1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Mạng xã hội không chỉ là công cụ giúp kết nối mọi người mà còn là một diễn đàn quan trọng cho việc trao đổi và hình thành quan điểm, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị. Trong đó, sinh viên là nhóm người chiếm tỉ lệ lớn trong số người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt nhạy cảm và có phản ứng mạnh mẽ với các luồng thông tin chính trị trực tuyến. Điều này làm cho họ trở thành mục tiêu chiến lược trong các chiến dịch tuyên truyền và ảnh hưởng chính trị mà chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhắm vào Việt Nam.
Theo “Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam”, “diễn biến hòa bình” là “chiến lược cơ bản của các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự” [4]. Mạng xã hội, với khả năng lan tỏa thông tin nhanh chóng và rộng khắp, đã trở thành một công cụ quan trọng cho các hoạt động chống phá này. Chiến lược “diễn biến hòa bình” lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền nhằm “can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam” [1].Các chiến lược này bao gồm việc phát
tán thông tin sai lệch, xây dựng các luận điệu chống phá hoặc tạo ra những nhận thức tích cực trong sinh viên về các chính sách hoặc hệ thống chính trị thay thế, bao gồm cả việc sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để ảnh hưởng đến dư luận và tâm lý công chúng. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách thức mạng xã hội ảnh hưởng đến quan điểm chính trị của sinh viên và các biện pháp cần thiết để củng cố nhận thức và tinh thần yêu nước trong giai đoạn hiện nay.
Bài viết này tập trung vào việc tìm hiểu sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến quan điểm chính trị của sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đề xuất các kiến giải nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng trước sự xâm nhập của tư tưởng thù địch. Việc nghiên cứu này không chỉ là yếu tố cần thiết để hiểu rõ hơn về tác động của mạng xã hội đối với tư tưởng chính trị của sinh viên mà còn góp phần vào công tác xây dựng và hoàn thiện các chính sách trong lĩnh vực thông tin và giáo dục, nhằm đảm bảo ổn định và phát triển bền vững đất nước.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tình hình sử dụng mạng xã hội của sinh viên Việt Nam hiện nay
Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác [2]. Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok… đã tạo ra một không gian mới cho việc kết nối, giao lưu và chia sẻ thông tin. Mạng xã hội ngày càng chiếm phần lớn thời gian và sự chú ý của người dân, đặc biệt là sinh viên. Ngoài việc sử dụng mạng xã hội cho mục đích giải trí và kết nối, sinh viên cũng sử dụng chúng cho các mục đích giáo dục và thông tin. Họ cập nhật tin tức, thảo luận về các sự kiện trong đời sống xã hội, tham gia vào các nhóm thảo luận với các chủ đề từ học thuật đến chính trị. Sự tương tác này không chỉ giúp sinh viên mở rộng kiến thức mà còn phát triển kỹ năng phân tích và phê bình.
Theo một nghiên cứu thống kê năm 2014, 99% sinh viên Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội, với Facebook là nền tảng phổ biến nhất, chiếm đến 86,6% trong số đó [3]. Mức độ sử dụng này phản ánh sự ưu tiên trong lựa chọn nền tảng cho phép tương tác cao và phát triển sớm trên mạng di động, giúp sinh viên không chỉ giải trí mà còn tham gia vào các hoạt động xã hội và chính trị một cách tích cực. Theo dữ liệu của DataReportal, tính đến tháng 1 năm 2024, có 72,7 triệu tài khoản người dùng mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, dữ liệu được công bố cho thấy có 72,55 triệu người sử dụng mạng xã hội ở độ tuổi từ 18 trở lên tại Việt Nam đầu năm 2024, tương đương với 99,2% dân số từ 18 tuổi trở lên vào thời điểm đó. Tuy nhiên, số liệu này tập trung lớn vào hai nhóm tuổi: nhóm 18-24 tuổi và nhóm 25-34 tuổi và chiếm gần 60% lượng người sử dụng mạng xã hội vào tháng 1 năm 2024 [5]. Cho thấy, sinh viên cũng nằm trong nhóm tuổi sử dụng mạng xã hội nhiều nhất nước ta hiện nay.
