TNV - Thời gian qua, Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh đã cùng với ngành y tế của Thành phố nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và điều trị cho người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, BS CK II Huỳnh Nguyễn Lộc, người “thuyền trưởng” tài hoa của Viện, đã tiếp nối thành công tư duy “để lại cho mai sau” của các thế hệ lãnh đạo đi trước, không ngừng bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh đa khoa và phục hồi chức năng bằng Y học cổ truyền cho cả khu vực phía Nam, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất.
Hành trình vươn lên
Viện Y Dược học dân tộc thành phố ngoài việc thực hiện chức năng khám, chữa bệnh, còn đảm nhận thêm một số nhiệm vụ quan trọng như: Nghiên cứu khoa học; tuyên truyền, phổ cập những kiến thức y học dân tộc; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Y dược học dân tộc; chỉ đạo tuyến và hỗ trợ Viện Châm cứu Trung ương chỉ đạo, xây dựng phong trào Y dược học dân tộc ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên…
Theo Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc thành phố Huỳnh Nguyễn Lộc cho biết, theo chiều dài của hơn 46 năm hình thành và phát triển, Viện Y Dược học dân tộc thành phố đã không ngừng đầu tư đổi mới, nâng chất hệ thống trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, để mang lại dịch vụ tốt nhất cho bệnh nhân, đặc biệt, đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển Y dược cổ truyền thành nền Đông y hiện đại, kết hợp hài hòa Đông Tây Y, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, vừa hòa nhập với thời đại.
BS CK II Huỳnh Nguyễn Lộc chia sẻ: “Thực hiện chủ trương xây dựng một nền khoa học dân tộc, đại chúng, với phương châm kết hợp chặt chẽ Y học cổ truyền với Y học hiện đại, hành trình hơn 46 năm qua là nỗ lực của bao thế hệ thầy thuốc Viện Y dược học dân tộc thành phố, đã đoàn kết chung tay xây dựng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mang trí tuệ và sáng tạo của mình cống hiến cho sự nghiệp phát triển nền Y, Dược học dân tộc, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta”.
Trong suốt thời gian qua, Viện Y dược học dân tộc thành phố đã kế thừa và phát huy nhân bản của Y đức, Y đạo, Y lý, Y thuật và Y nghệ thuật, bao lớp thế hệ thầy thuốc văn minh, giỏi chuyên môn, giàu nhân ái, mang hết tâm huyết của mình phụng sự nhân dân, với một mục tiêu lớn nhất là sức khỏe và nụ cười của người bệnh, thân nhân người bệnh.
Tư duy để lại cho mai sau
Ngoài trọng trách là Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc thành phố, bằng năng lực chuyên môn, tâm sáng, tầm cao và sự nhạy bén, bản lĩnh của người cán bộ ngành Y, trưởng thành từ phong trào Đoàn, BS CK II Huỳnh Nguyễn Lộc còn đảm nhiệm nhiều chức vụ khác, gồm: Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Châm cứu Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Châm cứu TP Hồ Chí Minh và trên bất cứ cương vị nào, người thuyền trưởng tài hoa ấy luôn sắp xếp thời gian và nỗ lực hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.
Điều đặc biệt ở vị Viện trưởng trẻ tuổi này là đã tiếp nối hiệu quả nhất phương châm “Để lại cho mai sau” của Bác sĩ Trương Thìn, Cố Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc thành phố (1987 - 2004). Tức là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Viện Y dược học dân tộc thành phố không bao giờ dừng lại ở “tư duy nhiệm kỳ” tiêu cực, mà từng thế hệ đi trước phải cố gắng để lại cho đời sau những phương pháp chữa bệnh, bài thuốc, bí quyết điều trị, kinh nghiệm lâm sàng, sách chuyên môn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, hay để lại tấm lòng, tấm gương Y đạo, Y đức sáng ngời… để Viện nói riêng và nền Y dược học dân tộc cả nước nói chung không ngừng phát triển.
Tiếp nối hành trình “Để lại cho mai sau”, bằng tất cả những nỗ lực không ngừng nghỉ của gần 400 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, Viện Y dược học dân tộc thành phố từ năm 2015 đến nay đã để lại những “nền tảng cho tương lai phát triển”, có thể kể đến như: nâng cấp tổ chức Đảng của Viện từ chi bộ cơ sở thành Đảng bộ cơ sở; là đơn vị xuất sắc dẫn đầu điểm quản lý chất lượng trong các bệnh viện Y dược học cổ truyền toàn quốc; xây dựng, đưa vào hoạt động Khu khám và điều trị ban ngày của Viện với quy mô 06 tầng nổi, 01 tầng hầm tại địa chỉ số 275, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 10, quận Phú Nhuận (năm 2021); sửa chữa, cải tạo khối nhà hành chánh quản trị; cải tạo, đưa vào hoạt động 1.000 m 2 khối nhà C4, trang bị đầy đủ các thiết bị thực nghiệm, sản xuất, bào chế thuốc cổ truyền cho Trung tâm ứng dụng Khoa học công nghệ Đông y Đông dược của Viện; trang bị đủ các thiết bị hiện đại, 450 giường di động để phục vụ điều trị nội trú và ngoại trú, 04 xe cấp cứu mới với đầy đủ các tính năng hiện đại gồm máy thở, máy sốc tim, túi dụng cụ cấp cứu; tình nguyện, xung kích tham gia tất cả các hoạt động tuyến đầu chống dịch COVID-19…; đặc biệt, vừa qua, Viện vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng I.
Theo PGS TS BS Tăng Chí Thượng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định: “Trong khoảng hơn một thế kỷ qua, mặc dù tiếp cận với nền y học phương Tây hiện đại, nhưng những tinh hoa của nền Y dược cổ truyền vẫn được gìn giữ và phát triển, mà Viện Y dược học dân tộc thành phố là một điểm sáng của sự kế thừa và phát huy tuyệt vời đó. Với bề dày thành tích và những kinh nghiệm đạt được trong suốt thời gian từ khi thành lập đến nay, Viện Y dược học dân tộc thành phố cần tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu “Phát triển nền y dược học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng”, đặc biệt, xây dựng những tiêu chí cụ thể cho từng nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng, hướng tới trở thành tiêu chuẩn chung cho hệ thống các đơn vị y dược cổ truyền trong cả nước”.
BS CK II Huỳnh Nguyễn Lộc (người áo xanh, đứng phía sau bệnh nhân) cùng tập thể Ban Giám đốc, công chức, viên chức, người lao động Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh thăm hỏi bệnh nhân trong dịp Xuân về.
BS CK II Huỳnh Nguyễn Lộc, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc thành phố, đại diện ban lãnh đạo Viện đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất từ Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi (tháng 01/2022).
Lê Thanh