Nam Mỹ luôn được xem là cái nôi của thứ bóng đá trình diễn, ngẫu hứng và đậm chất hoang dã, là nơi sản sinh ra những nghệ sỹ sân cỏ tài hoa bậc nhất làng túc cầu. Vùng đất chỉ bao gồm 12 quốc gia ấy lại luôn 'làm mưa làm gió' ở giải đấu lớn nhất hành tinh ngay từ thuở sơ khai.
Tuy nhiên, sự phát triển của bóng đá hiện đại khi mà kết quả cuối cùng mới là yếu tố định đoạt. Các đội tuyển châu Âu dần trở nên 'thực dụng hóa' với lối đá chặt chẽ, khoa học; Không gian chơi bóng ngày càng bị 'bóp nghẹt' khiến những nghệ sỹ sân cỏ không còn 'đất dụng võ' và Nam Mỹ cũng dần đánh mất đi vị thế.
Năm 2002, Selecao của những 'quái kiệt' bóng đá thời bấy giờ như Ronaldo de Lima, Ronaldinho, Rivaldo hay Roberto Carlos kết thúc màn trình diễn thượng hạng trên đất Hàn Quốc - Nhật Bản bằng chiếc Cúp Vàng thế giới.
Đâu có ai ngờ được rằng khi cực thịnh cũng là lúc khởi suy. Từ sau thời điểm Brazil khắc lên ngực áo ngôi sao vàng thứ 5 trước sự mê mẩn, ngưỡng mộ của hàng triệu CĐV trên toàn thế giới ấy lại chính là khởi đầu cho khoảng thời gian 20 năm đằng đẵng người Nam Mỹ mong chờ được lần nữa 'rước' cúp. Đây cũng chính là khoảng thời gian lâu nhất trong lịch sử mà các đại diện Nam Mỹ vắng bóng trên bục nhận giải.
Không thành công dẫn đến việc bị xem thường là điều tất yếu. Khoảng thời gian 20 năm 'trắng tay' là đủ lâu để các đội tuyển đại diện cho Copa America đánh giá thấp mỗi khi bước vào sân chơi cấp châu lục.
Chỉ mới vài tháng trước, Kylian Mbappe trong một buổi phỏng vấn đã cho rằng bóng đá Nam Mỹ không bắt kịp nhịp phát triển ở châu Âu, hay không muốn nói là lạc hậu. Thực tế ở thời điểm ấy, chân sút người Pháp hoàn toàn có cơ sở khi quán quân ở các kỳ World Cup gần nhất đều đến từ 'lục địa già'.
Thậm chí dù Argentina đã 'vùi dập' ĐKVĐ Euro 2020, Italia với 3 bàn không gỡ tại chung kết Finalissima thì đây cũng bị xem là một trận đấu mang tính chất giao hữu không hơn không kém, và rằng Italia đang bước vào giai đoạn thoái trào.
Để rồi La Albiceleste vẫn lầm lũi vươn xa ở World Cup năm nay. Càng vào sâu, Argentina càng đáng sợ, từ đó những ánh nhìn xem nhẹ cũng chuyển sang e dè. Bước vào vòng Knock-out, đoàn quân của HLV Scaloni lần lượt đả bại hai ông lớn châu Âu là Hà Lan và Á quân World Cup 2018 Croatia để giành quyền bước vào trận đấu cuối cùng.
Số phận đã sắp đặt để Argentina của Lionel Messi đối đầu với ĐKVĐ World Cup 2018, đội tuyển Pháp của chính Kylian Mbappe. Argentina không còn đơn giản chiến đấu vì vinh quang của dân tộc, mà họ còn gánh cả niềm tự tôn khu vực trên vai.
Chính Les Bleus mới là đội phải ở trong thế bám đuổi suốt cả thời gian thi đấu chính thức lẫn hiệp phụ của trận đấu trong nơm nớp lo sợ. Dù phải định đoạt kết quả trận đấu bằng loạt luân lưu cân não nhưng Argentina vẫn là đội tỏ ra bản lĩnh hơn.
Chức vô địch một cách đầy thuyết phục của Argentina vừa là một 'dấu chấm' trọn vẹn cho trang sự nghiệp kỳ vĩ của Lionel Messi, vừa mang về chức vô địch World Cup thứ 3 cho người hâm mộ nước nhà mà cũng vừa chấm dứt 'cơn khát' Cúp Vàng kéo dài 20 năm của bóng đá Nam Mỹ.
Video: Argentina 'đè bẹp' ĐKVĐ Euro Italia trong trận chung kết Finalissima
Nguồn: FIFA