Bắc Kạn: Nỗ lực tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động

Thứ năm, 12/08/2021 - 15:29

TNV - Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lớn trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nhiều mặt cuộc sống, trong đó doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tại Việt Nam, công tác phòng, chống dịch bệnh tuy đạt kết quả tích cực, số ca mắc bệnh thấp so với các nước cùng khu vực. Song lĩnh vực lao động, việc làm đã chịu nhiều hệ lụy.

Dịch bệnh Covid 19 bùng phát trở lại, xuất hiện tại các khu công nghiệp đã khiến hàng nghìn người mất việc làm, trong đó có lực lượng lớn lao động của tỉnh Bắc Kạn - tỉnh có số lượng lao động lớn đi làm việc ở các Khu công nghiệp tỉnh ngoài. Trước thực trạng đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn xác định công tác tư vấn giới thiệu việc làm cần phải đi đôi với phòng, chống dịch hiệu quả, an toàn. Tích cực thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm song song với việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Các thị trường được ưu tiên giới thiệu trong giai đoạn này là các thị trường không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bao gồm cả thị trường khôi phục sản xuất sau dịch bệnh và thị trường trong tỉnh. Bộ phận thị trường chủ động và liên tục cập nhật, khai thác thông tin các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, chú trọng những đơn vị tuyển dụng lao động với số lượng nhỏ, lẻ để cung cấp.

Trong quý II/2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Lao động – TBXH tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả. Theo nguồn số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh, trong quý II số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 16.153 người. Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 765 người, bằng 4,74% số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong quý tăng 13,43% so với cùng kỳ năm 2020 (653 người) tăng 71,51% so với quý I/2021 (378 người). Trong đó lao động trong tỉnh 28,1%, số người làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh bị mất việc chiếm tỷ 71,9%. Trong đó nguyên nhân chủ yếu được chia thành 06 nhóm chính cụ thể: Chấm dứt HĐLĐ, HĐLV trước thời hạn chiếm 72,68%; hết hạn làm việc hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao độngchiếm 23,66%; doanh nghiệp tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu chiếm 0,92%; người lao động bị kỷ luật, sa thải chiếm 0,52%. Nguyên nhân khác chiếm 2,2%.

Nghề nghiệp của người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tập trung chủ yếu ở một số nghề như sau: thợ lắp ráp chiếm 58,04% hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đây chủ yếu là công nhân lắp ráp linh kiện điện tử của các tập đoàn lớn như: Sam sung, công ty TNHH ACC, Tạp đoàn Hồng Thái... Tiếp đến là giáo viên dạy nghề chiếm 11,50% số hồ sơ, phần lớn là giáo viên dạy hợp đồng tại các trường học trong tỉnh vào thời gian nghỉ hè và hết hạn hợp đồng, các nghề còn lại như thọ may, thêu, dệt và các thợ có liên quan: 2,22%; kỹ thuật xây dựng:1,83%, nhân viên dịch vụ, bảo vệ 1,31%.

Trong quý II, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Kạn tăng cường các hoạt động thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động, cung, cầu lao động bằng nhiều hình thức thông qua các hoạt động. Thu thập, cập nhật, khai thác thông tin vị trí việc làm trong nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm trong hệ thống toàn quốc, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online phỏng vấn, tuyển dụng trực tuyến, mở các hoạt động giao dịch lưu động; tổ chức các hội nghị tư vấn về pháp luật, lao động, việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước tại trung tâm dịch vụ việc làm với số lao động tham dự hơn 2000 lượt người.

Bên cạnh đó, trung tâm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua môi trường mạng và nền tảng ứng dụng zalo, fabook, đăng tải trên websie, thực hiện các buổi online trực tiếp, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thị trường lao động, tìm kiếm việc mới và duy trì việc làm ổn định cuộc sống. Kết quả, hết tháng 7, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 3.320/6000 người đạt 55,3% kế hoạch năm; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động: 158/600 người đạt 26% kế hoạch. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.982/7.500 người đạt 53,09% kế hoạch; đào tạo nghề được 939/6.000 người đạt 15,7%.

Kết quả khảo sát nhu tuyển dụng các doanh nghiệp trong tỉnh thì nhu cầu tuyển dụng các doanh nghiệp trong tỉnh về trình độ chuyên môn kỹ thuật thì trình độ đại học, trên đại học chiếm 2,94%, tập trung các vị trí như: kế toán, nhân viên chăm sóc khách hàng; cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp chiếm 2,26%. Trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề chiếm 3,62%, với vị trí là công nhân nghề điện, điện dân dụng; người lao động có chứng nhận, chứng chỉ sơ cấp chiếm 2,49%. Lao động phổ thông không có trình độ chuyên môn chiếm 88.69% nhu cầu tuyển dụng, tăng 161,33% so với quý I và tăng 292% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nơi nhu cầu nguồn lao động lớn, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các phương thức kết nối, tư vấn, đào tạo với mong muốn là địa chỉ tin cậy, cầu nối uy tín giữa doanh nghiệp và người lao động.

PV