Bác Hồ khen đồng bào Thái Bình có sáng kiến "sạch làng tốt ruộng"

Thứ ba, 24/10/2023 - 15:35

TNV - Cách nay 65 năm, ngày 26/10/1958, lần thứ 3 tỉnh Thái Binh Vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Trước trên 4 vạn đại biểu nhân dân tham dự Đại hội nông dân toàn tỉnh phát động sản xuất nông nghiệp vụ Đông - Xuân năm 1958-1959, Bác đã khen đồng bào và cán bộ Thái Bình “ vụ mùa năm nay tốt hơn năm ngoái”, có sáng kiến “sạch làng tốt ruộng”,.. n hưng Bác cũng nhắc “chớ chủ quan, phải thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, chú ý diệt chuột, trừ sâu, phòng bão. Phải chuẩn bị gặt nhanh, gặt tốt, gặt kỹ, chớ để thóc lúa rơi vãi”.

Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam đặt tại Quảng trường thành phố Thái Bình (Ảnh: Internet)

Bác đánh giá cao những thành tích mà quân dân Thái Bình đã đạt được trong kháng chiến, trong công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa. Bác chỉ rõ những ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ, nhân dân Thái Bình. Bác nêu 6 nhiệm vụ trước mắt: Củng cố tổ đổi công và hợp tác xã; việc phục vụ nông nghiệp của cán bộ các ngành, các giới; vấn đề tư tưởng và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân; vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên; vấn đề đoàn kết và tiết kiệm.

Cuối cùng, Bác căn dặn “Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc”.

Hình ảnh Bác Hồ xuống thăm ruộng lúa của bà con nông dân  (Ảnh: Tư liệu)

Trong nhiều năm theo dõi Báo “Thái Bình tiến lên”, Bác đã thưởng Huy hiệu cho 67 người trong phong trào người tốt, việc tốt. Bác khen 41 giáo viên dạy giỏi, 197 học sinh giỏi. Bác hai lần gửi thư khen Hợp tác xã Tân Phong có thành tích đạt năng suất lúa cao, khen Hợp tác xã Nam Hưng (Thái Ninh), Đông Bình Cách (Đông Quan) chăn nuôi trâu bò giỏi, khen Hợp tác xã Hiệp Hòa (Thư Trì) trồng cây giỏi, khen Đội thủy lợi Quang Trung (Vũ Vân, Vũ Tiên) làm thủy lợi giỏi. Bác gửi Tỉnh ủy 3 tấm ảnh có chữ ký của Bác làm phần thưởng. Những lời động viên, căn dặn của Bác chính là động lực để Đảng bộ và nhân dân Thái Bình thêm đoàn kết, thống nhất, tiếp tục giành những thắng lợi mới.

Bác Hồ tự tay xắn quần xuống ruộng sử dụng máy cải tiến cùng nông dân  (Ảnh: Tư liệu)

Nhân dịp tỉnh Thái Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Bình lần thứ ba (ngày 26/10/1958 – 26/10/2023), ThanhnienViet.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài nói chuyện của Bác:

Bác thay mặt Chính phủ, Trung ương Đảng về thăm đồng bào, cán bộ, các cụ và các cháu tỉnh nhà. Trong kháng chiến, đồng bào, bộ đội và cán bộ Thái Bình đã anh dũng đánh giặc. Hoà bình lập lại, đã cố gắng và có thành tích trong công cuộc khôi phục kinh tế và phát triển văn hoá. Như về bình dân học vụ, thị xã Thái Bình và 17 xã 4 huyện đã thanh toán nạn mù chữ, nhưng mới làm xong về căn bản, còn phải cố gắng nữa. Phong trào vệ sinh phòng bệnh cũng khá, cần chú ý đảm bảo sức khoẻ cho dân, có khoẻ mạnh mới sản xuất tốt. Về sản xuất, do cố gắng của đồng bào và cán bộ, vụ mùa năm nay tốt hơn năm ngoái. Tổ đổi công và hợp tác xã có phát triển, cán bộ thì tham gia lao động sản xuất và lãnh đạo sát hơn, lại có sáng kiến như "sạch làng tốt ruộng", như thế là tốt. Nhưng chớ chủ quan, phải thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, chú ý diệt chuột, trừ sâu, phòng bão. Phải chuẩn bị gặt nhanh, gặt tốt, gặt kỹ, chớ để thóc lúa rơi vãi.

