Ấm áp nghĩa tình nơi đảo vùng biên

Thứ bảy, 05/01/2013 - 11:20

TNV - Ðảo Vĩnh Thực rộng hơn 10km2, thuộc thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), hòn đảo tiền tiêu nơi địa đầu đất nước tiếp giáp biên giới với Trung Quốc, là nơi sinh sống của bà con 2 xã: Vĩnh Thực, Vĩnh Trung. Ðồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia đóng quân trên đảo làm nhiệm vụ quản lý 14,5km đường chính diện, sâu 50km.

Đảo Vĩnh Thực – đảo tiền tiêu nơi địa đầu Tổ quốc

Mỗi người dân trên đảo, luôn dành những tình cảm mến yêu, sẻ chia với Bộ đội Biên phòng

Chiếc xuồng cao tốc cuối cùng của năm (2012) rời bến Mũi Ngọc lướt sóng băng băng, tung bọt trắng xóa hướng ra đảo Vĩnh Thực khi mà cái giá lạnh tê cóng đã bao trùm cả Bắc Bộ. Trung tá Nguyễn Văn Đãn - Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia đi bộ ra tận bến cảng đón tôi bằng giọng nói thân tình, cởi mở cùng với cái siết tay thật chặt làm cho giá lạnh của ngày cuối năm trên hòn đảo như cũng được xua tan.

Đồn biên phòng nằm trên khu đất cao, tựa lưng vào vách núi, từ đây có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn. Chếch phía tay phải là toàn bộ khu bến cảng, phía chính diện và tay trái là khu dân cư với con đường trải nhựa cấp phối chạy dài dẫn vào đảo. Xung quanh đồn được bố trí rải rác các khu tăng gia như vườn trồng rau xanh, vườn thuốc nam, khu nuôi lợn thịt, lợn rừng, ao cá, khu nuôi gà, ngan, vịt. Theo anh Đãn, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ chiến sĩ bây giờ được đảm bảo và cải thiện rõ rệt. Sau khi đi thăm khu tăng gia sản xuất, anh đưa tôi tới thăm căn phòng tập thể hình rộng chừng 50m 2 với nhiều dụng cụ tập hiện đại, đảm bảo cho các chiến sĩ có thể luyện tập ngay cả trong những ngày đông khắc nghiệt nhất.


Khu vườn thuốc nam của Đồn Biên phòng.

Ở khoảng sân bên trái ngôi nhà chỉ huy là hàng chục giò phong lan xinh xắn, được cán bộ chiến sĩ trên đường tuần tra nơi những núi đá ở đảo đưa về chăm sóc. Ngay phía dưới là những lồng chim trĩ, chim ngũ sắc đang tung tăng nhảy nhót, khoe những bộ lông óng ánh, đẹp mắt. Phía trước khoảng sân rộng, nơi chính diện nhà chỉ huy là một vườn đào dễ đến hơn 50 cây, thân gầy guộc xù xì như đang chắt chiu chút sức lực còn lại của mình, chắt chiu từ hương đất, sương trời cựa mình nhú ra những chồi non tơ, những nụ hoa bụ bẫm căng mình khoe sắc thắm xua tan lạnh giá để đón mùa xuân.

Đêm cuối năm, cái rét càng như ngọt hơn, anh Đãn cùng tôi đi bộ trên con đường ven đảo, gió biển liên hồi thổi từng cơn như cắt da, cắt thịt. Dừng chân trước ngôi nhà 3 tầng sáng trưng ánh điện làm toát lên vẻ khang trang, bề thế cứ ngỡ như là trụ sở củadoanh nghiệp đang ăn nên làm ra ở đất liền chứ ít ai ngỡ đó là ngôi nhà vừa mới khánh thành tháng 11/2012 của vợ chồng ông Xuân - người dân đảo chính gốc. Trước đây, vợ chồng ông cùng bao nhiêu người dân khác trên đảo đều lấy nghề biển làm nghề sinh sống chính. Năm 2001, gia đình ông chuyển sang làm nghề chở đò đưa khách ra vào đảo. Cuối năm 2006, ông cùng một số bà con trên đảo thành lập hợp tác xã dịch vụ vận tải với 3 chiếc xuồng cao tốc và 2 xe chở khách phục vụ bà con đi lại hai đầu bến.

