TNV - Bạo hành chiếm tỷ lệ cao nhât trong số những nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Các nhà xã hội học đã chia làm 4 dạng bạo hành gia dình, đó là: bạo hành thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế… Không để lại vết thương trên cơ thể nhưng làm tổn hại nghiêm trọng thần kinh, đó chính là bạo hành tinh thần. Điều đáng nói là hành vi bạo hành này thường diễn ra trong những gia đình trí thức với những diễn biến vô cùng tinh vi, phức tạp, người ngoài rất khó nhận biết…
Chỉ đến khi chị Hương ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu và khi vừa tỉnh dậy nhìn thấy bóng dáng chồng, mặt chị lại tái mét, run sợ rồi lịm đi, người thân của chị mới sửng sốt phát hiện ra gần nửa năm nay chị phải chịu sự tra tấn tinh thần khủng khiếp từ anh Thành. Nghe bác sĩ thông báo chị bị “suy nhược thần kinh nặng” và cảnh báo “nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả khôn lường”, mọi người vừa thương vừa giận chị. Sự nhẫn nhục, cam chịu của những người phụ nữ như chị đã vô tình tiếp sức cho thói bạo hành có cơ hội gia tăng, phát triển…
Bản tính ghen tuông thái quá nên chỉ một lần bắt gặp vợ tay bắt mặt mừng với cậu bạn học cũ, anh Thành đã tức tối quy kết vợ lăng loàn. Không chỉ thốt lên những lời tục tĩu xúc phạm nhân phẩm vợ, anh ta còn “trả đũa” bằng những hình thức thâm hiểm như dán dòng chữ “tôi là gã đàn ông mù quáng lấy nhầm phải ca ve về làm vợ” dưới bức ảnh cưới của hai người, sáng nào cũng gửi vào máy điện thoại của vợ lời nhắn: “Chào người đẹp chán chồng!”, “Chào bà mẹ hai con rồi vẫn phải lòng trai”, tặng bài hát có nội dung về sự chia ly não nề qua tổng đài “Quà tặng âm nhạc”…vv. Chị Hương đã tìm đủ mọi cách nói cho chồng hiểu mình chưa từng làm điều gì vượt quá giới hạn, có lỗi với gia đình, hổ thẹn với lương tâm, thậm chí còn thề độc nhưng anh ta vẫn gạt đi, không chịu tin. Sống trong áp lực ngột ngạt, căng thẳng triền miên, chị buồn chán, ăn chẳng ngon miệng, ngủ chẳng yên giấc nên người gầy rộc đi, tâm trạng hoảng loạn…
Hai vợ chồng làm cùng cơ quan, Thành lại đang đảm nhiệm chức vụ phó giám đốc nên “vạch áo cho người xem lưng” là điều chị Hương không bao giờ nghĩ đến. Tâm sự, chia sẻ cùng bạn bè, họ hàng thì lại e điều tiếng “xấu chàng hổ ai”. Ngay cả cô em gái thấy chị “có biểu hiện khác thường” đã gặng hỏi nhưng chị vẫn một mực dấu giếm. Chính vì vậy trong mắt đồng nghiệp, người quen, vợ chồng chị luôn được nhìn nhận là cặp đôi thành đạt, hạnh phúc. Chẳng ai ngờ phía sau vỏ bọc đó là những giọt nước mắt tột cùng đau đớn của người vợ phải chịu sự ngược đãi về tinh thần một cách tàn nhẫn do chồng gây ra. Nỗi đau càng khó chia sẻ càng quặn thắt, dai dẳng. Đã có lúc chị Hương uất ức nghĩ đến cái chết như thể đó là lối thoát nhưng vì hai đứa con chị lại gồng mình chịu đựng.
Nhìn tấm thân “chỉ còn da bọc xương” của chị trên giường bệnh ai cũng xót xa, thương cảm. Bệnh của chị không chỉ đơn thuần điều trị bằng thuốc mà quan trọng nhất chính là liệu pháp tinh thần. Nhưng chẳng biết người chồng sau những tổn thương gây ra cho vợ có tỉnh táo nhận thấy sự đáng trách của bản thân để ăn năn, sửa đổi, giúp vợ sớm bình phục hay vẫn tiếp tục phũ phàng dồn vợ vào cùng quẫn, tuyệt vọng, đẩy tổ ấm gia đình đến bờ vực đổ vỡ, chia lìa?...
Thông thường, khi nhắc đến bạo hành gia đình, người ta thường nghĩ đến đánh đập, hành hạ, gây thương tích. Hình thức bạo hành này dễ phát hiện và ngăn chặn, nhất là khi pháp luật được tăng cường, trình độ dân trí ngày một tăng lên. Tuy nhiên còn có loại bạo hành nguy hiểm, khó đấu tranh hơn nhiều, đó là bạo hành tinh thần. Nó thể hiện ở những hành động như: cấm đoán, cô lập, không cho tiếp xúc với người khác, quấy rối, gây áp lực thường xuyên về tâm lý… Nó rất khó ngăn chặn, xử lý vì không để lại “tang chứng, vật chứng” trên cơ thể nạn nhân. Và điều đáng nói là càng ở trong gia đình trí thức thì người bị bạo hành càng khó nói ra nỗi đau bằng lời do tâm lý muốn giữ thể diện, do e ngại ảnh hưởng đến người thân (bố mẹ, con cái…). Vì lẽ đó chính quyền, các tổ chức xã hội rất khó phát hiện để có biện pháp can thiệp kịp thời. Thêm một nguyên nhân nữa là kẻ bạo hành “có học” sau khi hành hạ thường tỏ ra ăn năn, tìm cách vỗ về, hứa hẹn sửa đổi khiến ngọn lửa hi vọng nhen nhóm trong lòng nạn nhân, nhưng rồi lại chứng nào tật nấy dẫn đến tình trạng bạo hành âm ỉ, kéo dài…
Bạo hành luôn là vấn đề nhức nhối, gây ra những tác động tiêu cực, dẫn đến sự bất ổn trong quá trình phát triển của gia đình và xã hội. Để công tác phòng chống bạo hành gia đình đạt hiệu quả cao cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng trong việc thay đổi nhận thức, phát hiện, lên án và trợ giúp nạn nhân bị bạo hành. Nhưng thiết nghĩ giải pháp tốt nhất là mỗi cá nhân tự biết bảo vệ mình bằng cách dũng cảm lên tiếng, đấu tranh chống lại bạo hành, tìm đến những tổ chức xã hội để được tư vấn, giúp đỡ kịp thời…
Thanh Thủy