TNV - Hàng ngàn lao động bị mất việc làm, đặc biệt là lao động phổ thông khi đại dịchCovid-19 bùng phát. Bảo hiểm thất nghiệp chính là "cứu cánh" của người lao động ở thời điểm khó khăn này.
Mất việc, ốm đau, con cái học hành
"Trong thời gian chưa tìm được việc làm, tôi nhận được mỗi tháng gần 3 triệu đồng tiền Bảo hiểm thất nghiệp. Số tiền này vô cùng ý nghĩa, giúp tôi phần nào bớt những khó khăn, chật vật trong cuộc sống, chị Đỗ Thị Thúy (SN 1993, trú tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) là giáo viên hợp đồng tại một trường tư thục trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho biết. Đầu tháng 5-2021, dịch Covid-19 phức tạp khiến nơi chị làm việc phải đóng cửa, chị thất nghiệp và phải trở về quê. Cũng do dịch nên từ khi trở về quê đến nay, chị Thúy vẫn chưa xin được công việc mới.
Trong quá trình làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Thúy cũng được Trung tâm giới thiệu việc làm tư vấn, hướng dẫn tìm công việc mới để sớm có thể đi làm trở lại.
Còn chị Vũ Thị Hương (SN 1986, trú tại huyện Yên Định, Thanh Hóa) và chồng đều là công nhân tại Bình Dương. Dịch Covid-19 khiến hai vợ chồng mất việc và phải trở về quê. Tuy nhiên, khoản tiền trợ cấp thất nghiệp của hai vợ chồng đã giúp gia đình phần nào bớt nỗi lo cơm áo."Mình và chồng mỗi người được nhận hơn 4 triệu đồng/tháng. Nếu không có khoản tiền này không biết phải xoay xở ra sao giữa mùa dịch. Sau khi bị mất việc, mình ốm đau liên miên, con cái bước vào năm học mới rất tốn kém. Khoản tiền đó như cứu cánh cho cả gia đình", chị Hương chia sẻ.
Không chỉ riêng chị Thúy, vợ chồng chị Hương mà có hàng nghìn người lao động từ khắp nơi trở về Thanh Hóa được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chính sách này giúp họ duy trì cuộc sống trước mắt cho đến khi tìm được việc làm mới và quay trở lại thị trường lao động.
Ngày càng tăng số người mất việc làm
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay có hơn 17.000 lao động bị mất việc làm đến trung tâm đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.Đơn vị đã thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 17.000 người.Số lượng lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng tăng. Trong tổng số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nhóm lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn) chiếm tỷ lệ cao nhất. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp quý 2/2021 là 7.198 người, tăng 99,06% so với quý 1/2021, giảm 36,42% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa cho biết:Hiện người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp có 2 nhóm là tự nghỉ việc hoặc doanh nghiệp cho nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, người lao động bị mất việc do dịch chiếm hơn 60%.Đối tượng người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất từ 25-40 tuổi.Trung tâm phối hợp với các trường nghề để tư vấn học nghề cho người lao động; thu thập thông tin về thị trường để nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động, khai thác vị trí việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Cũng theo ông Vinh, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù số lao động bị thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng, nhưng quyền lợi của 100% số người tham gia chính sách này vẫn được bảo đảm.Bên cạnh đó cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp", Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa cho biết thêm.
PV