Bánh chè lam làng Thạch - đặc sản của một làng quê xứ Đoài mây trắng

Thứ năm, 24/01/2019 - 07:32

TNV - Bất kể mùa nào trong năm, khách qua làng ai cũng được tận hưởng hương thơm ngào ngạt của bánh chè lam dù chưa ăn, và nhất là vào dịp 3 tháng cuối năm hầu như cả làng, nhà nào cũng sản xuất loại bánh này để ăn Tết và đem đi bán cho bà con xa gần mua về dâng cúng tổ tiên trong ba ngày Tết.

Làng Thạch trước đây có tên cổ là làng Nguyễn (Nguyễn xá trang). Trải qua bao năm tháng thăng trầm cùng lịch sử, cho tới nay làng thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Hiện nay, làng có hai đình, một chùa và hai  ngôi quán. Năm 1883, ngôi đình thờ Thành hoàng làng bị giặc Pháp đốt cháy. Qua nhiều lần tu sửa tới nay đình còn lại một hậu cung và hai bên tả hữu mạc. Nơi đây hàng ngàn năm con dân đã thờ Vị thành hoàng làng, cũng là vị tướng quân của Lý Nam Đế góp công đánh thắng giặc Lương dựng nên nước Vạn Xuân độc lập, được nhà nước phong kiến truy tặng Thượng đẳng thần.

Bà con làm bánh chè lam làng Thạch tất bật chuẩn bị hàng Tết. Ảnh: P. Quỳnh.

Ngoài việc khẩn hoang phát triển kinh tế, Ngài còn để lại cho dân làng nghề - làm bánh chè lam. Tương truyền, đây là lương khô của nghĩa quân thời đó. Và trải qua hàng năm lịch sử con cháu trong làng lớn lên, lớp này  tới lớp khác hàng năm tổ chức tiệc làng tế lễ vào ngày sinh nhật của Ngài 12 tháng 7 Âm lịch, tôn vinh vị Thành hoàng làng cũng là vị sư tổ nghề làm bánh chè lam và người dân làng Thạch đã duy trì nghề làm bánh chè lam làm nguồn sinh sống cho tới hôm nay.

Cách đây gần hai chục năm, nghề làm bánh chè lam của làng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề truyền thống. Bất kể mùa nào trong năm, khách qua làng ai cũng được tận hưởng hương thơm ngào ngạt của bánh chè lam dù chưa ăn, và nhất là vào dịp 3 tháng cuối năm hầu như cả làng, nhà nào cũng sản xuất loại bánh này để ăn Tết và đem đi bán cho bà con xa gần mua về dâng cúng tổ tiên trong ba ngày Tết. Bánh chè lam làng Thạch đã có mặt ở hầu hết các lễ hội, chùa chiền trên mọi miền đất nước Việt Nam, nhất là ở lễ hội chùa Tây Phương, lễ hội Đền Hùng, lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Bái Đính và các lễ hội ở Bắc Ninh... và trở thành đặc sản của làng quê xứ Đoài mây trắng. Đặc biệt, bánh chè lam làng Thạch còn đặt chân đến nhiều nước vùng Đông âu, Tây âu, bởi được nhiều người con đất Việt yêu quý mang đi làm quà. Ông Nguyễn Chí Thủy (Chủ tịch Hội làng nghề bánh chè lam làng Thạch) phấn khởi kể.

Bà Nga (52 tuổi) đang rang nổ thóc nếp. Theo bà, để thóc bỏng nếp nổ đều, xòe trắng, không bị cháy sém, cần chọn thóc mẩy, phơi khô, khi rang phải giữ đều lửa, quyấy đều tay. Ảnh: P. Quỳnh.

Cụ Nguyễn Đức Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Người Cao tuổi làng Thạch cho biết: Khác hẳn với bánh chè lam nhiều nơi, như chè lam Thanh Hóa, chè lam Đường Lâm, và ngay cả với chè lam Đại đồng ở cùng huyện Thạch Thất... hương vị, độ dẻo  của bánh chè lam làng Thạch có đặc trưng riêng biệt không nơi nào có được. Bởi nguyên liệu cốt lõi của bánh chè lam làng Thạch là bột chế biến từ bỏng nếp được rang nổ từ thóc nếp cái hoa vàng chứ không làm nguyên liệu bột được rang nổ từ gạo nếp như các loại bánh chè lam nơi khác. Từ nguyên liệu bột nếp được hòa trộn với mạch nha, với đường kính, với  mỡ, với gừng, với lạc ..., trên nền nhiệt phù hợp, qua một quá trình nhào lặn thêm với bột thảo quả, rồi đưa lên khuôn, cắt ra từng thỏi đóng gói. Thời gian lưu giữ có thể tới ba, bốn tháng mà hương vị vẫn đậm đà thơm ngon.

