Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945: giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại

Thứ tư, 01/09/2021 - 20:01

TNV - “Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945” là văn kiện có giá trị lịch sử to lớn, là tâm nguyện và kết quả của hành trình tìm đường cứu nước, thực tế đấu tranh cách mạng và tư duy khoa học sắc sảo, độc đáo của lãnh tụ Hồ Chí Minh; đồng thời, là hiện thân sinh động sự gặp gỡ lịch sử giữa dân tộc Việt Nam giàu truyền thống và văn hiến, luôn khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, hữu nghị với một thời đại hòa bình, hợp tác, thân thiện và phát triển, luôn tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật, đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên bố đó, đã thể hiện ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó cũng là lời hịch truyền gửi đến muôn đời con cháu mai sau với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.Sự kiện trọng đại này là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta, mở ra thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của sự nghiệp giải phóng đất nước ra khởi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân phương Tây, kiến lập nền dân chủ, cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình
ngày 2-9-1945. (Ảnh tư liệu)

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện pháp lý chính thống không chỉ công bố cho nhân dân Việt Nam, mà còn tuyên bố với thế giới về nền độc lập dân tộc của nước Việt Nam là hiển nhiên, là quy luật tồn tại của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Trong hành trình gian khó ấy, có Đảng lãnh đạo, với một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ và phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, dân tộc ta đã thủ tiêu toàn bộ chế độ thực dân, phong kiến, “lấy lại tên trên bản đồ thế giới”, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, làm cho nền văn hiến Việt Nam được khẳng định và lan tỏa cùng thời đại:

Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững

Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa

Trong và thật, sáng hai bờ suy tưởng

Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa

Đồng thời, Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là một văn kiện chính trị tổng kết những giá trị chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng của các dân tộc và tiến trình đấu tranh cách mạng vì nền độc lập của nhân dân Việt Nam. Để giành được quyền bình đẳng của dân tộc và quyền bình đẳng của mỗi con người, nhân dân ta đã phải hy sinh biết bao xương máu trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, áp bức bất công. Là một dân tộc có truyền thống văn hiến, luôn nêu cao tinh thần nhân văn, nhân đạo, chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình. Đây là những giá trị đặc trưng của truyền thống văn hóa, nhân văn Việt Nam. Giá trị đó được hình thành, phát triển và tỏa sáng trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyết tâm giữ vững quyền tự do và độc lập mà nhân dân ta đã giành được. Lời kết thúc bản Tuyên ngôn đã khẳng định đanh thép: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” đã thể hiện ý chí, quyết tâm của dân tộc, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ thành quả quý giá, lớn lao nhất, đó là: quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại của một dân tộc, quốc gia độc lập. Tư tưởng đó đã củng cố ý chí quyết tâm và khát vọng theo đuổi cho nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

76 năm qua, những giá trị tư tưởng của Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 tiếp tục định hướng cho cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trước tình hình thế giới và trong nước hiện có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra yêu cầu đối với sự nghiệp cách mạng nước ta trong tình hình mới.Quán triệt và kế thừa tư tưởng độc lập, tự chủ của Bản Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta phải luôn giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối chính trị, đường lối phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần tăng cường tiềm lực kinh tế trong nước trên cơ sở vật chất - kỹ thuật, khoa học - công nghệ hiện đại, sản suất hàng hóa nội địa có chất lượng cao, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bằng chính khả năng của đất nước. Qua đó, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển đảm bảo đúng định hướng và tính độc lập, tự chủ cao. Từ đó, tạo tiềm lực quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đồng thời, kiên định, sáng tạo xử lý, đấu tranh bảo vệ các lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, nhằm giữ gìn môi trường hoà bình cho công cuộc đổi mới hiện nay.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới, với nhiều thuận lợi do thế và lực của ta đã được cải thiện nhiều so với trước, nhưng cũng đứng trước những thách thức gay gắt. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta còn cam go, phức tạp, lâu dài. Trước tình hình đó, lời thề “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” lại vang vọng, thúc giục các thế hệ hôm nay phải nỗ lực nhiều hơn, để thực hiện trọn vẹn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bằng những hành động thiết thực.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng giá trị của Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do. Đó cũng là khát vọng, vì mục tiêu, lý tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Duy

Khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh/ Học viện Lục quân