Chiều 6/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với các Bộ VHTTDL, Bộ LĐTBXH, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp… về vấn đề giảng dạy chương trình văn hoá giáo dục phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường nghề), trường nghệ thuật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải quán triệt tinh thần thực hiện giáo dục mở, liên thông giữa các trình độ,
giữa các hệ thống và hình thức đào tạo. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành trao đổi, thảo luận về những hạn chế, vướng mắc đang đặt ra trong việc giảng dạy chương trình văn hoá giáo dục phổ thông tại các trường nghề cũng như giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh.
Quán triệt tinh thần giáo dục mở, liên thông
Các ý kiến thống nhất, khẳng định tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Luật Giáo dục, các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTBXH và các bộ ngành liên quan là đều mong muốn thực hiện giáo dục mở, liên thông giữa các trình độ, giữa các hệ thống và hình thức đào tạo. Chúng ta đang thực hiện tốt. Những năm gần đây, tín hiệu đáng mừng là số lượng học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề nhiều hơn trước. Hai bộ GD&ĐT, LĐTBXH đã bàn phương án để học sinh tốt nghiệp THCS được chuyển sang học nghề; cho tuyển sinh hệ cao đẳng nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh việc khuyến khích học sinh học nghề, chúng ta cũng phải có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đạt chuẩn chung, thực hiện hội nhập quốc tế, văn bằng tốt nghiệp THPT quốc gia của Việt Nam được các nước công nhận. Trong khi chưa ban hành thông tư hướng dẫn, Bộ GD&ĐT đã có văn bản số 2857/BGDĐT-GDTX về việc hướng dẫn tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở GDTX, góp phần phân luồng học sinh sau THCS từ năm học 2020-2021. Theo đó, tạm thời trước mắt chưa mở rộng quy mô để các trường nghề trực tiếp dạy chương trình văn hoá tương đương với chương trình THPT.
Đại diện Bộ LĐTBXH, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội… ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT để việc giảng dạy chương trình văn hoá bậc THPT trong các trường nghề để bảo đảm mặt bằng chung, và mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đại diện các bộ, ngành thống nhất đối với những trường nghề đang tiếp tục tuyển sinh, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn rất cụ thể để đảm bảo chất lượng giáo dục. Về lâu dài, chúng ta tiếp tục thực hiện trên tinh thần đó nhưng phải tuân theo quy định của Luật Giáo dục là chỉ có các trung tâm GDTX được chủ động hoặc kết hợp với trường phổ thông để dạy chương trình văn hoá bậc THPT.
Về khối lượng kiến thức văn hoá giảng dạy trong các trường nghề, mặc dù Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, soạn thảo nhưng vẫn nhận được nhiều ý kiến khác nhau về mức độ kiến thức phù hợp, vừa bảo đảm kiến thức theo mặt bằng chung, vừa đảm bảo thời gian học nghề của học sinh. Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện, để ban hành trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH sẽ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang giảng dạy chương trình văn hoá bậc THPT, theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện quyền tự chủ, được thành lập trung tâm GDTX để tiếp tục thực hiện dạy chương trình văn hoá giáo dục phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục, trên tinh thần không làm tăng biên chế, bộ máy tổ chức.
Bộ LĐTBXH cũng sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT tiến hành rà soát mạng lưới trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-GDTX, và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có giải pháp sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng những nơi có điều kiện, cơ sở có điều kiện có thể tiến hành sáp nhập trung tâm GDTX, bảo đảm vừa dạy nghề, vừa dạy văn hoá theo mô hình “vừa học, vừa làm”.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Không để học sinh thiệt thòi
Các đại biểu cũng đã nghe, thảo luận về việc cấp bằng tốt nghiệp THCS hay chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh của các trường nghệ thuật như Học viện Múa Việt Nam. Đây là những trường có đặc thù đào tạo theo năng khiếu, tuyển học sinh từ nhỏ (bắt đầu từ lớp 6), học hết chương trình trung cấp, hoặc cao đẳng.
Tại cuộc họp, Bộ VHTTDL, lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam khẳng định học sinh vẫn được giảng dạy văn hoá theo chương trình được Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL quy định. Trên cơ sở nguyện vọng của phụ huynh và các học sinh Học viện Múa Việt Nam đã hoàn thành chương trình trung cấp mong muốn được cấp bằng tốt nghiệp THCS, mặc dù trong thực tế ít khi sử dụng, Bộ GD&ĐT đồng ý về nguyên tắc cấp bằng tốt nghiệp THCS cho những học sinh này. Các vụ chức năng của Bộ GD&ĐT đã rà soát, kiến nghị phương án cấp bằng cụ thể, đúng theo thời điểm tốt nghiệp thực tế của học sinh.
Đại diện Bộ GD&ĐT cũng khẳng định những học sinh trường nghệ thuật đã hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp, theo quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc học bù thêm các môn văn hoá theo hướng dẫn của Bộ.
Riêng đối với Học viện Múa Việt Nam, Bộ GD&ĐT cho rằng căn cứ vào báo cáo của Học viện và khẳng định của Bộ VHTTDL thì đã đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho các học sinh đã hoàn thành chương trình trung cấp nhưng theo quy định của Luật Giáo dục thì chỉ những cơ sở có chức năng GDTX mới được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm GDTX và dạy nghề quận Cầu Giấy thực hiện việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Về lâu dài, chung với hệ thống các trường nghề, khi Học viện Múa Việt Nam có trung tâm GDTX thì sẽ được tự cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh.
Đình Nam/Chinhphu