Bảo hiểm y tế: Chỗ dựa cho người dân

Thứ hai, 30/08/2021 - 15:10

TNV- Hiện nay, nhiều đối tượng gặp khó khăn trên cả nước được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Qua đó, giúp họ giảm bớt một phần gánh nặng kinh tế gia đình khi chẳng may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.

Từ khi ra đời, chị Đặng Thị Lương (SN 1973, ở tổ dân phố số 7, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu) mắc phải căn bệnh não úng thủy. Càng lớn đầu chị Lương càng to, chân tay co quắp không thể đi lại được, phải nằm một chỗ. Gần 50 năm qua mỗi khi trái gió trở trời, căn bệnh quái ác lại hành hạ, lúc thì bị đau đầu, lúc rối loạn đại tiểu tiện nên mọi sinh hoạt hàng ngày của chị đều phải nhờ đến người thân trợ giúp. Ốm đau, bệnh tật, tiền thuốc để duy trì sự sống không biết tính sao cho hết, chỉ biết rằng mỗi tháng chị Lương phải tiêu tốn vài triệu đồng. Trong khi mẹ đẻ đã già, vợ chồng em trai cũng không đỡ đần được nhiều. Cũng may chị được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí đã giảm bớt một phần gánh nặng khi chị phải nằm viện hay mua thuốc.

Hiện nay, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Ða khoa tỉnh Lai Châu) trung bình mỗi ngày điều trị cho 20 - 25 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Trong đó, đa số bệnh nhân đều được hưởng 100% BHYT. Tiêu biểu như bà Trương Tố Uyên (SN 1960, ở xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn) điều trị bệnh suy thận được hơn 4 năm, gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng bỏ đi khi con gái chưa tròn 1 tuổi, một mình bà nuôi con khôn lớn. Vì thế, bị suy thận bà rất lo lắng khi nghĩ đến số tiền điều trị bệnh dài ngày và chi phí ăn ở. Tuy nhiên, do là hộ nghèo bà Uyên được cấp BHYT miễn phí và được hưởng 100% chi phí điều trị đã giúp bà thắp lên hy vọng sống. Bà Uyên chia sẻ: “Để điều trị bệnh suy thận đối với những người có hoàn cảnh khó khăn như tôi là quá sức vì mỗi tuần phải chạy thận 3 lần. Nếu không có BHYT chắc tôi không thể sống đến ngày hôm nay”.

Theo bác sỹ Phạm Văn Vượng - Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, mức chi phí điều trị trung bình mỗi bệnh nhân suy thận khoảng 15 triệu đồng/tháng, nếu không có chính sách BHYT thì nhiều bệnh nhân sẽ phải bỏ dở điều trị do chi phí cao và phải điều trị liên tục trong thời gian dài. Cuộc sống còn phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc và thuốc. Vì vậy, BHYT thực sự là điểm tựa giúp người nghèo, người yếu thế giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình để tiếp tục “cuộc chiến” giành lại sự sống.

Có mặt tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu) chúng tôi mới hiểu được ý nghĩa của chính sách BHYT mang lại. Tại khoa, ngoài điều trị các trẻ bị ho, sốt, viêm phổi… còn có những em bé có khuôn mặt xanh xao, bờ môi thâm tái đang ngồi cùng người thân chờ truyền máu. Trò chuyện với bà Hoàng Thị Inh (ở bản Pắc Khoa, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) đang ngồi bế cháu trai Lò Văn Khánh (hơn 6 tuổi), chúng tôi được biết hoàn cảnh éo le của gia đình. Mẹ Khánh bỏ đi khi cháu mới được 2 tuổi, em Khánh được 1 tuổi, bố Khánh đi lấy vợ khác nên việc chăm lo, nuôi dưỡng các cháu đều do vợ chồng bà. Bà Inh tâm sự: “Chắc khổ quá nên mẹ nó mới bỏ đi khi phát hiện cháu Khánh bị mắc bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh từ lúc 6 tháng tuổi, càng lớn Khánh càng lộ rõ dị tật, người bị phù lên, da xanh xao, bụng ỏng. Hiện nay, mỗi tháng tôi phải đưa cháu vào viện truyền máu một lần. Thương cháu lắm nhưng tôi đành bất lực vì gia đình nghèo quá, nhưng cũng nhờ có thẻ BHYT nên hàng tháng cháu được vào truyền máu miễn phí để duy trì sự sống, nếu không có thẻ BHYT thì không biết bây giờ cháu tôi ra sao nữa”.

Xác định BHYT là chính sách lớn góp phần đảm bảo an sinh xã hội với mục tiêu mọi công dân đều được bảo vệ chăm sóc sức khỏe. Tính đến ngày 30/6/2021, ngành BHXH tỉnh đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh rà soát cấp thẻ BHYT miễn phí cho 5.114 người nghèo, người yếu thế. Thực hiện Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về quy định thêm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Trong đó, bao gồm các đối tượng: người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi và trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Hiện nay, những đối tượng này đang được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh rà soát, lập hồ sơ để cấp thẻ BHYT miễn phí. Qua đó, đảm bảo quyền lợi trong công tác khám chữa bệnh. Đồng thời, giúp người nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, góp phần bảo đảm sự công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Được biết, ngoài đẩy mạnh triển khai cấp thẻ BHYT miễn phí cho các đối tượng yếu thế, BHXH tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân lợi ích của việc tham gia BHYT với nhiều hình thức phù hợp như: trên loa phát thanh, pano, băng rôn, tờ rơi… Đặc biệt, truyền thông trực tiếp các nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp và đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại cơ sở. Đến nay, tỷ lệ người tham gia BHYT ngày càng tăng, tính hết ngày 31/7/2021, đối tượng tham gia BHYT đạt 346.402 người, đạt 75% dân số toàn tỉnh.

Với chính sách ưu việt của BHYT mang lại không chỉ giúp những người nghèo, đối tượng yếu thế giảm bớt gánh nặng chi phí khi điều trị, mà còn đảm bảo cuộc sống của mỗi gia đình không lâm vào cảnh nghèo túng khi bị bệnh tật. Đây cũng là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, đồng thời thể hiện truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách” ngàn đời của dân tộc ta khi người khỏe chia sẻ với người bệnh.

PV