Ấm lòng người dân từ gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ

Thứ sáu, 15/05/2020 - 11:10

Tại Đà Nẵng, gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ dành cho 4 đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo đã hoàn thành hơn 95%. Số tiền hỗ trợ giúp người dân vơi bớt khó khăn do dịch COVID-19 để lại.

Chi trả tiền hỗ trợ cho nhóm bảo trợ xã hội tại UBND phường Thanh Khê Tây. Ảnh: VGP/Minh Trang

Một miếng khi đói bằng một gói khi no


Đến nhận tiền thay cho cha mẹ thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, ông Phạm Ngọc Sinh (tổ 93, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) tâm sự: “Cụ ông, cụ bà đều đã trên 90 tuổi. Vợ chồng tôi cũng trên 60. Nhà toàn người già cả, mà các cháu cũng nghỉ việc mấy tháng do dịch bệnh. Hôm nay nhận được số tiền này tôi mừng lắm. Thế là có thêm ít tiền thuốc thang cho các cụ, vì cụ ông yếu quá, đang phải thở oxy tại nhà”.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đối với gia đình ông Sinh, số tiền này quá ý nghĩa: “Không biết nói gì hơn là lời cảm ơn đến Chính phủ đã quan tâm đến người dân lúc hoạn nạn này”.

Cùng đến nhận tiền hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Dung (tổ 69, phường Thanh Khê Tây) có con 17 tuổi bị khuyết tật từ nhỏ, cho biết: “Kinh tế cả gia đình đều phụ thuộc vào mình. Nhà có hai con nhỏ đã khó rồi, thêm dịch bệnh lại chồng chất khó khăn. Hôm nay nhận được 1,5 triệu đồng từ gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ, mình vui lắm, vì có thêm ít tiền mua sữa cho các cháu”.

Ông Đoàn Văn Giang, Phó Chủ tịch phường Thanh Khê Tây cho biết, danh sách hộ nghèo và cận nghèo đã được Thành phố phê duyệt vào đầu năm 2020, nên việc thống kê diễn ra nhanh gọn. Phường chỉ rà soát, kiểm tra lại, công khai danh sách tại UBND phường và phối hợp triển khai cùng với ngành bưu điện ngay khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Phường An Hải Bắc có số lượng người có công đông nhất quận Sơn Trà cũng đã chi hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo hơn 1,4 tỷ đồng, chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội hơn 979 triệu đồng. Mỗi nhóm chỉ còn vài hộ chưa nhận do đang ở xa.

Trước đó, phường An Hải Bắc đã chi trả cho 370/370 người có công hơn 550 triệu đồng. Đây là đối tượng chi trả đầu tiên theo gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Các đối tượng nhận tiền tại UBND phường, riêng người già yếu được cán bộ đến tận nhà cấp phát.

Cơ bản hoàn thành việc chi trả cho hơn 70.000 người

Bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng, cho biết, đơn vị bắt đầu triển khai chi trả cho người có công và bảo trợ xã hội từ ngày 29/4, triển khai gói cho người nghèo và cận nghèo từ ngày 5/5. Theo thống kê, tổng số người thuộc 4 đối tượng trên tại Đà Nẵng là hơn 70.000 người, trong đó người có công khoảng 16.000 người, bảo trợ xã hội khoảng 27.000 người, hộ nghèo và cận nghèo là hơn 26.000 người. Tổng số tiền chi trả khoảng 85 tỷ đồng.

“Đến hôm nay, chúng tôi đã hoàn thành được 95%. Số còn lại chưa nhận hầu hết là do ở xa, chưa về địa phương, hoặc đau ốm nằm viện, không có người nhận thay”, bà Nga cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Đà Nẵng, UBND các phường, xã đã phối hợp với bưu điện triển khai sớm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đưa đến tay các đối tượng nhanh nhất. “Chúng tôi cũng đã phối hợp với mặt trận các cấp giám sát, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực nào. Bên cạnh hỗ trợ từ gói an sinh, Quỹ Vì người nghèo và các nhà hảo tâm đã vận động được hơn 5 tỷ đồng, cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác như ATM gạo, siêu thị 0 đồng...”, ông An cho biết thêm.

Tổng kinh phí hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 ở Đà Nẵng vào khoảng gần 310 tỷ đồng, trong đó ngân sách của Trung ương hơn 83 tỷ đồng, ngân sách của Thành phố dự kiến khoảng 225 tỷ đồng. Đà Nẵng cũng chủ động dành nguồn ngân sách khoảng 30 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng đặc thù khác ngoài quy định của Trung ương.

Đà Nẵng đang tiếp tục rà soát chi hỗ trợ các nhóm đối tượng còn lại là các nhóm người lao động, hộ kinh doanh... Sở LĐTB&XH đã ban hành kế hoạch hướng dẫn một số nội dung tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đối với các nhóm đối tượng là người lao động tự do và hộ kinh doanh cá thể.

Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn cho lãnh đạo và cán bộ chuyên trách ở các xã, phường thực hiện về biểu mẫu thống kê và xác định đối tượng. Theo đó, yêu cầu chính quyền địa phương xã, phường tiếp nhận và thẩm định 3 nhóm đối tượng, lập danh sách niêm yết công khai tại xã, phường, có biên bản công khai và ghi chép các phản ánh của nhân dân về tính hợp lệ, hợp lý của người được hỗ trợ.

Minh Trang/Chinhphu