Bài cuối: Người dân cần, chính quyền đáp ứng

Thứ ba, 08/12/2020 - 08:46

Để không còn nghe người dân, doanh nghiệp phản ánh “rất nhiều dịch vụ tôi cần lại không có”, Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đang hướng đến mục tiêu dịch vụ công nào người dân cần là chính quyền đáp ứng.

Cổng DVCQG chỉ ra… “virus trì trệ”

Từ thực tế thực hiện thủ tục hành chính trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ông Phan Vinh Quang, Giám đốc Công ty MBI cho biết “rất nhiều dịch vụ tôi cần lại không có”.

Ông Quang cho biết khi đi đăng ký mã vạch dịch vụ xuất khẩu cho công ty nhưng không làm được. Trong thời điểm dịch COVID-19, chỉ xin 1 cái mã vạch mà ông Quang mất 2 lần chuyển tiền, 1 lần là chuyển phí, 1 lần phí đăng ký và 2 lần đến mới xin được mã vạch. "Tôi phải chờ mất gần 1 tháng”, ông Quang cho biết.

Dẫn lời Thủ tướng nhắc đến “virus trì trệ”, ông Quang cho rằng, thông qua Cổng DVCQG, doanh nghiệp sẵn sàng chỉ ra đâu, chỗ nào có những con “virus trì trệ”. “Nếu chúng tôi có những kênh như vậy, thì các bộ, ngành sẽ phát hiện ra ngay con virus trì trệ. Đây chính là cách Chính phủ tận dụng chất xám của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Nếu tìm ra con virus này sẽ vượt qua dịch COVID-19 tốt hơn rất nhiều. Doanh nghiệp không cần hỗ trợ tài chính mà chỉ cần giảm thời gian, giảm chi phí tuân thủ”, ông Quang nói.

Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng DVCQG là giải pháp hữu hiệu để “điện tử hóa” thủ tục hành chính. Qua tài khoản Cổng DVCQG, nhân dân và doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính tại tất cả các Bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan.

Việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng DVCQG còn tạo thêm “kênh” giám sát, giúp nhân dân theo dõi được quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng sự tham gia của người dân giữ vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy và nâng cao chất lượng quản trị công trực tuyến.

Tuy nhiên theo cuộc khảo sát trực tuyến của UNDP vào tháng 5/2020, có 37% ý kiến được hỏi cho rằng họ không sử dụng dịch vụ công trực tuyến bởi họ không thể tìm thấy thông tin và cách thức sử dụng dịch vụ này. Trong số những người sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 72% cho biết họ chưa hài lòng vì vẫn phải đi đến cơ quan quản lý nhà nước nộp trực tiếp.

Đóng góp để dịch vụ công thuận tiện hơn cho doanh nghiệp, ở góc độ doanh nghiệp từng trực tiếp tham gia các thủ tục hành chính, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Trực tuyến Công ty cổ phần bán lẻ Kĩ thuật số FPT (FPT Retail) cho biết, dịch vụ công trực tuyến là xu hướng tất yếu nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và giảm thiểu tối đa nạn nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ. Tuy nhiên cần tăng cường các kênh thông tin giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt, sử dụng dễ dàng, thuận tiện các dịch vụ công do nhà nước cung cấp.

Lượng truy cập vào Cổng DVCQG trong 1 năm qua. Đơn vị tính: Triệu lượt

Phó Giám đốc Sở TT&TT (TP Hồ Chí Minh) Võ Thị Trung Trinh nhận định, những hạn chế khiến tỷ lệ người dân và cả doanh nghiệp chưa “mặn mà” với dịch vụ công trực tuyến, là công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, thủ tục chưa thực sự đơn giản, thuận lợi, việc giải quyết hồ sơ nhiều nơi chưa minh bạch. Làm sao để người dân yên tâm rằng hồ sơ nộp trực tuyến vẫn được giải quyết như nộp trực tiếp, được hỗ trợ kịp thời khi thiếu thông tin và tiến độ xử lý được công khai để họ theo dõi - là những yếu tố quan trọng để tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến tăng lên.