2.2. Mối quan hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội với quan điểm chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay
Như đã nói ở trên, sự thông thạo mạng xã hội của sinh viên không chỉ giúp họ kết nối với bạn bè và gia đình mà còn mở ra một cánh cửa mới để họ tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị và xã hội một cách tích cực. Các nền tảng này trở thành diễn đàn cho sinh viên bày tỏ quan điểm, phản ứng với các sự kiện hiện tại và là nơi hình thành và củng cố ý thức chính trị cá nhân. Thông qua các cuộc thảo luận và chia sẻ trên mạng xã hội, sinh viên có thể tiếp cận với một lượng lớn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, từ đó giúp họ phát triển khả năng phân tích và đánh giá thông tin một cách đa dạng. Điều này cần đặc biệt lưu ý trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin sai lệch và tuyên truyền đang ngày càng trở nên phổ biến. Các cuộc thảo luận này không chỉ giới hạn ở môi trường trong nước mà còn vượt ra ngoài biên giới, cho phép sinh viên tiếp xúc và tham gia vào các chủ đề chính trị toàn cầu, từ đó mở rộng hiểu biết và nhận thức của họ về các vấn đề quốc tế.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng mang lại những thách thức to lớn. Các thế lực thù địch thường khai thác mạng xã hội như một kênh thông tin đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ và sinh viên, những thông tin và tư tưởng bịa đặt, sai lệch hoặc những thông tin “nói thật” một chiều, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội. Thông qua việc tạo lập các nhóm, trang, hay thậm chí là các sự kiện giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội, họ không chỉ tạo ra các cuộc thảo luận với luận điệu lập lờ một cách có chủ đích mà còn nhắm đến việc khuếch trương quan điểm lệch lạc và những khuynh hướng xã hội “dân chủ” kiểu Mỹ và phương Tây hòng làm cho người đọc thấy hoài nghi về “xã hội Việt Nam” và mơ tưởng về một “xã hội khác” được cổ xúy là tốt đẹp hơn. Chúng tuyên truyền xuyên tạc nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động xuyên tạc lịch sử; thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội và công an… Việc tiếp xúc quá nhiều với thông tin có thể dẫn đến việc sinh viên cảm thấy choáng ngợp bởi lượng thông tin khổng lồ mà không thể xử lý hoặc phân biệt đâu là thông tin chính xác.
Thực tế cho thấy mối tương quan đáng kể giữa mức độ tiếp xúc của sinh viên với các nội dung chính trị trên mạng xã hội và sự thay đổi trong quan điểm chính trị của họ. Cụ thể, xuất hiện sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm sinh viên: Nhóm sinh viên có tiếp xúc thường xuyên với các nội dung chính trị tích cực lại thường có xu hướng củng cố niềm tin vào lý tưởng và giá trị quốc gia, đồng thời thể hiện thái độ cảnh giác cao đối với thông tin thù địch; Trong khi đó, nhóm sinh viên tiếp xúc nhiều với nội dung chính trị tiêu cực và sai lệch lại thường dễ bị dao động lập trường tư tưởng và thậm chí ủng hộ các quan điểm chống chính quyền hiện hành. Điều này, không chỉ tạo ra thách thức trong việc xác định và đối phó với thông tin sai lệch mà còn đòi hỏi một nền giáo dục truyền thông và tư duy phản biện mạnh mẽ trong sinh viên để họ có thể đánh giá và tiếp nhận thông tin một cách chính xác và có trách nhiệm.
Vậy, để giải quyết những vấn đề này và tận dụng tốt hơn các lợi ích mà mạng xã hội mang lại, cần có sự can thiệp từ các cơ quan giáo dục và chính quyền. Các chương trình giáo dục cần được thiết kế để nâng cao nhận thức về thông tin và dạy sinh viên cách phân tích phê phán thông tin. Hơn nữa, cần có các chính sách bảo vệ quyền riêng tư và an ninh mạng để đảm bảo rằng sinh viên có thể tham gia vào các hoạt động chính trị một cách an toàn và hiệu quả. Qua đó, mạng xã hội không chỉ là nơi giải trí mà còn là công cụ giáo dục chính trị mạnh mẽ, giúp sinh viên không chỉ phát triển bản thân mà còn có thể góp phần vào sự phát triển của xã hội.
2.3. Vài kiến giải nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên mạng xã hội
Mạng xã hội như một con dao hai lưỡi, một mặt cung cấp không gian cho tự do ngôn luận và thảo luận cởi mở, mặt khác có thể trở thành công cụ đắc lực cho các thế lực thù địch nhằm lan truyền tư tưởng và thông tin sai lệch. Khả năng của mạng xã hội trong việc kết nối người dùng không giới hạn bởi không gian địa lý tạo điều kiện cho sự trao đổi ý tưởng một cách tự do và rộng rãi, nhưng mặt trái của nó là sự phát tán không kiểm soát của các thông tin không chính xác hoặc có tính chất phá hoại. Sự phức tạp của mạng xã hội như một công cụ thông tin đã khiến cho việc định hướng quan điểm chính trị của sinh viên trở nên thách thức hơn. Nhận thức được hai mặt của mạng xã hội trong việc hình thành quan điểm chính trị là điều cần thiết cho cả nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và chính bản thân sinh viên.
