Đứng trước ngưỡng cửa trăm năm, Việt Nam đang ở điểm khởi đầu mở ra "chương mới" trong kỷ nguyên vươn mình nên rất cần bài trừ chủ nghĩa hưởng thụ, xoá bỏ tận gốc thói xa hoa, phung phí, thực hành tiết kiệm để huy động mọi nguồn lực, mọi lực lượng dốc sức vì sự nghiệp dân thịnh, nước cường.
Từ khoá: chủ nghĩa hưởng thụ, lãng phí, kỷ nguyên vươn mình, Việt Nam.
Kỳ 1: Sự "trỗi dậy" của chủ nghĩa hưởng thụ, lối sống xa hoa, lãng phí
Đứng trước ngưỡng cửa trăm năm, có thể tự hào khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"[1]. Cải cách và mở cửa đã làm cho đất nước "thay da đổi thịt", đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày một cải thiện. Cùng với đó là lối sống hưởng thụ, ham chuộng sự xa hoa, lãng phí không đơn thuần là trào lưu mà dần trở thành thứ "chủ nghĩa"vô cùng độc hại.
Nguy cơ "lún sâu" vào chủ nghĩa hưởng thụ
Theo thống kê, chỉ tính đến tháng Mười năm 2024, "người Việt đã mạnh tay chi gần 150 tỷ đồng cho các sản phẩm túi mù, thú nhồi bông như Labubu và Baby Three"[2]. Và Việt Nam hiện đang trở thành thị trường tỉ đô, ngôi sao đang lên trong tiêu dùng xa xỉ phẩm.
Tác giả đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên đối với 500 trường hợp. Kết quả khá ngạc nhiên khi có đến 78,6% xác nhận bản thân lãng phí trong ăn uống, chỉ có 14,8% có thói quen mang thức ăn thừa về khi đi ăn ở ngoài hàng quán. Họ cho rằng đó là việc làm bất tiện và cảm thấy e ngại, xấu hổ với người xung quanh.


Ngay cả trong việc cưới, xin, tang lễ, nhiều trường hợp không đơn thuần là việc hiếu hỉ mà biến tướng thành dịp để phô trương thanh thế, sự giàu có hay cơ hội tiếp cận, nịnh nọt, bợ đỡ người quyền thế.
Đối với khu vực công, có thể nhận thấy tình trạng lãng phí hiện nay là khá phổ biến. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: "Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp… ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội"[3]. Tình trạng lãng phí trong chi tiêu, sử dụng tài sản công vẫn là vấn đề gây nhức nhối. Con số 70% tiền ngân sách là khoản chi thường xuyên bảo đảm vận hành hệ thống chính trị, hàng ngàn dự án chậm tiến độ hay thống kê "khoảng 1.172.481 ha triệu ha đất chưa đưa vào sử dụng"[4]… là những con số "biết nói" gây choáng váng buộc chúng ta phải đối diện, nhìn thẳng vào sự thật một cách nghiêm túc.
Tư duy nhiệm kỳ chi phối khủng khiếp, để lại nhiều hệ luỵ khôn lường. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý muốn để lại dấu ấn cá nhân bằng các công trình hoành tráng, gây lãng phí nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thói trưởng giả cũng đã len lỏi vào khu vực công với việc "vung tay quá trán" trong hoạt động tiếp khách, tổ chức hội thao, lễ kỷ niệm, hội nghị... Khi tiếp nhận vị trí lãnh đạo, quản lý, họ sẵn sàng thay tài sản cũ bằng tài sản mới mặc dù cái cũ vẫn dùng tốt; họ tạo ra lực lượng phục vụ như lái xe riêng, thư ký riêng dù không nằm trong tiêu chuẩn… Ngoài những biểu hiện dễ nhận diện, còn có các hành vi, biểu hiện của lãng phí rất khó nhận biết như lãng phí cơ hội phát triển, lãng phí thời gian, công sức của tổ chức cá nhân công dân, doanh nghiệp vì thủ tục nhiêu khê, phức tạp; lãng phí tài năng trong khu vực công; lãng phí do hệ thống văn bản điều hành còn nhiều lỗ hổng, chưa hoàn thiện tạo rào cản cho hoạt động thực thi công vụ.
