TNV - Tuy điều kiện kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế, nhưng Khu BTTN đã tích cực xây dựng các chương trình nghiên cứu, chủ động xây dựng dự án để thu hút đầu tư nghiên cứu, phát triển rừng đặc dụng; thực hiện kế hoạch, chương trình nghiên cứu, sưu tập các loài động thực vật có trong KBT đã được triển khai ngay từ khi mới thành lập.
Điển hình của hệ sinh thái rừng kín lá rộng thường xanh núi thấp
Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có địa bàn trải rộng trên phạm vi 5 xã Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Vũ Oai và Hòa Bình của huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Với diện tích quy hoạch vùng thực hiện Dự án là 16.878,7ha, trong đó diện tích quy hoạch rừng đặc dụng là 15.637,7ha và diện tích được cấp giấy CNQSDĐ là 15.593,81ha.
Đây là khu vực điển hình của hệ sinh thái rừng kín lá rộng thường xanh núi thấp có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất vùng Đông Bắc Việt Nam. Gồm các kiểu thảm thực vật điển hình sau: Thảm thực vật thường xanh mưa ẩm Á nhiệt đới núi thấp; thảm thực vật thường xanh mưa ẩm nhiệt đới.
Nguồn tài nguyên DDSH của Khu bảo tồn được quản lý, bảo vệ tốt. Ảnh: V. Khương.
Ở đây có quần thể động, thực vật rất phong phú, đa dạng. Về thực vật: Kết quả bước đầu ghi nhận có 837 loài thuộc 150 họ, gồm: Ngành thông đất - Lycopodiophyta: có 2 loài thuộc 2 chi thuộc 2 họ; Ngành Cỏ tháp bút - Equisetophyta: có 1 loài, 1 chi, 1 họ; Ngành Dương xỉ - polypodiophyta: có 20 loài, 14 chi, 14 họ; Ngành thông - Pinophyta: có 11 loài, 6 chi thuộc 4 họ; Ngành Ngọc lan - Magnoliophyta; Lớp 2 lá mầm - Dicotyledones: có 696 loài, 389 chi thuộc 109 họ; Lớp 1 lá mầm - Monocotyledoes: có 107 loài, 77 chi thuộc 20 họ.
Trong tổng số 837 loài có 64 loài thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục đỏ của IUCN năm 2010, trong đó: Loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007: có 43 loài; Loài được ghi trong Danh lục đỏ của IUCN 2010: có 31 loài; Loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ- CP của Chính phủ: có 13 loài.
Về động vật: Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có khu hệ động vật đa dạng, có nhiều loài động vật, đặc biệt các loài quý hiếm như báo hoa mai, Nai, Gấu,...Tuy nhiên do bị tác động của các nguyên nhân khách quan, một số loài hiện chỉ còn một vài cá thể sinh sống trong khu bảo tồn.
Kết quả điều tra đã ghi nhận: Có 56 loài thú trong số đó có 15 loài nằm trong sách đỏ của IUCN (từ cấp VU trở lên); 135 loài chim, trong số đó có 4 loài nằm trong sách đỏ của IUCN (từ cấp VU trở lên); 31 loài bò sát, trong số đó có 8 loài nằm trong sách đỏ của IUCN (từ cấp VU trở lên); 22 loài bò sát ếch nhái. Một số loài Hổ, loài Vượn đen và Voọc má trắng, Voọc Bạc từng được ghi nhận là đã từng có mặt ở Khu bảo tồn.
Kể từ khi thành lập đến nay, Khu bảo tồn đã bố trí 4 trạm Kiểm lâm đóng tại các cửa rừng trên phạm vi quản lý 5 xã, trực tiếp làm công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Đồng thời, tổ chức cho người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tồn; như: Tuần tra bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn các hoạt động xâm hại đến các loài động thực vật và các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng và môi trường. Do vậy, đến thời điểm hiện tại nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của Khu bảo tồn được quản lý, bảo vệ tốt; ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá rừng; ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên của cộng đồng được nâng cao.