Để làm tốt những việc đó, cần phải thực hiện 6 điểm:

1. Củng cố thật tốt các tổ đổi công và hợp tác xã. Phát triển đến đâu, củng cố tốt đến đấy. Xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã cũng như bện cái dây thừng, thừng càng nhiều sợi chắp lại càng mạnh, càng bền, càng tốt, kéo gì cũng nổi. Hiện nay Thái Bình có tổ có 5 hộ, có tổ 15 hộ, như vậy còn nhỏ.

Xây dựng tổ đổi công phải theo nguyên tắc tự nguyện tự giác, không gò ép. Các tổ nhỏ thoả thuận với nhau thành tổ vừa, tổ vừa cũng theo nguyên tắc tự nguyện hợp lại thành tổ lớn, tiến dần lên hợp tác xã.

2. Cán bộ các ngành của Chính phủ và Đảng (tuyên truyền, văn hoá, giáo dục, mậu dịch, ngân hàng, v.v.) đều phải làm tròn nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp, muốn phục vụ tốt phải đi sát xuống nông thôn.

3. Phải đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân. Mọi người phải quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được.

4. Cán bộ lãnh đạo phải nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn dân. Mọi người phải có quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được, quyết tâm ví như nhựa trong cây, nếu nhựa đi từ trong cây ra cành cây thì cây xanh tốt, cành cây nào không có nhựa sẽ bị khô héo, không có lá, có quả. Cán bộ cần làm ruộng thí nghiệm, có rút kinh nghiệm mới thấy cái tốt, cái xấu; cái tốt đồng bào sẽ làm theo. Cán bộ tỉnh, huyện cần sắp xếp thời giờ tham gia sản xuất với đồng bào, phải đi sâu đi sát thực tế, tránh quan liêu tự mãn.

5. Tất cả đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, anh em bộ đội phục viên, chiến sĩ lao động, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng phải làm gương mẫu, làm đầu tàu. Các cụ phụ lão thì ra sức đôn đốc con cháu thi đua.

6. Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết chặt chẽ thành một khối ra sức thi đua.

Trong kháng chiến, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là đánh giặc thực dân, nhờ có đoàn kết, nhất trí chúng ta đã thắng. Hiện nay, nhiệm vụ toàn Đảng, toàn dân là tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hai cái đó phải đi đôi, nếu không thì làm được chừng nào xài hết chừng ấy. Đồng bào Thái Bình tăng gia thì khá, nhưng còn tiết kiệm thì phải đánh dấu hỏi. Đồng bào đã tiết kiệm chưa? Phải tiết kiệm nhiều cái nhỏ thành cái to, như thế là trực tiếp góp phần xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc.

Tất cả đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải vào tổ đổi công, hợp tác xã. Nay còn trên 6.000 đảng viên chưa vào, như vậy là chưa làm tròn nhiệm vụ.

Bác tin đồng bào, cán bộ có thể làm được những điều hứa với Bác. Trong vụ mùa này và vụ chiêm tới, đơn vị nào khá nhất huyện, huyện nào khá nhất tỉnh, sẽ có giải thưởng. Bác gửi lời thăm đồng bào và cán bộ các địa phương.

Niền vui được mùa của nông dân Thái Bình  (Ảnh: Internet)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phong trào cách mạng của địa phương, trong đó có phong trào cách mạng Thái Bình và Thái Bình cũng là tỉnh vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm.

Sáng ngày 26-10-1958, trên 4 vạn đại biểu nhân dân từ cấp xã, huyện, tỉnh đội ngũ chỉnh tề tại sân vận động Thị xã Thái Bình đón Bác. Bác mặc bộ quần áo màu gụ, đầu đội mũ cát, chân đi dép cao su đen, nước da hồng hào, khỏe mạnh. Bác giơ tay vẫy chào, tiếng hoan hô vang lên không ngớt.

Đây là lần thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình nhân dịp Đại hội nông dân toàn tỉnh phát động sản xuất nông nghiệp vụ Đông - Xuân năm 1958-1959. Tại trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh (phường Lê Hồng Phong, Thị xã Thái Bình), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo những công việc của tỉnh đã làm được trong năm 1958. Rời trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh, Bác Hồ đã đến thăm các chuyên gia Trung Quốc tại công trường xây dựng Nhà máy xay, sau đó, Bác tới dự Đại hội nông dân phát động sản xuất nông nghiệp vụ Đông - Xuân tỉnh Thái Bình.

Khắc ghi lời dạy của Người, hơn 65 năm qua và các năm tiếp theo, với truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước và cách mạng kiên cường, với lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tình cảm mà Người đã dành cho Thái Bình, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Lời căn dặn của Người: “Làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

Phạm Quỳnh