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), nơi con sông Cầu bao quanh, ai ai cũng rẽ qua giếng Ngọc, bên đền Cùng. Nước giếng Ngọc gắn bó với đời sống dân làng Diềm đã bao đời. Vị ngọt của nước giếng được coi là nguồn dinh dưỡng đặc sản quanh vùng. Vậy nên mới có câu: “Nước trong nước ngọt làng Diềm/Cho người quan họ nảy rền vang xa”. Dân gian đồn, nhờ ăn nước giếng Ngọc mà người làng Diềm, ai cũng hay quan họ từ xa xưa. Quả thật đã ngàn năm, đất Diềm được coi là nơi phát tích, sinh ra dòng dân ca quan họ đầu tiên. Làng là nơi duy nhất, trong 49 làng quanh vùng, có đền thờ Vua bà, Thủy tổ Quan họ ở Kinh Bắc. Đó là cả một câu chuyện dài và linh thiêng đã diễn ra tại nơi đây.
Xưa, Vua Hùng đời thứ 5 định kén rể cho con gái Nhữ Nương đang độ tuổi trăng rằm. Công chúa không chịu nghe lời, bỏ đi chu du thiên hạ, tựa cánh chim tang bồng vô định. Đi với Nhữ Nương có 49 tùy tùng. Họ đều là những nam thanh nữ tú xinh đẹp, trẻ trung. Nhưng khi đoàn người vừa ra khỏi vương cung, một cơn gió lốc xoáy đến cuốn cả đoàn người lên cao rồi ném xuống một vùng núi non xa lạ. Đó là một thế giới hoang vu, lạnh lẽo, với những con suối nhỏ trong veo. Nghĩ đây là ý trời, Nhữ Nương cùng mọi người ở lại, khai khẩn làm ăn tại nơi đây. Đó chính là đất làng Diềm bên dòng sông hiền hòa trôi xuôi. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chàng trai, cô gái đã biến nơi đây thanh xứ sở của chim ca cùng đồng ruộng xanh tươi. Họ vừa làm vừa hát những bài ca được Nhữ Nương truyền dạy. Những đội hát được hình thành. Các đội diễn cảnh đối đáp và hò hẹn, trong ngày lễ hội hằng năm (vào ngày 6/2 âm), mỗi độ xuân về. Đó chính là suối nguồn đầu tiên của dòng dân ca quan họ làng Diềm.
49 người tùy tùng đi theo kết nghĩa huynh đệ, yêu thương nhau như trong một gia đình, cùng luyện tập hát ca sau những ngày lao động mệt nhọc. Chính vì mối quan hệ anh em nên họ không được lấy nhau và tỏa đi các vùng xung quanh để tạo dựng cuộc sống hạnh phúc cho riêng mình. Mỗi người lại mang theo những làn điệu dân ca của công chúa Nhữ Nương, truyền dạy cho dân chúng nơi mình đến. Họ đã trở thành những trùm quan họ cho mỗi làng. Ai ai cũng đều tôn Nhữ Nương là Vua Bà, Thủy tổ Quan họ cho cả 49 làng quan họ gốc. Dân làng Diềm lập đền thờ Bà, không những là Thủy tổ Quan họ mà còn là Thành Hoàng làng bởi bà đã có công khai khẩn và mở mang lập nên làng Diềm.
Từng nhóm trai gái được phân định là những liền anh, liền chị, đối đáp nhuần nhị qua những làn điệu ngọt ngào, êm ái. Các anh hai, chị hai đều lấy giọng ca làm trọng, hát mộc là chính. Đó là những sự rung cảm trong tâm hồn. Những nỗi buồn ám ảnh lòng người. Sự chia xa hay trao gửi tâm tư, đều được thể hiện với sự ngọt ngào nhất, và mong được an ủi vỗ về. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở Bắc Ninh đã về học hỏi, sưu tầm các làn điệu cổ, từ những nghệ nhân ở làng Diềm.
Các nghệ sĩ, nhạc sĩ thường biên soạn lại những làn điệu cổ, để đưa lên sân khấu biểu diễn. Nhưng thực ra, những làn điệu quan họ cổ chỉ được hát mộc mới ra cái hồn vía của nó. Nghe các nghệ nhân làng Diềm hát mới thấy hết sự trải nghiệm của tâm trạng trong nét luyến láy, rung hơi, nảy hạt. Hiện làng Diềm có 4 người được phong danh nghệ nhân ưu tú, đó là các cụ: Ngô Thị Nhi, Trần Thị Phụng, Nguyễn Thị Bản, và Ngô Thị Lịch. Có cụ thuộc cả trăm làn quan họ cổ. Đây là những bảo tàng sống cần được lưu giữ khai thác kịp thời nếu không sẽ mất đi theo thời gian. Những anh Hai, chị Hai trong làng luôn mơ ước được “chơi quan họ” như thời các nghệ nhân xưa. Ai cũng đều mong: “Bao giờ cho đến hội Diềm. Cho tình thêm thắm cho duyên thêm nồng”.
Lại nhớ cách đây không lâu, chúng tôi có dịp gặp nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bản để tìm hiểu về những làn điệu quan họ cổ. Không ít sinh viên cũng tìm đến cụ để ghi âm lại giọng hát. Cứ nghe cụ hát kiểu “Chơi quan họ” thì quả hết sức ngạc nhiên, bởi sức thu hút đến kỳ lạ. Không một tiếng nhạc đệm, giọng cụ khi chơi làn điệu “Hừ la” làm xao xuyến lòng người bởi những luyến láy tinh tế. Lời bài hát như giót vào tâm hồn người nghe, ngọt ngào và da diết làm sao: “Hừ la, hừ la a la... Em hỡi hà, ơi hội hừ... hời là ứ hừ... Mấy khi vui vẻ thế này. Vui tày đám hỏi đốt cây nhang trầm. Lòng yêu, yêu vụng nhớ thầm... điếu đổ lăn xe... Yêu ai thì quyết chớ nghe người dèm...”.
Cái gốc của làn điệu là vậy. Đượm buồn. Trai tỏ bày nhưng lời ca thầm kín mơ màng gợi nhớ chứ không thô ráp. Còn gái thì đằm thắm đến độ, nhưng không lả lơi mà duyên dáng ý nhị. Đúng như lời ca: “Nói ra chẳng sợ bạn cười. Tôi không giăng gió hững hờ gió giăng. Gió đưa giăng, giăng còn đưa gió. Tôi yêu người, người có yêu tôi...”. Những lời hát của nghệ nhân ám ảnh hồn tôi suốt chặng đường dọc con đê sông Cầu. Một con đò nhỏ cô đơn bên cây sào cắm đợi ai. Cơn gió xuân ấm ùa tới. Dòng sông khẽ lay động. Lời ca quan họ, từ giếng Ngọc vang lên, ngân nga níu bước chân tôi: “Người ơi người ở...”./.
Vương Tâm/Báo VOV