Bảo hiểm thất nghiệp: Phát huy tốt vai trò trong việc hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn

Thứ ba, 14/02/2023 - 08:00

Thời gian qua, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ san sẻ gánh nặng chi phí cho người lao động trong thời gian chờ tìm kiếm công việc mới. Nhờ có chính sách này, người lao động có được một khoản tiền bù đắp, giúp họ trang trải cuộc sống trong thời gian họ bị mất việc làm, bị thất nghiệp…

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách tiến bộ dành cho những người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhằm đảm bảo cho người lao động có được một khoản tiền bù đắp, giúp họ trang trải cuộc sống trong thời gian họ bị mất việc làm, bị thất nghiệp…

Bảo hiểm thất nghiệp điểm tựa cho người lao động khi bị mất việc làm

Trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động còn được hỗ trợ học nghề. Mục đích chính của bảo hiểm thất nghiệp nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tìm việc làm. Trong ba năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lực lượng lao động thất nghiệp tăng mạnh, do đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp càng phát huy hiệu quả làm "bà đỡ" giúp họ vượt qua khó khăn.

Theo đó, chính sách hỗ trợ học nghề bảo hiểm thất nghiệp được xác định là một trong những biện pháp giúp cho người lao động được đào tạo nghề, tạo ra cơ hội để họ chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay lại tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Những người có nghề trong tay thường có có điều kiện làm việc và thu nhập tốt hơn. Người lao động nên coi việc học nghề và có nghề là “chìa khóa” tốt nhất cho cả cuộc đời, đặc biệt việc học nghề hiện nay đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Tuy nhiên, trên thực tế, số người lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp… Đáng chú ý, có không ít trường hợp người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc tham gia đào tạo để có việc làm mới. Thậm chí, một số người lao động còn khai báo không đúng tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, tăng tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp là mục tiêu đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thời gian tới.

Theo thống kê từ Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số người thất nghiệp lựa chọn học nghề thấp, chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đa số lựa chọn một số nghề trình độ sơ cấp như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy… Do đó, để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, từ ngày 15/5/2021, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BNTN) sẽ được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng áp dụng theo Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm (sau đây gọi chung là người lao động). Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp).

Mức hỗ trợ học nghề cụ thể: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng. Như vậy, có thể thấy từ ngày 15/5/2021, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đã được tăng đáng kể từ 1 triệu đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là một tháng.

Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Theo các quy định hiện hành, việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Khi đến đây, những lao động có nhu cầu sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề… Với người có nhu cầu học nghề, các trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu cho họ những ngành, nghề phù hợp tại cơ sở dạy nghề uy tín, để họ chủ động lựa chọn./.

PV