Ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mạng xã hội đến công tác xây dựng Đảng về tư tưởng của Đảng ta

Thứ năm, 06/03/2025 - 09:00

Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết mọi lĩnh vực, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của con người, ngày càng can thiệp sâu rộng vào đời sống chính trị của nhiều quốc gia. Đặt ra nhiều thách thức đối với công tác xây dựng Đảng về tư tưởng trong tình hình hiện nay, đòi hỏi sự đổi mới quyết liệt để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Đảng ta cần chủ động đổi mới, tận dụng công nghệ hiện đại, củng cố hệ thống tư tưởng và giáo dục chính trị trong toàn Đảng và nhân dân.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0; cách mạng khoa học công nghệ; mạng xã hội; công tác xây dựng Đảng về tư tưởng; toàn cầu hóa; chuyển đổi số quốc gia; kinh tế số; kỷ nguyên mới của dân tộc; vốn dữ liệu; sự đa dạng trong quan điểm và tư tưởng; thông tin trái chiều; dư luận xã hội; nhiệm vụ cấp bách của Đảng;

MỞ ĐẦU

Trong tình hình mới, cách mạng khoa học công nghệ hiện đại – cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; toàn cầu hóa và kinh tế tri thức ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau, thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất toàn cầu. Sự tác động này ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của mọi quốc gia, dân tộc. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học; cuộc cách mạng này làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc và tương tác theo quy mô và tốc độ chưa từng thấy. Từ đó, năng suất lao động tăng, kinh tế tăng trưởng, kết nối các cộng đồng và đóng góp chung vào nền văn minh nhân loại.

Đại hội XIII của Đảng nhận định: "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc"[1].

1. Sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mạng xã hội hiện nay

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu sự bùng nổ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data), công nghệ in 3D và công nghệ sinh học. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết mọi lĩnh vực, từ sản xuất, y tế, giáo dục đến giải trí, thương mại và đời sống xã hội. Với sự kết hợp các công nghệ này, các quy trình sản xuất, dịch vụ và quản lý được tự động hóa, giúp tăng hiệu suất và giảm chi phí. Đồng thời, người tiêu dùng và doanh nghiệp có khả năng tiếp cận thông tin và các dịch vụ trên quy mô toàn cầu dễ dàng hơn bao giờ hết.

Mạng xã hội cũng phát triển song song với cách mạng công nghiệp 4.0, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của con người. Các nền tảng như Facebook, Twitter, Instagram, TikTok và LinkedIn đã thu hút hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới. Mạng xã hội không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là nơi để mọi người chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, và bày tỏ ý kiến. Mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong thương mại điện tử, quảng cáo, tuyển dụng, và thậm chí cả trong các hoạt động chính trị.

Năm 2020, Việt Nam thực hiện: "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030", góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho Việt Nam đón bắt, tranh thủ đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Và đây cũng là điều kiện thuận lợi, là thời cơ lớn để chúng ta đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng về tư tưởng.

Trong điều kiện phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra vấn đề xem nhẹ nhân tố con người, buông lỏng giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với sự ra đời các công nghệ mới, tự động hóa và robot thay cho công nhân, người máy thông minh làm việc 24/24 giờ, không cần trả lương, không đóng thuế…đe dọa trực tiếp đến tương quan sử dụng lao động, đó là người thật hay người máy, thì những dự đoán rằng khái niệm "bóc lột" sẽ không còn và cũng không còn giai cấp công nhân làm thuê nữa có vẻ như có "cơ sở khoa học". Những vấn đề lý luận căn bản bị thách đố nghiêm trọn về tính cách mạng và khoa học. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo thêm điều kiện vật chất và khoa học công nghệ cho sự phát triển của mạng xã hội, nảy sinh và phát triển những khó khăn và phức tạp mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân và đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đó là sự tác động đến quyền riêng tư và an ninh, như thông tin cá nhân của người dùng dễ bị lạm dụng hoặc xâm phạm khi các nền tảng mạng xã hội và hệ thống công nghệ chưa có biện pháp bảo mật mạnh mẽ. Sự lan truyền thông tin sai lệch, tin giả lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người dân, đặc biệt trong các vấn đề chính trị, y tế và xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội và các công nghệ 4.0 có thể khiến con người phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị điện tử, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý và xã hội.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ thông tin cao nhất thế giới. Trong thời gian tới, không gian mạng sẽ tiếp tục phát triển, các thế lực thù địch ngày càng lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Mạng xã hội ngày càng có sức mạnh can thiệp sâu rộng vào đời sống chính trị của nhiều quốc gia. Điều đó cho thấy tính chất nguy hiểm của mạng xã hội đối với an ninh, an toàn và chủ quyền quốc gia. Đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác xây dựng Đảng về tư tưởng trong tình hình hiện nay.

2. Ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mạng xã hội đến công tác xây dựng Đảng về tư tưởng ở nước ta hiện nay

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số đã tạo ra môi trường truyền thông mới. Cùng với đó, mạng xã hội đã thay đổi cách thức thông tin và tương tác của con người, tác động lớn đến tư tưởng, văn hóa, lối sống, và tạo nên những thách thức cho công tác xây dựng Đảng về tư tưởng của Việt Nam.

Trước đây, thông tin chủ yếu do các cơ quan báo chí truyền thống kiểm soát và truyền tải. Hiện nay, mạng xã hội cho phép mọi người tự do tiếp cận và chia sẻ thông tin một cách dễ dàng. Việc tiếp cận thông tin không còn bị giới hạn, thay vào đó, mạng internet và các nền tảng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, và TikTok đã cung cấp một không gian mở, nơi mà mọi cá nhân, tổ chức đều có thể tự do chia sẻ và truy cập thông tin. Dẫn đến sự đa dạng trong quan điểm và tư tưởng, bao gồm cả những tư tưởng trái chiều và không lành mạnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của người dân.

Mạng xã hội là môi trường dễ bị lợi dụng để phát tán thông tin sai lệch, tin giả, các quan điểm phản động và chống đối Đảng, Nhà nước. Mạng xã hội cho phép mọi người chia sẻ thông tin chỉ bằng một vài cái nhấp chuột, khiến các tin tức hoặc quan điểm lan truyền với tốc độ rất nhanh. Thông tin, dù là sai lệch, cũng có thể dễ dàng tiếp cận một lượng lớn người trong thời gian ngắn. Những nội dung này có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức của quần chúng, gây hoang mang và mất niềm tin, có thể dẫn đến chia rẽ xã hội và làm giảm hiệu quả trong công tác nắm bắt tư tưởng quan điểm của người dân; giảm chất lượng trong việc quản lý xã hội; làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 khiến cho các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống dễ bị xâm lấn bởi lối sống thực dụng, cá nhân hóa và xu hướng toàn cầu hóa. Đặc biệt, giới trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi các xu hướng mới từ nước ngoài, từ đó làm phai nhạt dần giá trị, tư tưởng chính thống. Những giá trị truyền thống, tư tưởng, và quan điểm cốt lõi trong văn hóa, lịch sử, và chính trị của đất nước dễ bị lãng quên. Dẫn đến mất đi bản sắc văn hóa và sự gắn kết cộng đồng, giảm lòng tin và niềm tự hào dân tộc, tăng nguy cơ mất ổn định xã hội do sự lấn át của tư tưởng cá nhân hóa, lối sống thực dụng, và xu hướng tiêu cực dễ dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội khi mỗi cá nhân không còn quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng.

Đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi mạnh mẽ từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội. Đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới tư duy, đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, bảo vệ vững chắc hệ tư tưởng chính trị của Đảng. Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đã thay đổi căn bản cách thức hoạt động, quản lý và tương tác của các tổ chức. Để theo kịp xu thế này, Đảng ta phải chuyển mình, đổi mới trong cách thức lãnh đạo, quản lý và áp dụng công nghệ vào công tác xây dựng Đảng. Sự phổ biến của mạng xã hội và internet khiến thông tin trở nên đa chiều, phong phú nhưng cũng khó kiểm soát hơn. Đây là thách thức lớn đối với công tác tư tưởng, tuyên truyền của Đảng, đặc biệt là trong việc bảo vệ hệ tư tưởng chính trị của đất nước. Trong bối cảnh hiện đại hóa, người dân ngày càng có nhu cầu về sự minh bạch, công khai và hiệu quả trong quản lý nhà nước. Điều này đòi hỏi Đảng cần đổi mới trong công tác lãnh đạo, nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng. Kinh tế thị trường và hội nhập đòi hỏi sự cạnh tranh cao, yêu cầu các tổ chức phải linh hoạt và chuyên nghiệp hơn. Đảng cũng phải thích nghi, thay đổi để bảo đảm rằng hệ thống chính trị và quản lý xã hội đáp ứng được các yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích dân tộc trong bối cảnh toàn cầu.