Một điều hiển nhiên là biện pháp giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và củng cố nhận thức chính trị của sinh viên, giúp họ phát triển khả năng phân tích và đánh giá thông tin một cách chính xác và độc lập. Hiện nay, nước ta đã đẩy mạnh việc giáo dục chính trị cho các lứa tuổi từ học sinh đến sinh viên làm tăng khả năng nhận thức và phản bác lại các thông tin sai lệch và tuyên truyền thù địch một cách hiệu quả hơn. Những sinh viên này không chỉ hiểu rõ hơn về lịch sử và bối cảnh chính trị của đất nước mà còn được trang bị kỹ năng phản biện, cho phép họ đánh giá thông tin một cách toàn diện và từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, các chương trình giáo dục chính trị cũng đối mặt với thách thức lớn là làm thế nào để những kiến thức này không chỉ giới hạn ở lý thuyết suông. Điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cách tiếp cận giáo dục, trong đó cần nhấn mạnh việc ứng dụng thực tiễn, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào các hoạt động, dự án và thảo luận nhóm nhằm phản ánh sâu sắc hơn về những vấn đề họ đang học. Đồng thời, việc này cũng cần có sự hỗ trợ từ các phương tiện truyền thông, các nền tảng giáo dục trực tuyến và các chuyên gia trong ngành để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp là chính xác, cập nhật và phù hợp với đối tượng người học. Ngoài giáo dục, chúng ta cần kết hợp đồng bộ các biện pháp khác như:
Thứ nhất, tăng cường các chiến lược thông tin và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về mạng xã hội và ảnh hưởng của nó đến quan điểm chính trị.
Thứ hai, thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức giáo dục và các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội để giám sát và quản lý nội dung, nhằm ngăn chặn sự lây lan của thông tin sai lệch và thù địch.
Thứ ba, việc hiểu rõ và đối phó với ảnh hưởng của mạng xã hội đối với quan điểm chính trị của sinh viên không chỉ là nhiệm vụ của một cá nhân hay một tổ chức mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đòi hỏi sự chung tay, góp sức từ mọi ngành nghề và tầng lớp trong xã hội nhằm xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh và đáng tin cậy.
Hiện nay, trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần ra sức uốn nắn những quan điểm lệch lạc, những nhận thức mơ hồ, dao động về tư tưởng, đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội, hữu khuynh và giáo điều, bảo thủ. Đảng và Nhà nước cần thực hiện đồng bộ những giải pháp khác nhau nhằm tăng cường sự kiên định của sinh viên trước những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin và chiến dịch do các thế lực thù địch thực hiện.
3. Kết luận
Trong bối cảnh các thế lực thù địch sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” để gieo rắc tư tưởng phá hoại và làm suy yếu hệ thống chính trị từ bên trong, mạng xã hội đã trở thành một phần của chiến thuật này. Các nền tảng này không chỉ cho phép các thế lực này phát tán thông tin sai lệch mà còn cho phép họ tinh chỉnh thông điệp của mình để phù hợp với từng đối tượng cụ thể, trong đó có sinh viên.
Qua nghiên cứu này, chúng ta thấy rằng sự tiếp xúc liên tục với các thông tin và tư tưởng được tạo ra một cách có mục đích đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cách sinh viên nhận thức và phản ứng với các vấn đề chính trị. Điều này tạo điều kiện cho các thế lực thù địch có thể dễ dàng khuếch đại các vấn đề nhạy cảm và tạo ra sự chia rẽ trong quan điểm chính trị của sinh viên. Trong khuôn khổ chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực này thường nhắm đến việc tạo ra một hình ảnh bi quan, tiêu cực về tình hình đất nước, qua đó làm giảm lòng tin của sinh viên vào Đảng và Nhà nước. Mạng xã hội với tính chất mở và tự do đã trở thành môi trường lý tưởng để thực hiện điều này, khi các bài đăng, bình luận, và chia sẻ có thể lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi mà khó có thể kiểm soát.
Vì vậy, nhận thức về vai trò của mạng xã hội trong chiến lược “diễn biến hòa bình” và sự ảnh hưởng của nó đối với quan điểm chính trị của sinh viên là rất quan trọng để định hình các chính sách giáo dục và truyền thông, nhằm mục đích tăng cường khả năng phân biệt và phản bác lại các thông tin sai lệch và tuyên truyền thù địch trong cộng đồng sinh viên.
------------------------------------------------------------------- TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo chính trị Đại hội XI, https://tulieuvankien. dangcongsan.vn
2. Chính phủ (2013), Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, https://thuvienphapluat.vn
3. Trần Thị Minh Đức, Bùi Thị Hồng Thái (2014), Sử dụng mạng xã hội trong sinh viên Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8(81) - 2014, tr 51.
4. Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 303.
5. We Are Social, Kepios (2024), Báo cáo toàn diện về Digital 2024, https://datareportal.com/reports/digital-2024-vietnam.
Th.s Nguyễn Thị Thơm
Khoa Lý luận Chính trị, Đại học Nguyễn Tất Thành