Để nâng cao nhận thức và cải thiện đời sống của cộng đồng dân cư trong vùng đệm, Ban quản lý KBT đã chủ động thực hiện tốt các chương trình, dự án đầu tư phát triển rừng, như: Dự án 5 triệu ha rừng, dự án bảo vệ phát triển rừng, Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng...
Chủ động hợp tác quốc tế, nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học
Tuy điều kiện kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế, nhưng Khu BTTN đã tích cực xây dựng các chương trình nghiên cứu, chủ động xây dựng dự án để thu hút đầu tư nghiên cứu, phát triển rừng đặc dụng; thực hiện kế hoạch, chương trình nghiên cứu, sưu tập các loài động thực vật có trong KBT đã được triển khai ngay từ khi mới thành lập.
Cụ thể: Năm 2006 Khu bảo tồn trong hoạt động tuần tra bảo vệ rừng đã phát hiện 3 cá thể cá nước ngọt quý hiếm, kết quả thẩm định 1 cá thể là cá Sấu cảnh cạn, 1 cá thể là cá Cóc Tam Đảo (là loài thuộc sách đỏ Việt Nam). Năm 2007 Khu bảo tồn phối hợp với đoàn cán bộ khoa học thuộc Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật; Viện Động vật Xanh Pê-téc-bua của Nga điều tra thực địa tại tiểu khu 61 xã Kỳ Thượng thuộc KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng quản lý đã phát hiện và lấy mẫu được 43 loài bò sát, ếch nhái. Qua phân tích các mẫu động vật, đoàn công tác đã đánh giá đây là khu vực đa dạng về bò sát, ếch nhái.
Năm 2010, Khu bảo tồn đã phối hợp với Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Đông Bắc bộ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, các chuyên gia về thực vật trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam điều tra đánh giá đa dạng các loài thực vật đặc hữu thân gỗ trong KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Kết quả điều tra đã phát hiện 546 loài, thuộc 332 chi của 97 họ, trong 2 ngành thực vật, trong đó có 39 loài thực vật trong sách đỏ Việt Nam, sách đỏ thế giới, Nghị định 32 của Chính phủ; 02 loài đặc hữu quí hiếm là cây Sao Hòn Gai và cây Mắc niễng.
Hoạt động điều tra đa dạng sinh học của cán bộ Kiểm Lâm ở BQL. Ảnh: V. Khương.
Năm 2011, Khu bảo tồn đã phối hợp với Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Đông Bắc bộ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, các chuyên gia về thực vật trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam điều tra đánh giá đa dạng các loài thực vật thân thảo trong KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Kết quả điều tra đã phát hiện 617 loài, thuộc 380 chi của 119 họ, trong 4 ngành thực vật, có 14 loài thực vật thân thảo có trong sách đỏ Việt Nam và Nghị định 32 của Chính phủ.
Năm 2012, Khu bảo tồn đã phối hợp với Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Đông Bắc bộ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, các chuyên gia về dược liệu của Viện Dược liệu điều tra đánh giá đa dạng các loài thực vật có giá trị dược liệu trong KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Kết quả điều tra đã phát hiện 428 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 330 chi, 125 họ của 4 ngành thực vật bậc cao và Nấm, có 10 loài thực vật có giá trị làm dược liệu có tên trong sách đỏ Việt Nam và Nghị định 32 của Chính phủ.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2013-2016 khu bảo tồn phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên và Sinh vật, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam; nhóm cán bộ nghiên cứu của vườn thú Cologne (Cộng hòa liên bang Đức) quan tâm nghiên cứu, phát hiện được 2 loài động vật đặc hữu của Việt Nam, bổ sung thêm vào danh lục động vật của Khu bảo tồn là Thằn lằn cá sấu (Shinisaurus crocodilurus) và Cá cóc Việt Nam (Tylototriton vietnamesis).
Phạm Quỳnh