TNV - Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Đây là lý do khiến hàng nghìn người lao động rơi vào tình trạng bị giảm lương, tạm nghỉ, không có việc làm... Bên cạnh các chính sách an sinh xã hội khác, Bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành "phao cứu sinh" đối với người lao động trong việc duy trì cuộc sống trước mắt cho đến khi tìm được việc làm mới và quay trở lại thị trường lao động.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chỉ tính riêng trong tháng 7, BHXH các địa phương đã phối hợp ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 80.021 người hưởng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó, 79.087 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 934 người hưởng chế độ học nghề.
Tính đến hết tháng 7/2021, toàn quốc có khoảng 16 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,08% lực lượng lao động. Trong số này, có hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; gần 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; hơn 13 triệu người tham gia BHTN.
Ngoài các chính sách hỗ trợ từ BHTN, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 12 chính sách hỗ trợ. Một trong những nội dung hỗ trợ của Nghị quyết là chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Ước tính, 4.500 tỷ đồng từ Quỹ BHTN sẽ được dành hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Qua đó, duy trì việc làm cho người lao động trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng này.
Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ BHTN khi đáp ứng một số điều kiện như: đóng đủ BHTN cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng cho một lao động mỗi tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.
Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ này, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc thêm việc có cơ chế hỗ trợ cho các địa phương, nhất là với các địa phương không tự cân đối được ngân sách để đảm bảo mọi đối tượng đủ điều kiện đều có thể tiếp cận được gói hỗ trợ để ổn định cuộc sống, phát huy ý nghĩa, giá trị của chính sách. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai chính sách, cần lưu ý tới nhóm đối tượng bị cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, về cơ bản nhóm đối tượng này cũng gặp khó khăn như cách ly tập trung và trong khu vực phong tỏa.
Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã giảm 2/3 thời gian, cắt giảm 2/3 thủ tục so với Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, một số chính sách đang triển khai chậm do nhiều địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc làm thủ tục hồ sơ khá khó khăn, người lao động cũng không đi lại được để hoàn thiện thủ tục. Bên cạnh đó, người lao động và người sử dụng lao động cũng hiểu về các chính sách chưa thật cặn kẽ nên chưa tích cực gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
X.T