Bài viết cho biết, trong tháng 1 khi thế giới bắt đầu tìm hiểu về loại virus mới, lãnh đạo Việt Nam đã coi đây là kẻ thù quốc gia. Hàng chục nghìn người đã được cách li tại các cơ sở của nhà nước trong những tháng tiếp theo và thậm chí toàn bộ một số làng đã được phong tỏa do có người lây nhiễm. 3 tháng sau khi trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện, Việt Nam dường như đã đánh bại dịch bệnh, ít nhất là cho tới thời điểm này.
Tại nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 của Việt Nam
Bài viết cho biết Việt Nam chỉ ghi nhận 2 trường hợp nhiễm mới trong 10 ngày qua và cả hai đều là du học sinh trở về từ Nhật Bản tuần trước. Với dân số hơn 95 triệu người, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do Covid-19 và hầu hết trên tổng số 270 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh đều đã hồi phục
Các cửa hàng và nhà hàng đã bắt đầu mở cửa trở lại từ thứ 5 tuần trước sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế được áp dụng trong vòng 3 tuần. Các dịch vụ vận chuyển đã được nối lại, tuy nhiên, hầu hết các trường học và các quán karaoke vẫn đóng cửa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thứ Sáu tuần trước tuyên bố Việt Nam mới thắng những trận chiến đơn lẻ, chưa phải cả cuộc chiến, đồng thời lưu ý rằng một số nước trong khu vực bao gồm Singapore đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới sau các thành công ban đầu.
Việt Nam đã tiến hành hơn 210.000 lượt thử virus, con số khá khiêm tốn so với mức dân số của Việt Nam nhưng lại rất cao so với mức độ bùng phát dịch bệnh ở đây. Tính trung bình, Việt Nam đã tiến hành 780 lượt thử trên mỗi ca nhiễm bệnh, cao hơn hẳn so với New Zealand và Đài Loan, và hầu hết các xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính. Cuối tháng 3, Việt Nam đã nhập 200.000 bộ thử nhanh từ Hàn Quốc nhằm tăng cường khả năng xét nghiệm.
Bài viết cho rằng các biện pháp mạnh mẽ cách li hàng chục nghìn người tại các doanh trại quân đội, ký túc xá đại học và các trung tâm do nhà nước quản lý là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tránh được bùng phát dịch bệnh lớn. Khi một người được xác nhận nhiễm bệnh, nhiều người từng tiếp xúc với người này, kể cả những người không có triệu chứng, đều được cách li tại các cơ sở hoặc bệnh viện do nhà nước quản lý thay vì tự cách li ở nhà, nơi họ có thể lây nhiễm sang các thành viên cao tuổi trong gia đình. Tất cả những người trở về Việt Nam từ nước ngoài trong tháng trước đều được yêu cầu cách li tại các cơ sở này trong vòng 14 ngày.
Theo bài viết, đầu tháng 4, Việt Nam ghi nhận dưới 250 ca mắc Covid-19 và 45.000 người đã được cách li tại các cơ sở của chính phủ. Hiện nay, số người được cách li tại các cơ sở này đã giảm xuống khoảng 11.000 trong khi hơn 40.000 người đang được cách li tại nhà, phần lớn là những người từng liên quan tới 1 người được xác nhận nhiễm bệnh.
Hệ thống chống Covid-19 của Việt Nam dựa trên truy tìm tiếp xúc nhằm xác định những người từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Giới chức y tế Việt Nam công bố chi tiết về những hoạt động của người nhiễm bệnh trên các trang web chính phủ, báo in và mạng xã hội, ví dụ, những quán ăn mà người này từng đến và người này đã ở chợ trong vòng bao lâu. Những người cho rằng mình đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh được khuyến khích thông báo với các cơ quan chức năng.
Tháng trước, sau khi một số trường hợp nhiễm bệnh có liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, bệnh viện này đã bị phong tỏa hoàn toàn trong vòng 2 tuần. Khoảng 5.000 nhân viên bệnh viện và bệnh nhân cũng như hàng nghìn người từng tới thăm thân đều đã được xét nghiệm. Ít nhất 45 trường hợp nhiễm bệnh có liên quan tới bệnh viện Bạch Mai và một công ty cung cấp thực phẩm cho bệnh viện này.
Khi giới chức Hà Nội phát hiện một người đàn ông từ ngoại ô Hà Nội tới bệnh viện và xét nghiệm dương tính, toàn bộ khu vực chỗ người này ở đã bị phong tỏa. Khoảng 11.000 người liên quan tới người này đã được xét nghiệm và 13 người trong số đó đã dương tính với Covid-19. Khu vực này vẫn đang tiếp tục bị phong tỏa.
Một số nơi ở Việt Nam vẫn chưa trở lại các hoạt động bình thường. Các quy định về mở cửa trở lại được áp dụng đối với từng khu vực khác nhau. Tại các thành phố lớn, các hoạt động tụ họp xã hội từ 20 người trở lên vẫn bị cấm./.
PV/VOV