3. Nhiệm vụ cấp bách được đặt ra trong công tác Xây dựng Đảng về tư tưởng của Việt Nam trong giai đoạn mới

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn và đòi hỏi sự đổi mới quyết liệt để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Cuộc cách mạng công nghệ này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn tác động sâu rộng đến lĩnh vực tư tưởng. Trước tình hình đó, các nhiệm vụ cấp bách trong công tác Xây dựng Đảng về tư tưởng được xác định:

Thứ nhất, giữ vững và củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng. Bảo vệ và phát huy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là nền tảng lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảm bảo các giá trị này được phân tích, truyền bá đầy đủ, đúng đắn, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, tăng cường giáo dục lý luận chính trị để xây dựng nền tảng tư tưởng vững chắc, củng cố tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Thứ hai, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái trên không gian mạng. Tận dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và phản biện thông tin để xây dựng các hệ thống theo dõi, giám sát thông tin, phát hiện kịp thời các quan điểm sai lệch, phản động trên không gian mạng. Các công cụ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ Đảng ta trong việc nhận diện và xử lý những luồng thông tin tiêu cực. Đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về tuyên truyền, đấu tranh tư tưởng. Xây dựng một lực lượng chuyên sâu, có khả năng phân tích và phản bác các quan điểm sai trái, sử dụng thành thạo các công cụ mạng xã hội để truyền bá các thông tin chính xác, xây dựng niềm tin trong nhân dân.

Thứ ba, đổi mới phương thức tuyên truyền. Ứng dụng công nghệ số và truyền thông đa phương tiện, tận dụng các nền tảng mạng xã hội, các phương tiện truyền thông hiện đại như video ngắn, đồ họa thông tin để tuyên truyền các giá trị tư tưởng của Đảng. Đổi mới phương thức tuyên truyền giúp thu hút giới trẻ và các tầng lớp xã hội khác. Phát triển nội dung sáng tạo, dễ tiếp cận để phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ; các nội dung tuyên truyền ngắn gọn, trực quan, dễ tiếp cận, phù hợp với thói quen của người dùng hiện nay.

Thứ tư, tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cho thế hệ trẻ. Luôn đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị để nâng cao hiệu quả đối với người học. Các chương trình giáo dục này không chỉ mang tính lý luận mà còn cần phong phú về các hoạt động thực tiễn, giúp quần chúng nhân dân hiểu và trân trọng các giá trị của dân tộc. Tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị gắn liền với đời sống số, các hoạt động như hội thảo, tọa đàm online, các diễn đàn tư tưởng có thể giúp thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu rõ hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng trong môi trường mạng.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác phòng, chống các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, giám sát nội bộ, cần có các công cụ và biện pháp theo dõi, giám sát tư tưởng của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trên các nền tảng công nghệ số, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện lệch lạc. Tăng cường kỷ luật và răn đe đối với các hành vi vi phạm, cần xử lý nghiêm minh, duy trì kỷ luật trong toàn Đảng toàn quân toàn dân.

Thứ sáu, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, hiểu biết về công nghệ. Nâng cao năng lực chuyên môn và tư duy đổi mới, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng cần được đào tạo bài bản, có khả năng phân tích thông tin hiện đại, am hiểu công nghệ và có kỹ năng phản biện sắc bén. Tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên tiếp cận, sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ mới để cập nhật, phân tích và phản bác các thông tin sai lệch trên không gian mạng.

Thứ bảy, tăng cường phối hợp với truyền thông và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò của truyền thông chính thống. Các kênh truyền thông của Đảng và Nhà nước cần trở thành nguồn thông tin chính thống, định hướng dư luận và xây dựng niềm tin cho nhân dân. Huy động sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội, kết hợp với các tổ chức Đoàn, Hội để đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tư tưởng chính trị, tuyên truyền và giáo dục tư tưởng tới các tầng lớp xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ.

KẾT LUẬN

Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội lớn nhưng cũng tạo ra không ít thách thức đối với công tác xây dựng Đảng về tư tưởng. Để bảo vệ và phát huy hệ tư tưởng chính trị, Đảng ta cần chủ động đổi mới, tận dụng công nghệ hiện đại, củng cố hệ thống tư tưởng và giáo dục chính trị trong toàn Đảng và nhân dân. Thông qua những nhiệm vụ cấp bách này, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng có thể thích ứng với sự phát triển của thời đại, xây dựng niềm tin bền vững và sự đoàn kết trong cộng đồng. Trong giai đoạn mới, Đảng ta cần có các biện pháp cụ thể, linh hoạt, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, đảm bảo niềm tin của quần chúng và củng cố nền tảng tư tưởng vững mạnh cho sự phát triển bền vững của đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I.

2.  Nguyễn Thanh Dũng: Xây dựng đảng về tư tưởng trong tình hình mới, những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách; Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022.

3.  https://vietnamnet.vn/

4. https://www.tapchicongsan.org.vn/


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.106.

ThS Hồ Thị Mỹ Tình

GV Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị TP Đà Nẵng