Ăn miếng trả miếng ngoại giao với CH Séc, Nga thêm thù bớt bạn?

Thứ ba, 20/04/2021 - 08:42

Nga có thể sẽ mất một trong những đối tác thân cận nhất ở châu Âu khi các chính trị gia ở Cộng hòa Séc cuối cùng cũng “quay lưng” với Moscow.

Bằng việc đổ lỗi cho Nga về vụ nổ chết người năm 2014 và quyết định trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga, các nhà lãnh đạo ở Praha đã nhấn mạnh những lo ngại ngày càng gia tăng của phương Tây về các cáo buộc tấn công mạng và can thiệp bầu cử Mỹ, việc Nga điều động quân đội tới biên giới Ukraine và vụ việc liên quan đến nhân vật đối lập Alexey Navalny.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Séc Zeman. Ảnh: Prague Business Journal

Những lời cáo buộc này là tín hiệu về sự chuyển hướng trong chính sách ngoại giao vốn gây chia rẽ ở đất nước mà Nga tận dụng để gia tăng ảnh hưởng giữa các thành viên NATO và Liên minh châu ÂU. Dù các thời chính phủ ở Séc thường “gắn bó” với các đồng minh truyền thống, thì Tổng thống Milos Zeman lại là một trong những chính khách nổi bật ở châu Âu có xu hướng thắt chặt quan hệ với Nga và Trung Quốc hơn kể từ khi lên nắm quyền năm 2013.

Ông Zeman thậm chí còn chỉ trích các nỗ lực của Mỹ và EU khi muốn trừng phạt Tổng thống Putin vì vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine cũng như vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh. Tuy nhiên, trong một động thái hiếm hoi, ông Zeman đã đứng về phía các chính trị gia khác ở Séc, chống lại Nga.

“Tổng thống đã nhận được tất cả mọi thông tin. Các đại diện hiến pháp cao nhất cũng đang có những hành động phối hợp”, người phát ngôn của Tổng thống, ông Jiri Ovcacek cho biết trên Twitter.

Thủ tướng Séc Andrej Babis nói rằng, chính phủ đã có sự ủng hộ “tuyệt đối” từ Tổng thống.

Đòn ngoại giao ăn miếng trả miếng

Séc đã trục xuất 18 nhà ngoại giao – con số chưa từng thấy – sau khi cáo buộc các đặc vụ Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) có liên quan tới vụ nổ hồi tháng 10/2014 ở một nhà kho vũ khí tại khu vực Đông Nam của nước này, khiến 2 người thiệt mạng và hàng trăm người ở các ngôi làng lân cận phải sơ tán. Chính phủ Séc cũng cho rằng, những người liên quan tới vụ nổ này cũng có mối liên quan tới vụ ám sát điệp viên Nga Skirpal năm 2018.

Nga bác bỏ các cáo buộc nêu trên và đáp trả mạnh tay hơn bằng quyết định trục xuất 20 nhà ngoại giao Séc, nhiều hơn Séc 2 người và cho ít thời gian hơn để rời đi.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Séc đang cố “làm hài lòng Mỹ” và đang “làm quá” với các vấn đề đối ngoại của chính mình.

CH Séc lâu nay được xem như một đối tác thân cận của Nga, bất kể quan điểm của người Séc về Nga vẫn khá tiêu cực vì cho rằng Liên Xô đã cản bước Praha tiến tới sự thịnh vượng phương Tây suốt 4 thập kỷ.

Ngoại trưởng Jan Hamacek tuần trước đã đề xuất tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin tại Praha nhằm xoa dịu căng thẳng giữa 2 nước, nhưng hiện giờ cơ hội để điều đó xảy ra là rất mong manh.

“Chúng ta phải loại bỏ tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga trong không gian kinh tế, chính trị và văn hóa của Séc”, Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil nói ngày 18/4.

Bước chuyển lớn này có thể sẽ là một vấn đề với Tổng thống Zeman. Ông từng thúc đẩy mối quan hệ với Nga suốt gần 1 thập kỷ qua, gần đây nhất là kêu gọi tăng cường đầu tư của Nga vào Séc, cũng như kêu gọi nước này sớm phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga, dù loại vaccine này vẫn chưa được các cơ quan chức năng của Liên minh châu Âu phê duyệt.

Đòn mạnh vào mối quan hệ Séc-Nga

Tổng thống đã phê chuẩn việc sa thải Bộ trưởng Y tế Jan Blatny đầu tháng này sau khi cáo buộc ông này đang khiến nhiều người Séc tử vong vì Covi-19 khi từ chối sử dụng các vaccine của Nga và Trung Quốc.

Những cáo buộc của Séc đối với Nga cũng sẽ có tác động đáng kể trong việc hợp tác kinh doanh giữa 2 nước. Dù Tổng thống Zeman thường công khai ủng hộ các công ty Nga tham gia vào dự án mở rộng nhà máy điện hạt nhân Dukovany trị giá 7 tỷ USD, nhưng các chính trị gia Séc hiện nay đều nhận định, gần như chắc chắn Nga sẽ bị loại khỏi dự án này trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao hiện nay.

Ngay sau khi Thủ tướng Babis đưa ra những cáo buộc đối với Nga hôm 17/4, cảnh sát Séc cho biết họ đang tìm kiếm 2 người đàn ông đã từng ở Séc vào thời gian xảy ra vụ nổ chết người năm 2014. Hai người này sử dụng hộ chiếu Nga, với những cái tên mà cảnh sát Anh cho là có liên quan đến các đặc vụ GRU đã đầu độc điệp viên Skripal 4 năm sau đó.

“Đây là một đòn khá mạnh vào mối quan hệ Séc-Nga. Nga giờ sẽ tìm cách để bảo vệ chính mình”, Tomas Pojar, cựu nhà ngoại giao Séc nói với Bloomberg qua điện thoại./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)Theo Bloomberg