Công đoạn sàng sẩy để tách dóc hết vỏ trấu, chỉ còn lại bỏng nếp nổ xòe trắng phau. Ảnh: P. Quỳnh.

Trong khoảng sân nhỏ chừng 30 m 2 bên ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi, cả 03 người trong gia đình ông Thủy và 02 người làm công đang tất bật rang nổ, đóng gói… và giao, làm hàng tết. Ngoài sân chật chội, nên công đoạn đóng gói và sản phẩm làm xong được vợ con ông Thủy xếp thành từng chồng kín cả trong nhà. Do không gian sinh hoạt vừa gần và cũng là không gian sản xuất, nên ồn ào, bụi bặm là điều dễ nhận thấy. Ngừng tay pha trà, cắt bánh mời khách, ông Thủy và ông Thạch (bạn làm nghề bánh ở làng sang chơi) cùng chung một nỗi niềm mong mỏi, sớm được chính quyền địa phương quy hoạch khu sản xuất làng nghề ra xa nơi dân cư, được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất và công nhận đình làng thờ ông Tổ nghề là di tích lịch sử.

Gia đình ông Thủy, bà Minh giao hàng cho khách đem đi Hà Giang. Ảnh: P. Quỳnh.

Theo ông Vũ Đình Thành (Chủ tịch UBND xã Thạch Xá), những năm trước đây nghề làm bánh chè lam đã gắn bó cùng biết bao thế hệ người dân trong làng vất vả mưu sinh vượt qua khó khăn, đến nay nghề làm bánh chè lam đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bảy chục hộ dân trong làng có nguồn sinh sống tươm tất. Để bà con yên tâm gìn giữ, phát triển nghề làm bánh chè lam truyền thống, năm 2014 chính quyền các cấp TP Hà Nội đã hỗ trợ các hộ làm nghề xây dựng nhãn hiệu tập thể “Làng nghề bánh chè lam thôn Thạch”; cũng từ đó tới nay, hàng năm huyện Thạch Thất đều bố trí gian hàng miễn phí cho sản phẩm bánh chè làm làng Thạch được giới thiệu đến rộng rãi người tiêu dùng tại Trung tâm triển lãm nông nghiệp Việt Nam.

Cùng uống trà và thưởng thức bánh chè lam trong ngôi nhà cổ làng Thạch. Ảnh: P. Quỳnh.

Bên mái đình vút cong thờ Thành hoàng làng cũng là vị sư tổ nghề làm bánh chè lam vẫn được dân làng nâng niu gìn giữ 02 tấm sắc phong của triều đình nhà Nguyễn, người dân làng Thạch trăn trở khi ngôi đình cổ vẫn chưa được xếp hạng di tích lịch sử. Ảnh: P. Quỳnh .

Bánh chè lam làng Thạch được bày bán ở các cửa hàng tạp hóa bên đường làng. Ảnh: P. Quỳnh

Được biết, tình hình kinh tế xã hội năm 2018 của xã Thạch Xá được duy trì tăng trưởng tốt; tổng giá trị sản xuất cả năm đạt xấp xỉ 368,5 tỷ đồng, tăng 18.2% so với 2017, đạt 100% kế hoạch đề ra. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng hàng hóa, tập trung và chuyên sâu: Sản xuất nông nghiệp chiếm 9.88%; CN - TTCN - XD chiếm 49,83%; TM - DL - DV chiếm 40,29%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn 1,65% (33hộ), giảm 1,1% so với 2017(22 hộ), so với kế hoạch giảm 0,55% (11 hộ). Bình quân thu nhập đầu người đạt 52,3 triệu đồng, tăng 12,3 triệu đồng so với năm 2017, tăng 6,7% so với kế hoạch đề ra. Các ngành chủ lực của địa phương như mộc, nề, mây - tre - giang đan,….phát huy tốt lợi thế.

Phạm Quỳnh