Công nghệ phải là công cụ phục vụ cho cải cách

Không phải lúc nào thực hiện dịch vụ công cũng thuận tiện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng từng dẫn chứng một trường hợp đổi bằng lái xe online.

"Một người dân nhắn tin cho tôi với nội dung rằng, thủ tục nộp và trả lời thì nhanh, tuy nhiên, sau 5 ngày phải đến chụp ảnh, nộp hồ sơ bản cứng. Sau đó bộ phận một cửa lại bảo phải sau 5 ngày nữa mới trả kết quả. Tổng là 10 ngày nếu nộp hồ sơ online, trong khi nộp hồ sơ giấy chỉ mất 5 ngày".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh rằng, đây là vấn đề cần giải quyết, không để việc đã nộp online rồi những vẫn phải nộp bản giấy.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) Ngô Hải Phan, ở thời gian đầu, có trường hợp cán bộ đặt thêm ra các quy định làm khó cho doanh nghiệp vì vậy Cổng DVCQG đã thiết kế kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị cũng nhưng đánh giá mức độ hài lòng, kênh theo dõi giám sát quá trình thực hiện thủ tục. Thời gian đầu, đối với dịch vụ thông báo khuyến mại, nhiều địa phương cũng yêu cầu phải nộp thêm hồ sơ giấy. Tuy nhiên, đến nay về cơ bản đã không xuất hiện tình trạng này.

Xây dựng Cổng DVCQG trở thành kênh giao tiếp điện tử hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, bất cứ dịch vụ công nào được đưa lên Cổng DVCQG đều được kiểm soát toàn bộ quy trình thủ tục hành chính xem có thật sự là cải cách, cắt giảm không và thời gian tới sẽ quyết liệt cải cách thực chất hơn.

Hoàn thành kết nối 30% dịch vụ công vào cuối năm 2020

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, cơ quan, địa phương, chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận với những sản phẩm cụ thể về Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, không chỉ đợi đến khi có Cổng DVCQG, từ tháng 4/2019, bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã triển khai đăng ký khám bệnh qua tổng đài và đăng ký khám bệnh qua website của bệnh viện. Tổng đài viên tiếp nhận thông tin nhu cầu khám bệnh của khách hàng và cung cấp lịch hẹn khám bệnh.

Về lợi ích của dịch vụ này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cho biết, đây là dịch vụ giúp khách hàng chủ động đăng ký khám bệnh theo nhu cầu và thời gian mong muốn; kiểm soát và tiết kiệm được thời gian đi lại, không phải xếp hàng chờ đợi lâu và được phục vụ chuyên nghiệp hơn. Khi đến ngày đăng ký theo lịch hẹn, khách hàng sẽ đến quầy đăng ký khám qua tổng đài và website tại khoa khám bệnh theo đúng thông tin đã đăng ký mà không phải chờ đợi lâu.

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với 5 tỉnh Tây Nguyên diễn ra gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá cao dịch vụ này của tỉnh Kon Tum thông qua ứng dụng CNTT để cung cấp dịch vụ cho người dân.

Với mức độ sẵn sàng của các Bộ, ngành, địa phương và ngày càng nhiều dịch vụ công được tích hợp, hiện tại đã có 2.511/6.798 TTHC tại 4 cấp chính quyền được cung cấp, Cổng DVCQG đang hướng đến mục tiêu dịch vụ công nào người dùng cần là chính quyền đáp ứng.

Tại Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ đã tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 106 TTHC thuộc các lĩnh vực trang thiết bị y tế, y dược cổ truyền, an toàn thực phẩm, dược, y tế dự phòng, khám chữa bệnh, môi trường y tế… Đến ngày 15/11/2020 có 1.479 hồ sơ tiếp nhận, xử lý, đồng bộ lên Cổng DVCQG.

