Hiện nay, toàn cầu hóa là một xu thế khách quan của thời đại. Toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thế giới. Xét về mặt bản chất, đây là một quá trình mà những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau giữa các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới là điều tất yếu. Từ đó tạo ra những thuận lợi để mỗi quốc gia có thể tranh thủ thời cơ để khai thác thúc đẩy sự phát triển. Trong xu thế ấy, không một quốc gia nào có thể đứng biệt lập mà tồn tại và phát triển được.
Đêm nhạc “Tan vào Hà Nội” của nhạc sỹ An Thuyên tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Toàn cầu hóa là cơ hội cho sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc nhất là về kinh tế, kỹ thuật, tạo khả năng giao lưu văn hóa, trí tuệ, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ hiện đại, môi trường thuận lợi hơn cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc của bất kỳ một quốc gia nào. Ngoài ra, mặt trái của nó là dễ làm cho các hiện tượng tiêu cực như tệ nạn ma túy, mại dâm, lối sống suy đồi, chủ nghĩa khủng bố, dịch bệnh, phân biệt giàu nghèo… ngày càng gia tăng.
Thông qua toàn cầu hóa, cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã và đang tác động tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tất cả các hoạt động sản xuất vật chất và tinh thần của con người đều bị chi phối mạnh mẽ. Vì lẽ đó, văn hóa nghệ thuật cũng không thể nằm ngoài sự tác động đó. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều dự đoán cho sự thay đổi trên phạm vi toàn thế giới về xu thế kinh tế, chính trị, xã hội và cả sáng tạo văn hóa nghệ thuật.
Ngày nay, sự kết hợp giữa công nghệ, sự sáng tạo và thưởng thức văn hóa nghệ thuật tạo ra nhiều yếu tố mới trong nghệ thuật biểu diễn (NTBD) của các quốc gia trên toàn thế giới. Ngoài những loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống với các giá trị văn hóa đã định hình mỗi quốc gia, dân tộc sẽ có thêm những loại hình nghệ thuật mới từ bên ngoài thâm nhập vào. Vì toàn cầu hóa là quá trình tất yếu khách quan, nên không một nước nào có thể từ chối. Để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc trên mọi phương diện của đời sống xã hội nói chung và NTBD nói riêng, thì việc nhìn nhận quá trình đó phải được nghiên cứu kỹ càng. Nếu quốc gia nào lựa chọn theo cách “đón nhận hoàn toàn”, thì sẽ lâm vào nguy cơ mà UNESCO gọi là tình trạng đồng phục văn hóa. Điều đó được hình dung như là toàn thế giới sẽ ăn thức ăn nhanh hiệu KFC, Mc Donald, uống Cocacola, xem phim Hollywood... như thế sẽ làm cho đời sống nhân loại trở nên nghèo nàn, đơn điệu. Nếu ứng xử với thái độ “từ chối hoàn toàn” sẽ đưa lại một mối nguy hại đó là khép kín và tự cô lập. Từ chối giao lưu quốc tế chẳng khác nào để một cơ thể sống từ chối trao đổi chất với môi trường xung quanh, chắc chắn nó sẽ dẫn tới diệt vong. Cuối cùng, đón nhận có chọn lọc đang được nhìn nhận là tích cực hơn cả vì với thái độ này, một quốc gia thể hiện ý thức gìn giữ nền tảng do bảo tồn di sản dân tộc, đồng thời có sự ứng xử để thích ứng với xu thế phát triển chung của thế giới
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin tạo ra vô vàn các phương tiện truyền thông mới. Điều đó đã giúp con người vượt qua mọi đường biên giới lãnh thổ để tiếp cận với những thành tựu của loài người, trong đó có lĩnh vực NTBD. Những trào lưu sáng tác, các loại hình nghệ thuật biểu diễn… liên tục được cập nhật trên mạng thông tin của toàn cầu. Vì vậy, chưa bao giờ Việt Nam và nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… lại xuất hiện nhiều trào lưu, loại hình nghệ thuật mới đến vậy, điển hình như: hiphop, jass, rock, rap, múa đương đại, nghệ thuật trình diễn, biểu diễn nghệ thuật đường phố, biểu diễn ngẫu hứng Flashmob…
Các phương tiện truyền thông ngày càng phát triển, khiến quá trình cá nhân hóa được hình thành mạnh mẽ. Các cá nhân trong xã hội sẽ liên tục muốn thể hiện được cái tôi của mình qua cách suy nghĩ, sinh hoạt và hành động. Quá trình cá nhân hóa đang và sẽ thay đổi cơ bản các hình thức và cả phương thức sinh hoạt văn hóa của con người. Bởi, mỗi cá nhân đều có sự lựa chọn hay từ chối những hàng hóa văn hóa, chứ không phải tiêu thụ như thời kỳ thông tin một chiều có tính áp đặt của các phương tiện và quan điểm truyền thông truyền thống. Hơn nữa, sự sáng tạo văn hóa nghệ thuật không còn là đặc quyền của riêng ai, nó trở thành quyền và cơ hội của mọi cá nhân trong xã hội.
Sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta đang là nền tảng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển hoạt động BDNT theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. NTBD phải là lực lượng xung kích, không chỉ phục vụ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, mà ngày càng tham gia trực tiếp và có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chống các thế lực thù địch chống phá chúng ta trên mặt trận tư tưởng, văn hóa nhằm thực hiện âm mưu ‘diễn biến hòa bình” thông qua hoạt động biểu diễn, sản phẩm băng đĩa ca nhạc, sân khấu, truyền thanh, truyền hình, qua mạng Internet, sách báo...
Trình độ dân trí ngày càng phát triển, nhu cầu của khán giả xem biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trực tiếp trên sân khấu và nghe, nhìn trên sóng phát thanh, truyền hình, qua băng đĩa hình và tiếng…càng cao. Tương lai, mức hưởng thụ NTBD của nhân dân cần được cải thiện, giảm dần khoảng cách không gian giữa đô thị và nông thôn, miền núi, vùng xa xôi hẻo lánh. Sự phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường vừa thúc đẩy các nguồn lực cho hoạt động BDNT, nhưng đồng thời xuất hiện những tiêu cực bắt nguồn từ mục đích lợi nhuận, kéo theo việc xem thường giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống đích thực, vi phạm pháp luật
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, NTBD Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí, chức năng bảo tồn và phát triển di sản nghệ thuật truyền thống, thêm vào đó là những loại hình nghệ thuật biểu diễn mới phù hợp; nâng cao chất lượng tác phẩm; thực hiện nhiệm vụ chính trị vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Nguyễn Thế Lợi