Loạt diễn tập hàng hải 2019 này được giới quan sát nhận định là gửi đi tín hiệu về quan ngại chung của các bên tham gia trước các căng thẳng ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (bìa trái) và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo
tại một sự kiện của ASEAN ở Thái Lan năm 2019. Ảnh: Reuters.
ASEAN cần Mỹ như tiên đoán của ông Lý Quang Diệu?
Liên quan đến tương lai cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc ở châu Á, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu lập luận rằng có một sự đồng thuận rộng rãi về chuyện sự hiện diện của Mỹ ở khu vực cần phải được duy trì, và rằng riêng việc Mỹ có mặt ở đây đã tạo ra sự khác biệt, tạo ra hòa bình và ổn định cho khu vực.
Là một lãnh đạo có đầu óc thực tế và sáng suốt, ông Lý nhìn nhận công thức này là thích hợp nhất trong trường hợp tranh chấp Biển Đông, bởi lẽ “Trung Quốc sẽ không để cho một tòa án quốc tế nào đứng ra phân giải các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”. Nhận định này của ông Lý cuối cùng tỏ ra là ứng nghiệm khi Trung Quốc đã dứt khoát chối bỏ phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế tại La Hay hồi năm 2016.
Đối với nhà lãnh đạo Singapore này, giải pháp tốt nhất cho tình trạng thách thức luật pháp quốc tế là để “sức mạnh quân sự Mỹ tiếp tục hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương” nhằm bảo đảm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển được tuân thủ. Nói cách khác, ông Lý Quang Diệu thấy luật quốc tế có hiệu lực chừng nào được bảo đảm bằng sức mạnh hải quân của Mỹ.
Cuộc diễn tập hàng hải Mỹ-ASEAN diễn ra trong bối cảnh này vào tháng 9/2019. Cuộc tập trận kéo dài trong 5 ngày này diễn ra trên một vùng biển rộng, trải dài từ vịnh Bangkok tới Mũi Cà Mau.
Định hướng chiến lược của các cuộc diễn tập như thế này là Biển Đông. Cả Mỹ và ASEAN đều tỏ dấu hiệu muốn kiềm chế tham vọng vô lý của Trung Quốc trên biển.
Đáng lưu ý, một năm trước đó, ASEAN tổ chức một cuộc tập trận tương tự với Trung Quốc. Như vậy, ở đây có sự chủ động của ASEAN trong việc hợp tác linh hoạt để hạn chế sự thái quá của cường quốc mới nổi chứ không hẳn là việc Mỹ tập hợp các nước nhỏ hơn để đối phó với Trung Quốc.
Tránh đối đầu trực diện
Về mặt chính thức, cuộc diễn tập hàng hải ASEAN-Mỹ được tổ chức yên lặng ở mức có thể, nhằm tạo ra giá trị biểu tượng lớn mà không gây ra sự khiêu khích nào.
Cả hai bên đều nhất quyết khẳng định rằng cuộc diễn tập này không nhằm vào bất cứ nước cụ thể nào (ám chỉ Trung Quốc) mà chỉ hỗ trợ cho ngoại giao quân sự cũng như tăng cường khả năng phối hợp trước các mối nguy phi truyền thống.
Cuộc diễn tập do hải quân Thái Lan và Lầu Năm Góc giám sát. Tư lệnh hải quân Thái Lan chỉ rõ rằng các cuộc diễn tập nhằm “huấn luyện các hải quân khu vực trong việc trợ giúp nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai”, còn phía Mỹ nói rằng họ giúp tăng cường hiểu biết về cách hợp tác trong ứng phó với các mối đe dọa an ninh chung.
Các nước ASEAN triển khai tàu hải quân (Singapore, Philippines, Thái Lan, Myanmar) và tàu tuần tra bờ biển (Brunei), còn Indonesia và Malaysia gửi quan sát viên.
Về phần mình, hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục tên lửa dẫn đường Wayne E. Meyer, chiến hạm Montgomery, 3 trực thăng MH-60, và một máy bay tuần tra P-8 Poseidon.
Nội dung công khai của cuộc diễn tập không có gì là tập trận tác chiến khiến Trung Quốc hay một đối thủ khác của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương phải lo ngại.
Đáp lại cuộc “tiến công quyến rũ” của hải quân Trung Quốc
Trong một báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới nhất, Lầu Năm Góc chỉ rõ ra rằng họ đang “ưu tiên các mối quan hệ mới” với Đông Nam Á, tập trung vào “các đối tác chính”, mà theo Mỹ là “nằm ở vị trí trung tâm trong các nỗ lực của họ để bảo đảm hòa bình và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Mặc dù các nước ASEAN chủ chốt như Malaysia, Indonesia, Singapore... không phải là đồng minh chính thức của Mỹ, họ đều nhất trí về “tầm nhìn của khu vực về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, và tập trung vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế thịnh vượng trong vùng”.
Cuộc diễn tập hàng hải năm nay cũng là để đáp lại hoạt động ngoại giao hải quân chủ động của Trung Quốc trong các năm gần đây. Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã thực hiện 2 cuộc tập trận hải quân lớn hoặc với toàn khối ASEAN hoặc với các nước ASEAN chủ chốt.
Đầu tiên vào tháng 8/2018, hải quân Trung Quốc tập trận mô phỏng với các nước trong khu vực ở căn cứ hải quân Changi của Singapore. Các tháng sau đó, Trung Quốc đăng cai cuộc diễn tập hàng hải Trung Quốc-ASEAN ở Trạm Giang, Quảng Đông. Háo hức phô diễn sức mạnh quân sự của mình, hải quân Trung Quốc khi đó đã triển khai các loại tàu tiên tiến như khu trục hạm đa tên lửa Quảng Châu và tàu hộ vệ lớp 054A loại Huangshan.
Chỉ vài tháng trước cuộc diễn tập Mỹ-ASEAN, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thực hiện cuộc diễn tập hàng hải chung 2019 ở Thanh Đảo, nơi tư lệnh hải quân Trung Quốc tự hào tuyên bố rằng đây là một phần trong tầm nhìn của Trung Quốc về “xây dựng cộng đồng hàng hải chung tương lai” với các nước nhỏ hơn.
Thế nhưng ngoại giao hải quân chủ động của Trung Quốc lại luôn song hành với hoạt động quân sự hóa hùng hổ của nước này ở Biển Đông, từ đó lại gây quan ngại cho các nước láng giềng cũng như Mỹ./.
Trung Hiếu/VOV.VN lược dịchTheo National Interest