Ba “gọng kìm” siết ngành xây dựng toàn cầu

Thứ bảy, 12/07/2025 - 10:37

Dưới tác động của chi phí leo thang, vốn vay siết chặt và nhân lực thiếu hụt, ngành xây dựng toàn cầu đang bước vào giai đoạn chuyển mình rõ nét. Báo cáo Savills Impacts 2025 chỉ ra rằng, những thách thức này không chỉ làm chậm tiến độ các dự án mới mà còn buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc mô hình phát triển, tối ưu chi phí và linh hoạt hơn trong chiến lược đầu tư.

Ba “gọng kìm” siết ngành xây dựng toàn cầu- Ảnh 1.

Dù chịu tác động từ các xu hướng toàn cầu, thị trường xây dựng Việt Nam vẫn cho thấy sức bật ấn tượng.

Savills cho biết, tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức hay Singapore, chi phí xây dựng đã tăng vượt cả lạm phát trong suốt giai đoạn 2020–2024. Khủng hoảng logistics, giá vật liệu nhảy múa, tiêu chuẩn ESG ngày càng khắt khe và kỳ vọng mới từ khách thuê, đặc biệt là với các văn phòng cao cấp đang tạo sức ép khổng lồ lên chủ đầu tư.

Chỉ riêng ở Anh, ngành xây dựng chiếm đến 17% tổng số vụ phá sản năm 2024, cao nhất trong mọi ngành nghề. Và dù mức độ ảnh hưởng chưa đồng đều, song ngay cả những thị trường đang phát triển như Malaysia, Ấn Độ cũng bắt đầu cảm nhận rõ áp lực từ chi phí nhân công, thiếu vật liệu và nhu cầu xây dựng bền vững.

Đáng chú ý, cát xây dựng – vật liệu tưởng chừng đơn giản nay lại trở thành “mặt hàng chiến lược”. Chính sách siết khai thác để bảo vệ hệ sinh thái tại nhiều quốc gia đã khiến giá cát tăng mạnh, kéo theo chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng đội lên đáng kể.

Việt Nam: Vượt sóng nhưng vẫn giữ nhịp phát triển

Dù chịu tác động từ các xu hướng toàn cầu, thị trường xây dựng Việt Nam vẫn cho thấy sức bật ấn tượng. Theo Savills, giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội trong quý 1/2025 đã đạt trung bình 79 triệu đồng/m2, tăng tới 32% so với cùng kỳ. Tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ mới tiếp tục khan hiếm, trong khi phân khúc trung – cao cấp chiếm tỷ trọng áp đảo.

Giá nhà thấp tầng tại Hà Nội cũng tăng mạnh: biệt thự tăng trung bình 29%/năm trong 5 năm qua, liền kề tăng 22%/năm. 

Tái cấu trúc toàn ngành

Trong bối cảnh đầy biến động, thị trường đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc sâu. Song, đây cũng là thời điểm mở ra cơ hội cho những nhà phát triển nhạy bén và dám đầu tư dài hạn. Từ giữa 2024, ba đạo luật lớn – Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS được ban hành đồng loạt, hướng đến tháo gỡ nút thắt pháp lý, mở đường cho dòng vốn dài hạn và quy hoạch minh bạch hơn.

Đặc biệt, các dự án đầu tư công quy mô lớn như sân bay Long Thành, vành đai 4 – 5 hay cao tốc Bắc – Nam đang được tăng tốc triển khai. Đây là những “mạch máu” mới mở lối cho phát triển vùng ven, đô thị vệ tinh, nơi quỹ đất dồi dào và chi phí hợp lý hơn.

Trong khi đó, thị trường văn phòng hạng A đạt chuẩn ESG vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Giá thuê tại TP.HCM đã tăng 4%/năm, đạt trung bình 833.000 đồng/m2/tháng, cho thấy khách thuê sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho trải nghiệm cao cấp và bền vững. Mô hình "workcation" – khu nghỉ dưỡng kết hợp làm việc cũng đang được nhiều chủ đầu tư theo đuổi.

Trong cuộc sàng lọc này, lợi thế sẽ nghiêng về các doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, biết tận dụng công nghệ, đầu tư vào chất lượng tài sản và sớm thích ứng với tiêu chuẩn ESG. Những ai chủ động đổi mới, từ cách thiết kế đến mô hình vận hành sẽ có cơ hội vượt qua làn sóng chi phí leo thang và định vị sản phẩm trong phân khúc cao cấp.

Tâm An