Nở nụ cười như mãn nguyện với thành quả lao động vất vả của mình, ông Xuân cho biết, hiện nay trên đảo có 3 doanh nghiệp cùng tham gia vận tải chở khách với 9 xuồng cao tốc, mỗi xuồng mỗi ngày thực hiện 2 chuyến ra vào đảo với lượng khách trung bình 8 - 10 người/chuyến; trong đó, ông thuê 3 người trên đảo làm công với mức lương 3 triệu đồng/ tháng. So với đi bằng đò thì xuồng cao tốc đã giúp cho giao thương đi lại giữa đất liền và đảo được thuận tiện hơn cả về thời gian, số chuyến và chi phí đi lại.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng còn giỏi cả việc úm nở gia cầm để chủ động con giống chăn nuôi

Anh Đãn tiếp tục đưa tôi đến thăm ngôi nhà 5 tầng to đẹp nhất nhì trong đảo. Đó là ngôi nhà gia đình anh Đảo. Thấy có khách đến thăm, cô con gái đang học lớp 8 của chủ nhà mừng rỡ gọi bố mẹ xuống tiếp. Vợ chồng anh Đảo kể lại ngày mới quen nhau, khi đó anh là bộ đội đóng quân trên đảo, còn chị sinh ra và lớn lên trên đảo. Họ bén duyên nhau nên khi ra quân anh chị ở lại đảo làm ăn. Nhờ chăm chỉ, chắt chiu và giỏi tính toán, vợ chồng anh đã có của ăn của để, làm giàu ngay chính trên hòn đảo bấy lâu nay mọi người vẫn lam lũ. Năm 2011, gia đình anh đã xây căn nhà 5 tầng, mỗi tầng rộng 100m 2 , trị giá trên 2 tỷ đồng. Đây là ngôi nhà to đẹp, hiện đại và kiên cố đầu tiên trên đảo như để khẳng định niềm tin son sắt của người dân với hòn đảo, vững tin vào an ninh chủ quyền của đất nước. Cả hai người tuy khác nơi chôn rau cắt rốn, nhưng đều chung một tình yêu gắn bó với đảo. Đặc biệt, anh cũng như mỗi người dân trên đảo, luôn dành những tình cảm mến yêu, sẻ chia với cán bộ chiến sĩ biên phòng. Riêng gia đình anh Đảo còn dành cả căn phòng rộng rãi, đủ tiện nghi để anh em biên phòng nghỉ lại mỗi khi có khách.

Bộ đội Biên phòng là chỗ dựa tin cậy của bà con ngư dân

Trong câu chuyện với ông Lê Đình Trọng - Chủ tịch xã Vĩnh Thực vào ngày đầu năm mới, ông cho biết, xã có 668 hộ với 2.680 khẩu làm ăn sinh sống ở 3 thôn. Năm 2011, theo chương trình xây dựng nông thôn mới, xã được đầu tư xây mới 01 trường mầm non và 01 trường tiểu học đạt chuẩn. Năm 2012, xã tiếp tục được đầu tư làm tuyến đường dài 3,2km từ thôn Đông ra bến Hèm, đặc biệt còn được Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia hỗ trợ công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, vận động bà con đưa giống mới vào sản xuất, trồng khoai lang bản địa và tỏi để xuất khẩu, cải thiện đời sống nhân dân. Do vậy, hết năm 2012, toàn xã chỉ còn 19 hộ nghèo, bà con trên đảo an tâm làm ăn sinh sống, 100% trẻ em được đến trường, không còn cảnh thất học và phải vào trong đất liền theo học do thiếu trường, thiếu lớp, thiếu thầy cô như trước đây nữa.