Như vậy Bộ Y tế đảm bảo hoàn thành tích hợp, thực hiện 30% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng DVCQG theo chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Các TTHC của Bộ Y tế đều được xem xét, điều chỉnh lại quy trình thực hiện để có thể số hóa, xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu ở khu vực Tây Nguyên khi có chủ trương của Chính phủ trong kết nối với Cổng DVCQG. Đến nay, tỉnh đã triển khai được 173 dịch vụ công trên Cổng DVCQG, những dịch vụ công đã được kết nối đang được triển khai tốt tại địa phương. Tuy nhiên số lượng dịch vụ là chưa nhiều, vì vậy tỉnh Lâm Đồng cam kết đến cuối năm 2020 sẽ đưa được 30% dịch vụ công kết nối với Cổng DVCQG theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Nhà nước đã sẵn sàng, người dân cũng cần sẵn sàng

Tại hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử vào tháng 7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện, làm sao để người dân, doanh nghiệp, tổ chức phải dùng thì Chính phủ điện tử mới thành công.

Để nâng cao hơn nữa việc người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nêu ý kiến: “Nhà nước sẵn sàng thì người dân cũng cần sẵn sàng”. Các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp thì người dân, doanh nghiệp cũng cần sẵn sàng đón nhận, sử dụng những dịch vụ này.

Thường xuyên lắng nghe doanh nghiệp phản ánh về quá trình tương tác với khu vực công, bà Bùi Kim Thùy, Thành viên Hội đồng Cố vấn Harvard-Asia Pacific, đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) cho biết, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG giúp xử lý được số lượng hồ sơ nhiều hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, tạo được nguồn dữ liệu cập nhật kịp thời, theo thời gian thực (real-time) để phục vụ cho việc theo dõi, phân tích chính sách được sẽ sát thực tế hơn.

Theo bà Thùy, điều quan trọng nhất chính là sự "nêu gương/làm gương" của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ trong việc áp dụng Chính phủ điện tử. Ở trên (Trung ương) làm được và làm tốt thì không có lý do gì mà cấp địa phương/cấp cơ sở lại không làm được, theo tinh thần "nêu gương" và Văn phòng Chính phủ đã làm rất tốt việc này.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ 3 giải pháp để cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam. Đó là cần tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, khả năng kết nối Internet của người dân, truyền thông bằng nhiều hình thức, điều này giúp cho những dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với đối tượng phục vụ; cần tăng cường các biện pháp khuyến khích, giảm chi phí cho người sử dụng dịch vụ công, qua đó thay đổi hành vi của người dân nhằm thu hút nhiều người tham gia hơn; cần lắng nghe sự phản hồi của người dùng cũng như nhu cầu thực tế để có những cải cách dịch vụ công trực tuyến phù hợp.

“Nhà nước sẵn sàng thì người dân cũng cần sẵn sàng”, nhưng để người dân sẵn sàng và thay đổi thói quen trực tiếp đến cơ quan Nhà nước để xử lý công việc là một quá trình cần nhiều thời gian và nỗ lực.

Cổng DVCQG không thay thế cho các Trung tâm hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Việc khai trương và vận hành Cổng DVCQG là bổ sung một kênh phục vụ người dân và doanh nghiệp bằng phương thức trực tuyến.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, để Cổng DVCQG trở thành địa chỉ quen thuộc cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan còn cần thực hiện rất nhiều các giải pháp tổng thể, trong đó, chất lượng của Cổng DVCQG, việc nâng cấp, hoàn thiện phải được thực hiện thường xuyên, bao gồm hoàn thiện các tính năng, nâng cấp chất lượng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm chất lượng thông tin cung cấp và tối ưu hóa các trải nghiệm của người dùng.

Tiếp thu tất cả các ý kiến của người dân, doanh nghiệp, đánh giá của các tổ chức trong quá trình vận hành 1 năm qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định, Cổng DVCQG đang là minh chứng để khẳng định phương châm của Chính phủ là “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình cải cách.

Gia Huy-Hoàng Anh/Chinhphu