Thêm vào đó, một bộ phận cán bộ, công chức trong sử dụng tài sản công vẫn còn mang nặng tư duy "cha chung không ai khóc". Họ nhắm mắt làm ngơ trước những ánh đèn luôn sáng trong văn phòng, nhưng lại tắt đèn ở nhà khi không có ai xung quanh; bật điều hoà nhưng mở cửa sổ trong phòng làm việc cho thoáng… nhưng nếu là tài sản của mình thì lại sử dụng theo cách tiết kiệm nhất có thể. Nhìn thẳng, nói thật các cơ quan, đơn vị tiếp khách luôn chi vượt định mức và hợp thức hoá bằng việc yêu cầu người tham dự ký vào bảng ký nhận có chừa trống số tiền để đơn vị tổ chức dễ xử lý các khoản phát sinh.
Đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nhưng đủ để buộc chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, bật hồi chuông cảnh báo về sự về sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa hưởng thụ trong giai đoạn hiện nay. Đây không đơn thuần là sự lãng phí mà nguy cơ trở thành "chủ nghĩa", trở thành thước đo, tiêu chuẩn đánh giá con người, đang dần bóp méo giá trị cuộc sống; đã và đang trở thành xu hướng, ăn sâu vào suy nghĩ, lối sống của bộ phận cán bộ, đảng viên, đầu độc Nhân dân. Nó không chỉ lãng phí của cải vật chất mà ngày càng "lên men" làm băng hoại đạo đức xã hội và làm xói mòn tinh thần dân tộc, mai mọt truyền thống tốt đẹp của cha ông ta từ bao đời nay.
Tiết kiệm là lỗi thời, hưởng thụ mới là tân thời?
Nghiêm trọng hơn, tư duy lệch lạc, hành vi sai trái lại được cổ suý, coi đây là lẽ đương nhiên. Lối sống giản dị, tiết kiệm được coi là đi ngược xu hướng, lạc hậu, lỗi thời còn biết hưởng thụ mới là tân thời. Họ cho ràng, tiết kiệm chỉ dành cho nền kinh tế tiểu nông; tiêu dùng, hưởng thụ mới phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại. Đã qua rồi thắt lưng buộc bụng, nhưng đây có phải là thời điểm thích hợp cho thói đua đòi phung phí, thời điểm để hưởng thụ? Để trả lời câu hỏi này cần điểm lại tài sản quốc gia, định vị lại nền kinh tế Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Về tài nguyên, câu nói "Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu" để miêu tả sự rộng lớn, giàu có, trù phú của Việt Nam. Nhưng đong đếm lại, "diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thuộc loại thấp nhất trên thế giới, chỉ 0,25ha, trong khi bình quân trên thế giới là 0,52ha, bình quân trong khu vực là 0,36ha" [5]. Và "diện tích rừng bình quân của Việt Nam mới đạt 0,14ha/người, trong khi bình quân chung của thế giới là 0,97ha/người"[6].
Về kinh tế, không thể phủ nhận so với trước đây, quy mô nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc. GDP bình quân đầu người vào khoảng 4.700 USD, Việt Nam chỉ khiêm tốn xếp vị thứ 120 trên thế giới. Và với con số này, chúng ta tụt hậu 27 năm so với Malaysia và hơn 14 năm so với Thái Lan. Quả thật đau xót khi người Việt đang làm thuê cả trên xứ mình lẫn xứ người và trên bản đồ kinh tế thế giới, chúng ta vẫn rất nhỏ bé. Xin đừng quên, Việt Nam chỉ mới bước chân vào ngưỡng cửa thu nhập trung bình cao và chúng ta chỉ mới ở trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, rõ ràng chúng ta không có nhiều nguồn lực để phung phí, để hưởng thụ mà phải tập trung toàn lực cho phát triển. Đây là thời điểm cần coi trọng sản xuất chứ không phải chú trọng tiêu dùng. Đất nước cần coi thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, bài trừ chủ nghĩa hưởng thụ là hai trụ cột quan trọng, là việc cần phải làm ngay trong giai đoạn hiện nay.
(Còn nữa)
Trương Thị Điệp
Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, "Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII", Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 322.
[2]. Báo cáo của nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử Metric năm 2024.
[3]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t1, tr.92, 93
[4]. Quyết định số 3411/QĐ-BTNMT ngày 24/10/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về "phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai".
[5], 6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2024), Báo cáo tại Hội nghị "Hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững" ngày 14/6/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.