Quân y Đồn chẩn đoán và điều trị cho bà Trương Thị Liên quê ở Nam Định đang làm ăn trên đảo qua khỏi cơn nguy hiểm

Đặc biệt mỗi khi tới mùa mưa bão, chính quyền và người dân trên đảo bớt phải lo lắng vì đã có Bộ đội Biên phòng làm chỗ dựa tin cậy trong việc đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, lại còn ứng cứu kịp thời mỗi khi tàu thuyền gặp sự cố. Chỉ tính riêng trong cơn bão số 5 năm 2012, Đồn đã trực tiếp cứu vớt 50 người dân bị bão cuốn trôi theo bè ra biển và ngay trước khi kết thúc năm cũ 2 ngày, 5 cán bộ chiến sĩ của Đồn đã vật lộn với sóng to gió lớn trong đêm tối cứu được toàn bộ 2 người cùng tư trang, hàng hóa trên con tàu QN 8170 của ông Nguyễn Văn Linh xã Đông Xá, Vân Đồn, Quảng Ninh bị sóng to gió lớn đánh gãy bánh lái, va vào cồn đá và đang từ từ chìm vào bờ an toàn.

Trước bữa cơm tối cuối năm, khi cán bộ chiến sĩ trong Đồn đang chuyện trò rôm rả bên bàn bi - da thì chợt có người dân trong đảo vội vàng phóng xe máy chở theo người phụ nữ đã luống tuổi, mặt mày nhợt nhạt, tái mét vì đau đớn đến nhờ quân y cấp cứu. Thượng úy Nguyễn Văn Duyên (cán bộ quân y tăng cường) vội đưa người bệnh vào phòng điều trị kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp và hỏi bệnh tình. Qua triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh nhân cùng với chẩn đoán, bệnh nhân Trương Thị Liên quê ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng, Nam Định) 53 tuổi làm nghề buôn bán nhỏ ở cảng được xác định bị sỏi bàng quang và viêm tiết niệu. Quân y Đồn đã tiêm thuốc giảm đau, giãn cơ trơn, đồng thời cho uống thuốc kháng sinh, chống viêm và bổ sung vitamin tăng sức đề kháng. Sau khoảng gần 1 giờ được theo dõi và chăm sóc, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, an tâm trở về chuẩn bị để tuần sau vào bệnh viện tiếp tục điều trị. Theo thiếu tá Trần Văn Khanh (quân y của Đồn), hầu như mọi người dân trên đảo cũng như thuyền bè qua lại tuyến đảo hễ có đau ốm đều lên Đồn để khám chữa và được phát thuốc miễn phí. Bình quân mỗi tháng, quân y Đồn khám, chữa, cấp phát thuốc cho khoảng hơn 20 lượt người, bởi bà con dân đảo tin vào chuyên môn của Bộ đội Biên phòng và cảm nhận được y đức tận tình mà các anh đã dành cho họ.

Anh Đảo và ngôi nhà 5 tầng của gia đình to đẹp nhất nhì trên đảo

Buổi sáng ngày đầu năm mới, anh Đãn đích thân lấy xe chở tôi ra bến Hèm nằm cách Đồn chừng 3km. Tại đây, có âu thuyền nhỏ là nơi tránh trú bão của thuyền bè qua lại và của bà con dân đảo quanh vùng. Ở ngay cửa âu thuyền là 3 cơ sở thu mua chế biến sứa của bà con ngư dân. Chúng tôi tới thăm cơ sở của ông Lê Văn Sáng ở thôn 3 xã Vĩnh Thực, là người con của đảo đã mạnh dạn bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư từ năm 2011 với cơ ngơi rộng gần 1.000m 2 , có 48 bể chứa bằng xi măng cốt thép kiên cố và 1 con đường bê tông vững chãi dài 125m dẫn ra tận mép biển để tiện kéo hàng từ thuyền lên sân chế biến, tạo công việc thường xuyên cho 15 đến 20 người dân trong đảo.

Vươn tầm mắt ngắm nhìn biển khơi xa, nơi tấp nập gần 800 chiếc thuyền của bà con trên đảo đang vào mùa đánh bắt sứa bên những chiếc tàu tuần tra làm nhiệm vụ và bảo vệ bà con ra khơi bám biển của Bộ đội Biên phòng, cả ba chúng tôi đều khấp khởi trong lòng, bởi nơi biển đảo vùng biên này nghĩa tình quân dân thật ấm áp, đang phối hợp rất nhịp nhàng làm thành thế trận của lòng dân, cùng cố kết vững vàng làm chủ vùng biển đảo thiêng liêng nơi địa đầu đất nước./.

Ông Lê Văn Sáng (bên trái) và tác giả tại cơ sở thu mua chế biến sứa cho bà con ngư dân

Ký đầu xuân Quý Tỵ: Phạm Quỳnh