Sau nhiều ngày trăn trở “thai nghén” trong tâm tưởng, ca khúc “Việt Nam kiên cường thắng dịch” ra đời trong vỡ òa xúc động chen lẫn niềm vui. Anh bảo, “Việt Nam kiên cường thắng dịch” không chỉ là ca khúc truyền lửa, tiếp thêm sức mạnh niềm tin cho người dân yên tâm chống dịch; mà còn là nhịp cầu kết nối triệu triệu trái tim người Việt Nam trên toàn thế giới, chung tay chống dịch covid-19- loại “giặc” vô hình đáng sợ nhất của loài người nửa đầu thế kỷ XXI”. Người viết “Bài ca truyền lửa” ấy là thầy giáo Trần Văn Hợp – giáo viên dạy nhạc ở Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Linh thành phố Vũng Tàu Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu .
Những nốt nhạc tiếp sức mạnh niềm tin
Sau hai ngày 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, anh Hợp nhắn tin cho tôi qua mạng zalo: “Tôi mới sáng tác bài hát Việt Nam kiên cường thắng dịch”. Bao tâm huyết tôi dồn cả vào đây. Bài ca như một sự truyền lửa khơi dậy sức mạnh niềm tin để mọi người dân yên tâm chống dịch. Đây cũng là món quà tinh thần tôi gửi tặng mọi người, chung tay cùng nhau chống dịch covid đang hành hoành ngày càng phức tạp. Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch Covid-19”. Kèm theo lời nhắn là bản nhạc trên giấy và bản phối đã được thu âm với tiêu đề “Việt Nam kiên cường thắng dịch”.
Bản nhạc “Việt Nam kiên cường thắng dịch”
Vốn là người am tường văn chương, tôi “lướt nhanh” một lượt bản nhạc. Những ca từ “Cùng nhau ta chung sức chung lòng, cùng nhau ta vượt qua gian khó. Đẩy lùi covid hiểm nguy, nhà nhà chung sống tự do, nào chung tay bạn nhé” thực sự làm tôi xúc động.
Tôi nhắn tin lại hỏi: “Hợp ơi, bản nhạc này giai điệu theo nhịp 4/4 đúng không? nghe cảm giác tươi sáng hùng mạnh như người lính hành quân ra trận vậy?”. Thầy Hợp nhắn tin lại: “Đúng đó anh. Toàn bộ ca từ trong bài hát là sự kết nối, tập hợp. Giai điệu hùng tráng của nó như lời hiệu triệu thôi thúc mọi người tin tưởng vào quyết sách Đảng, Chính phủ nước nhà, giữ vững niềm tin, yên tâm chống dịch”.
Tôi bắt đầu “nghiền ngẫm” bản nhạc. Vừa hát, vừa cảm nhận, vừa rưng rưng xúc động. Những ca từ “Tổ quốc gọi tên ta cùng đồng lòng, kề vai sát cánh sắt son một lòng, cùng siết chặt tay đánh tan đại dịch, bầu ơi thương lấy bí chung một giàn, Việt Nam mến yêu” thấm vào gan ruột.
Tôi hỏi lý do nào thôi thúc để sáng tác ca khúc “Việt Nam kiên cường thắng dịch”?, thầy giáo Trần Văn Hợp chia sẻ: “Tôi sáng tác ca khúc Việt Nam kiên cường thắng dịch bắt nguồn thôi thúc từ trái tim tôi. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tôi muốn làm một việc gì đó có ích cho động đồng. Ca khúc “Việt Nam kiên cường thắng dịch” không chỉ là ca khúc truyền lửa, tiếp thêm sức mạnh niềm tin cho người dân yên tâm chống dịch; mà còn là nhịp cầu kết nối triệu triệu trái tim người Việt Nam trên toàn thế giới, chung tay chống dịch covid-19. Là một giáo viên dạy nhạc, tôi sáng tác ca khúc này cũng như một món quà tinh thần gửi tới mọi người, để vững tin chống dịch”- thầy Hợp, nói.
Thầy hợp cho biết thêm, để có bài hát “Việt Nam kiên cường thắng dịch”, Thầy phải kết nối với ca sĩ Duy Minh và Vĩnh Hà để “phối” từ xa. “Do dịch covid nguy hiểm và thực hiện giãn cách không thể tập trung, tôi đã chuyển bản nhạc tới ca sĩ Duy Minh để nhờ anh hát. Anh Vĩnh Hà giúp tôi hoà âm. Tất cả đều làm trong thầm lặng “cô đơn”. Cuối cùng bài hát cũng ra đời. Thật xúc động. Những hình ảnh lồng ghép trong bản nhạc làm hiệu ứng cho những ca từ. Nó cũng là hình ảnh thúc dục từ trái tim mọi người chung tay chống dịch”- anh Hợp chia sẻ.
Thầy giáo của niềm đam mê âm nhạc
Thầy giáo Trần Văn Hợp sinh năm 1990. Quê hương xứ Nghệ Hà Tĩnh là nơi “chôn rau cắt rốn” và nuôi dưỡng, ươm mầm tâm hồn lãng tử. Để rồi sau những năm tháng học ở Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, anh trở thành giáo viên dạy nhạc cho các em học sinh.
Chân dung nhạc sĩ- thầy giáo Trần Văn Hợp bản phối bài hát: “Việt Nam kiên cường thắng dịch”
Nhiều năm gắn bó với mái trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Linh TP Vũng Tàu, là ngần ấy thời gian anh truyền tải niềm đam mê âm nhạc đến các em học sinh. Thầy Hợp chia sẻ: “Những kiến thức âm nhạc ở học viện, những kỹ năng âm nhạc học ở ngoài đời, là những “cẩm nang quí giá” nhất tôi đang truyền cho các em học sinh. Âm nhạc bắt nguồn từ niềm đam mê, thì dạy nhạc bắt nguồn từ trái tim yêu nhạc. Tôi dạy nhạc cho các em học sinh cũng bắt nguồn từ trái tim yêu âm nhạc. Niềm đam mê ấy chưa bao giờ vơi cạn”- thầy Hợi phân trần.
Thầy Hợp sáng tác nhiều ca khúc về tình yêu quê hương đất nước. Trong đó ca khúc “Vũng Tàu trong nắng ban mai” khá hay được đồng nghiệp đánh giá là ca khúc sắc sảo về ca từ, mượt mà về giai điệu, có sức sống lâu bền tròng khán, thính giả. “Tôi sáng tác ca khúc “Vũng Tàu trong nắng ban mai” như một sự hàm ơn thành phố biển - quê hương thứ hai của tôi. Nó đã cho tôi sự nghiệp, sinh sống và hạnh phúc bên gia đình”- Hợp chia sẻ.
Mùa dịch covid, ai cũng “rảnh”, còn thầy giáo Hợp thì ngược lại. Những ca từ ấp ủ bao ngày giờ mới có thời gian “toả ra từ não”. Lúc cầm đàn ghita trầm ngâm, khi bên cây đàn piano hào hứng, lúc tĩnh lặng bên ly ca phê một mình nhìn ra khoảng trống xa xăm, đó cũng chính là lúc anh đặt ra câu hỏi: Phải làm gì? Sáng tác thế nào cho “vị nhân sinh” giữa mùa đại dịch. Để rồi sau những “trăn trở” trầm ngâm ấy, những ca khúc “chất lượng cao” viết từ trái tim của người nhạc sĩ trẻ lại ra đời. Ca khúc “Việt Nam kiên cường thắng dịch” là điển hình “ra đời” trong trăn trở, trầm ngâm, chen lẫn tự hào niềm tin mãnh liệt ấy.
Mai Thắng